Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) phát biểu tại tổ - (Ảnh Mỹ An)
Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) băn khoăn khi Quốc hội thảo luận cơ chế đặc thù cho Hà Nội, sáng 9/6.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình Quốc hội về đề nghị xây dựng và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.
Theo dự thảo này, HĐND thành phố Hà Nội được quyết định áp dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội một số khoản thu đặc thù phù hợp với đặc điểm của thành phố Hà Nội: Phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí (không kể các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách sách trung ương hưởng 100%) được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí.
Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng cơ bản nhất trí với nội dung Chính phủ trình, tuy nhiên cơ quan thẩm tra đề nghị đối với lệ phí, án phí của Tòa án thì không nên giao cho HĐND thành phố tự điều chỉnh.
"Giao cho Hà Nội thu phí chưa có trong danh mục thì tôi băn khoăn, báo cáo thẩm tra chưa làm rõ nội dung này tác động đến dân thế nào, ý kiến dân ra sao?", đại biểu Nguyễn Bắc Việt phát biểu.
Vị đại biểu Ninh Thuận nhấn mạnh rằng các loại phí sử dụng lòng lề đường, phí để xe... đều liên quan đến dân cả, nếu đại biểu Hà Nội bấm nút thông qua thì tác động ngay đến người nhà mình.
Người tỉnh khác đến Thủ đô cũng bị tác động bởi các loại phí này, một vị khác góp lời.
Phát biểu tiếp, ông Việt nhận định, nếu được quyết định cơ chế đặc thù như Chính phủ trình (ngân sách thành phố được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất, được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do Ủy ban nhân dân Thành phố làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước - PV) thì Hà Nội có điều kiện hơn về kinh tế.
Mà đã có điều kiện thì nên giảm thu, đây thì lại không giảm mà lại tăng, theo chủ trương chung thì khoan thư sức dân làm gốc chứ đây tăng thu thì "ngược", ông Việt góp ý.
Dẫn từ tờ trình của Chính phủ, năm nào nguồn thực hiện cải cách tiền lương của thành phố cũng dư cả mấy chục ngàn tỷ, ông Việt cho rằng: "thế mà tăng thu thì cần xem lại, hình như chưa lấy ý kiến dân và doanh nghiệp. Tôi chưa yên tâm, tăng phí tác động đến sản xuất kinh doanh như thế nào cần phải đánh giá kỹ".
Hà Nội là trái tim cả nước, phải "bơm máu" cho cơ thể ấm áp, nên chủ trương, quan điểm về cơ chế đặc thù cho Hà Nội thì nhất trí hoàn toàn, đại biểu Hoàng Bình Quân (Tuyên Quang), Trưởng ban Đối ngoại Trung ương tham gia thảo luận.
Nhưng, ông Quân cũng băn khoăn là từ 2017 Hà Nội cũng đã có cơ chế đặc thù thì từ đó đến nay kết quả thực hiện thế nào, có phù hợp không, cần phải đánh giá lại mới có thực tiễn. Còn nếu chỉ có ý chí, chủ trương mà xây dựng ra chính sách thì chưa chặt chẽ.
Đại biểu Quân cho rằng, đã quyết định cho Hà Nội cơ chế đặc thù thì cũng phải đưa ra những yêu cầu cụ thể. Vì cho cơ chế là cho tiền, "biệt thự Hà Nội bán sướng lắm, tiền nhiều lắm, thế thì có tiền rồi Hà Nội phải như thế nào ", ông Quân nói.
Trưởng ban Đối ngoại Trung ương nhận xét: "Thủ đô ta đẹp lắm, quy hoạch tốt, quản lý tốt, dân trí cao tí nữa, văn hoá đẹp tí nữa thì Thủ đô mình tuyệt vời lắm".
Nhưng ông Quân cũng chỉ ra Thủ đô còn có nhiều cái không ổn: đất nước mấy nghìn năm văn hiến chả có cái cổng thành nào ra hồn cả, chả có khải hoàn môn nào cả, hồ Hoàn Kiếm thì càng ngày càng bé vì nhà xung quanh càng ngày càng cao khiến hồ như cái ao.
Vì thế, ông Quân cho rằng, đã cho tiền thì phải gắn với mục tiêu rõ ràng mới hiệu quả.
Đồng ý nên tăng cường phân cấp hơn, đại biểu Phạm Minh Chính (Quảng Ninh), Trưởng ban Tổ chức Trung ương góp ý, thực tiễn cho thấy nếu quy định cứng, chốt ngay thì khi thực tiễn thay đổi lại vướng. Vì thế chỉ nên quy định cái khung, có trần, có sàn, còn trong khoảng đó thì để cho thành phố linh hoạt, sáng tạo.
"Cũng nên có những công cụ để kiểm tra giám sát để việc thực hiện không đi quá quy định, dễ dẫn đến tiêu cực, tránh sai sót, tránh việc phải xử lý cán bộ, tránh để mất cán bộ", Trưởng ban Tổ chức Trung ương nói.
"Thực tế những vùng trung tâm của Hà Nội, giao thông ùn tắc phức tạp lắm, nâng mức phí trông giữ xe lên thì hy vọng giải quyết vấn đề này. Như TP.HCM sau khi có cơ chế đặc thù đã nâng mức phí lên gấp 6 lần, có hiệu quả", Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh (Quảng Ninh) phát biểu.