Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Chịu áp lực chốt lời, chứng khoán chìm trong sắc đỏ

(ĐTCK) Sau khi tăng cao lên mức kỷ lục với thông tin kinh tế không mấy khả quan, phố Wall đã chịu áp lực chốt lời và quay đầu giảm đồng loạt trong phiên thứ Ba. Vàng cũng không thể đi lên khi giới đầu tư đang hướng vào dữ liệu việc làm sắp được công bố.

Áp lực chốt lời, nhất là ở nhóm cổ phiếu công nghệ đã kéo chứng khoán Mỹ giảm trở lại trong phiên giao dịch thứ Ba từ mức cao lịch sử. Ngoài ra, theo giới phân tích, dữ liệu kinh tế kém khả quan của Mỹ, cũng như chờ đợi dữ liệu kinh tế toàn cầu khiến giới đầu tư thận trọng chưa giám xuống tiền mạnh.

Theo dữ liệu mới được công bố trong phiên, doanh số bán xe trong tháng 2 thấp hơn dự kiến do mùa Đồng khắc nghiệt, bất chấp giá xăng, dầu giảm.

Nhà đầu tư càng thêm có lý do thận trọng khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảnh báo Tổng thống Mỹ Barack Obama về việc chấp nhận một thỏa thuận hạt nhân với Iran. Bình luận của ông Netanyahu tạo ra sự thận trọng với nhà đầu tư chứng khoán, nhưng lại giúp giá dầu tăng trở lại.

Kết thúc phiên 3/3, chỉ số Dow Jones giảm 85,26 điểm (-0,47%), xuống 18.203,37 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 9,61 điểm (-0,45%), xuống 2.107,78 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 28,19 điểm (-0,56%), xuống 4.979,90 điểm.

Thị trường chứng khoán châu Âu bước vào phiên thứ Ba nhận được thông tin khá tích cực khi doanh số bán lẻ của Đức trong tháng 1 tăng 2,9%, tăng mạnh hơn so với dự kiến. Thông tin này, cũng với thông tin kinh tế Thụy Sĩ giảm nhẹ hơn dự báo đã giúp chứng khoán châu Âu có phiên giao dịch sáng trong sắc xanh. Tuy nhiên, khi bước vào phiên chiều, cùng với đà bán mạnh trên phố Wall, thông tin không tiêu cực từ công ty môi trường của Pháp Veolia và Ngân hàng Barclays của Anh khiến chứng khoán châu Âu quay đầu giảm điểm.

Bên cạnh đó, một báo cáo khác lại cho thấy tín hiệu đáng lo ngại của kinh tế khu vực đồng euro khi chỉ số giá sản xuất của khu vực trong tháng 1/2015 giảm 0,9% so với tháng 12/2014 và giảm 3,4% so với cùng kỳ năm trước.

Kết thúc phiên 3/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 51,51 điểm (-0,74%), xuống 6.889,13 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 130,00 điểm (-1,14%), xuống 11.280,36 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 48,07 điểm (-0,98%), xuống 4.869,25 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, sau 2 phiên tăng điểm tốt, phản ứng tích cực với quyết định giảm lãi suất tiếp theo của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), chứng khoán Trung Quốc đại lục đã có phiên lao dốc mạnh trong phiên thứ Ba khi mất tới 2,2% do lo ngại hàng loạt đợt IPO sắp tới sẽ rút bớt tiền từ thị trường niêm yết, qua đó kéo chứng khoán Hồng Kông giảm theo. Trong khi đó, việc đồng USD giảm trở lại so với đồng yên, cùng áp lực chốt lời và thông tin không khả quan từ Sharp Corp khiến chứng khoán Nhật Bản cũng đảo chiều giảm nhẹ.

Kết thúc phiên 3/3, chỉ số Nikkei 225 giảm 11,72 điểm (-0,06%), xuống 18.815,16 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 184,66 điểm (-0,74%), xuống 24.702,78 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 73,23  điểm (-2,20%), xuống 3.263,05 điểm.

Trên thị trường vàng, giá vàng mở cửa phiên giao dịch đầy biến động, nhưng vẫn giữ được xu hướng tăng, có lúc đã lên ngưỡng 1.214 USD/ounce. Tuy nhiên, sự thận trọng của giới đầu tư khi chờ đợi thông tin quan trọng nhất của tháng là bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ được công bố vào thứ Sáu tuần này đã khiến kim loại quý này bị bán ra và quay đẩu giảm giá.

Tuy nhiên, nhờ đồng USD giảm trở lại và dầu đảo chiều tăng giá đã giúp đà giảm của vàng trong phiên giao dịch thứ Ba được hãm lại.

Trong phiên thứ Ba, sau khi tăng lên mức cao nhất 11 năm trong phiên đầu tuần, đồng USD đã quay đầu giảm 0,05% so với rổ tiền tệ chung, xuống 95,415, đồng bạc xanh cũng giảm 0,35% so với đồng yên Nhật, xuống 119,715 JPY.

Kết thúc phiên 3/3, giá vàng giao ngay giảm 2,4 USD (-0,2%), xuống 1.203,50 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 3,8 USD/ounce (-0,31%), xuống 1.204,4 USD/ounce.

Dầu tăng trong phiên giao dịch đầy biến động do ảnh hưởng từ cuộc chiến ở Libya và dấu hiệu của nhu cầu toàn cầu mạnh hơn, lấn át lo ngại dai dẳng về dư cung.

Kết thúc phiên 3/3, giá dầu thô Mỹ giảm 0,93 USD/thùng (+1,88%), lên 50,52 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,48 USD (+2,49%), lên 61,02 USD/thùng.

Tin bài liên quan