Chờ đón những pha lên sàn gây sóng

Chờ đón những pha lên sàn gây sóng

2013 là một năm kỷ lục của sàn chứng khoán Việt Nam khi chứng kiến lượng lớn doanh nghiệp rời sàn vì nhiều lý do.Nhiều nhà đầu tư tiếc nuối, nhưng họ đang chờ đợi sự bùng nổ của một số hàng “nóng” dự kiến sẽ niêm yết trong năm 2014.  
 

Hạ màn tìm cơ hội mới

Số lượng doanh nghiệp niêm yết qua hai sàn Hà Nội và TP.HCM đã giảm mạnh qua từng năm. Nếu như năm 2012 có 22 cổ phiếu bị hủy niêm yết, thì năm 2013 con số này đã tăng lên 37. Trong đó, có 4 doanh nghiệp bị hủy niêm yết bắt buộc do quy chế công bố thông tin và 12 doanh nghiệp ra đi theo ý nguyện của đại hội đồng cổ đông.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp hủy niêm yết để bắt đầu một cơ hội mới. Đó là chọn phương án sáp nhập với doanh nghiệp khác để mạnh hơn. Những cuộc cộng gộp xảy ra ngay trên thị trường niêm yết đã khiến một số doanh nghiệp phải chia tay như PVFC, PHT, SEL, RHC, DHL.

Bên cạnh những doanh nghiệp này, còn có một số trường hợp xin hủy niêm yết và gây nhiều tiếc nuối cho nhà đầu tư. Đó là Công ty cổ phần Đầu tư Alphanam (ALP) xin hủy niêm yết do không đạt mục tiêu huy động vốn khi thị trường chứng khoán khó khăn. Việc không niêm yết cũng giúp Công ty giảm áp lực công bố thông tin, chủ động hơn trong tái cấu trúc, tập trung phát triển cho mục tiêu và lợi ích dài hạn.

“Nhiều phân tích, bình luận không chính xác trên thị trường đã khiến Công ty mất nhiều cơ hội hợp tác với các quỹ nước ngoài”, ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Alphanam nói.

Động thái trên của ông Hải không chỉ giúp Alphanam bảo toàn vận mệnh trước cơn bão thâu tóm qua sàn, mà còn tập trung nguồn lực mua lại cổ phiếu của các công ty trong cùng hệ thống Alphanam. “Năm nay và năm sau, báo cáo tài chính của Alphanam vẫn lỗ, nhưng tiền và tài sản không ngừng tăng lên, vì tôi không bán ra, mà chỉ mua vào. Đến khi thiếu tiền mặt, bán ra, thì sẽ nhanh chóng có lãi”, ông Hải cho biết.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) đã thông qua kế hoạch rời sàn chứng khoán TP.HCM do giá cổ phiếu không phản ánh đúng giá trị thật, mà còn mất thêm chi phí công bố thông tin. Song đại diện công ty này nhận định, quan trọng hơn là việc rút niêm yết khiến Minh Phú có thể kêu gọi thêm đối tác chiến lược.

Ngay trong tháng 10, Minh Phú đã bán thành công 30% cổ phần của Công ty Chế biến thủy sản Minh Phú - Hậu Giang cho nhà đầu tư Nhật Bản Mitsui &Co. Theo đơn vị tư vấn, thương vụ này mang lại cho Minh Phú 400 tỷ đồng và khiến vốn điều lệ của Minh Phú - Hậu Giang tăng lên hơn 860 tỷ đồng, trở thành con át chủ bài của Tập đoàn.

Cũng giống như Alphanam, việc hủy niêm yết của MPC một phần có liên quan đến chuyện ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT không muốn Công ty bị những con cá lớn trong cùng lĩnh vực thâu tóm, nhưng rõ ràng, việc niêm yết gây cản trở cho quá trình hoạt của công ty này. Hơn nữa, dù hủy niêm yết, nhưng Công ty vẫn công khai hoạt động kinh doanh cho cổ đông và nhân viên thông qua phần mềm quản lý hoạt động doanh nghiệp (SAP).

Kỳ vọng năm 2014

Trong năm 2013, cả hai sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM và Hà Nội có thêm 9 doanh nghiệp niêm yết. Sàn giao dịch của các cổ phiếu chưa niêm yết Upcom cũng chỉ có 5 cổ phiếu mới chào sàn. Con số này chưa đầy một nửa so với năm 2012. Các nhà đầu tư không kỳ vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp niêm yết vào đầu năm 2014, nhưng trong các tháng cuối năm sau thì có khả năng.

Đại diện Công ty Chứng khoán Bản Việt cho hay, niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường đang quay trở lại và đây là thời điểm phù hợp để doanh nghiệp tính chuyện niêm yết. Trong đó, việc Công ty cổ phần Thế giới di động được coi là hàng hiếm trong ngành bán lẻ sẽ lên sàn vào đầu quý II/2014 được các nhà đầu tư săn đón nhất.

Nhà bán lẻ này đã có một năm kinh doanh khá thành công, với những chiêu thức truyền thông khá rầm rộ về sự xuất hiện của nhà đầu tư ngoại. Năm 2013, Công ty đã đạt doanh thu 7.822 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2012 và thu về lợi nhuận là 250 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2012.

Trong đó, Công ty đã đầu tư mạnh cho mảng dịch vụ online, nâng cấp phiên bản máy tính và điện thoại di động cho trang thegioididong.com, đạt khoảng 10 triệu lượt truy cập mỗi tháng, doanh thu đến từ mảng kinh doanh này chiếm khoảng 5%. Đặc biệt, Công ty đã bán ra thị trường được 2,5 triệu chiếc điện thoại di động, chiếm khoảng 20% tổng thị trường trên toàn quốc…

Việc Thế giới di động lên sàn trong bối cảnh thị trường được nhìn nhận vẫn còn nhiều khó khăn và thị trường chứng khoán chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc khiến giới phân tích nghi ngờ tính khả thi của nó. Tuy nhiên, ông Trần Kinh Doanh, Phó tổng giám đốc Công ty khẳng định, nhất định phải lên bằng được vì kế hoạch đã được thông qua và mọi việc đang đi đúng tiến độ.

Hơn nữa, Công ty đã cam kết với các nhà đầu tư nước ngoài lộ trình bao nhiêu năm phải lên sàn để họ thoát vốn và có lời. Việc thực hiện cam kết này cũng là thử thách rất lớn với Công ty. Tuy nhiên, ông Doanh cho rằng, thách thức lớn nhất khi lên sàn là làm sao mọi hoạt động của mình phải rõ ràng, minh bạch.

“Việc lên sàn là thách thức, nhưng cũng là cơ hội cho doanh nghiệp tiếp tục củng cố, lựa chọn cho hướng đi vận hành kinh doanh đã chọn”, ông Doanh nói.

Thực tế, các công ty lên sàn chứng khoán với mục tiêu chính là huy động vốn để mở rộng hoạt động kinh doanh, nhưng với Thế giới di động thì nhu cầu về vốn không phải là bức bách. Bởi hiện Công ty đã có hai nhà đầu tư nước ngoài là Mekong Enterprise Fund II (MEF II) và Công ty CDH Electric Bee Limited. Trong đó, nhiều khả năng Quỹ Mekong sẽ rút một phần vốn để bán. Còn Quỹ CDH thì mới vào, nên nhiều khả năng không thoái vốn.

Trong khi đó, mới đây, tại TP.HCM, Tổng công ty Viglacera công bố kế hoạch bán đấu giá cổ phần ra công chúng, chuẩn bị tung hàng lên sàn chứng khoán Hà Nội vào tháng 2/2014. Ngày 8/1 tới, Viglacera tiếp tục công bố tại Hà Nội.

Theo kế hoạch, Viglacera sẽ chào bán lần đầu gần 77 triệu cổ phần trong tổng số 307 triệu cổ phần với giá khởi điểm là 10.300 đồng/cổ phần. Thông tin này không mới, bởi kế hoạch chào bán cổ phần ra công chúng đã có từ cách đây 6 năm, nhưng vì một số lý do khách quan, nên phải hoãn lại tới thời điểm này.

Liên quan đến động thái của Viglacera, đại diện Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho hay, Tổng công ty đang sở hữu những yếu tố tích cực về mục tiêu dài hạn của quá trình cổ phần hóa để trở thành đơn vị hàng đầu về sản xuất vật liệu xây dựng tại thị trường Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, với mức tăng trưởng kỳ vọng hàng năm đạt bình quân từ 10 - 15%.

“Điều này đáng để các nhà đầu tư lưu tâm, nhưng đây là cổ phiếu chỉ dành cho các nhà đầu tư dài hạn”, đại diện VCSC nói.

Ngoài một số tên tuổi nêu trên, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng là một hàng khủng đối với nhà đầu tư. Sau hơn một lần lỡ hẹn lên sàn với lý do thị trường diễn biến không thuận lợi, thanh khoản kém và xin hoãn kế hoạch niêm yết vào tháng 12/2012,  nhà băng này đang trong quá trình bổ sung hồ sơ, cập nhật số liệu để lên sàn chứng khoán TP.HCM trong năm nay, nhưng cũng chưa có thời gian cụ thể.

Tại lần nộp hồ sơ lần này, với vốn điều lệ trên 28.112 tỷ đồng, BIDV sẽ niêm yết hơn 2,811 tỷ cổ phiếu. Nếu tiến hành niêm yết thành công, đây sẽ là cổ phiếu ngân hàng thứ 6 trên HSX được rất nhiều nhà đầu tư chờ đợi.

Như vậy, thị trường vẫn còn nhiều cửa để các nhà đầu tư trong và ngoài nước kỳ vọng vào số doanh nghiệp sẽ niêm yết, có tiềm lực tài chính, có tình hình kinh doanh ổn định, bền vững.

Tin bài liên quan