Thực hiện cơ chế khoán xe công, không ngành nào thực hiện

Thực hiện cơ chế khoán xe công, không ngành nào thực hiện

(ĐTCK) “Với vấn đề ngân sách nhà nước, vì còn cơ chế xin- cho, nên đại biểu Quốc hội nhiều địa phương không dám… nói mạnh, vì ngại đụng chạm các bộ, ảnh hưởng đến quyền lợi địa phương…”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP. HCM) nói.

Còn cơ chế xin- cho ngân sách          

Hôm nay (24/3), Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015, giai đoạn 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.

“Khi Quốc hội thảo luận về ngân sách nhà nước, tại sao thường ít có ý kiến phát biểu? Tôi thấy do còn cơ chế xin- cho, bao cấp, chưa phân cấp mạnh cho các địa phương. Do đó, đại biểu Quốc hội nhiều địa phương ít phát biểu thảo luận về vấn đề ngân sách vì ngại đụng chạm các bộ, ảnh hưởng đến quyền lợi của địa phương mình…”, bà Tâm phát biểu.

Cũng liên quan đến ngân sách, nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ý quan ngại trước tình trạng sử dụng còn lãng phí, dàn trải nguồn ngân sách.

“Tình trạng lãng phí trong đầu tư công, xây trụ sở công cần rút kinh nghiệm. Cần tính toán kỹ lưỡng khi triển khai dự án và đồng tiền bỏ ra, để đảm bảo hiệu quả…”, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đề nghị.

Cùng quan ngại tương tự, đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) nói: “Có cơ chế về khoán xe công, nhưng ở đâu thực hiện? Có lẽ chỉ ở Quốc hội áp dụng, còn không ngành nào thực hiện. Tôi đề xuất khoán từ đầu nhiệm kỳ nhưng không được dù có tiêu chuẩn. Ấy thế mà một ông giám đốc sở cũng sử dụng 1-2 xe. Đây là sự lãnh phí, mà nguyên nhân là kỷ cương không nghiêm…”.

Có cơ chế về khoán xe công, nhưng ở đâu thực hiện? Có lẽ chỉ ở Quốc hội áp dụng, còn không ngành nào thực hiện. Tôi đề xuất khoán từ đầu nhiệm kỳ nhưng không được dù có tiêu chuẩn. Ấy thế mà một ông giám đốc sở cũng sử dụng 1-2 xe. Đây là sự lãnh phí, mà nguyên nhân là kỷ cương không nghiêm…

 Cũng theo ông Thường, thời gian qua đầu tư nhiều nguồn vốn trái phiếu chính phủ cho y tế, nhưng còn lãng phí vì vốn này phân bổ cho các ngành, địa phương, nên có hạng mục không cần thiết đầu tư vẫn mua sắm. Nếu ngăn chặn hiệu quả tình trạng lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm thiết bị, thì sẽ có tiền làm được nhiều việc chứ không đến nỗi thiếu vốn như hiện nay.

“Nhiều địa phương chạy theo thành tích đề nghị doanh nghiệp ứng vốn trước khi triển khai dự án, trong khi chậm thanh toán dẫn đến nợ doanh nghiệp. Việc các địa phương nợ đọng xây dựng cơ bản nhiều (chương trình nông thôn mới) khiến không ít doanh nghiệp gặp khó khăn…”, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) nói, đồng thời đề nghị sắp tới cần siết kỷ luật, kỷ cương ngân sách, giảm tỷ lệ nợ công…

Tăng trưởng kinh tế còn dựa nhiều yếu tố “thô”

Những năm qua nền kinh tế đang dần dịch chuyển từ tăng trưởng theo chiều rộng sang chiều sâu. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội quan ngại tính chất tăng trưởng “thô” của nền kinh tế vẫn còn khá nặng.

“Nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng dựa nhiều vào tăng đầu tư vốn, gia công và xuất khẩu dầu thô, khoáng sản. Hiện nợ công không thể tăng được nữa, vì nếu tăng thêm sẽ mất an toàn. Còn tín dụng cũng khó tăng thêm do phải lo kiểm soát lạm phát. Bởi vậy, phải trông chờ vào các yếu tố tăng trưởng tinh hơn thô. Thế nhưng dựa vào đâu để đạt được như vậy. Tôi rất lo…”, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) trăn trở.

Ông Phương phân tích thêm, hiện đề án tái cơ cấu nhiều ngành đã được phê duyệt. Tuy nhiên, từ khi có đề án đến thực hiện là một khoảng cách. Trên thực tế cung cách làm ăn vẫn thế, khoa học công nghệ chưa có gì nổi bật. Chi phí tái cơ cấu nền kinh tế thế nào? Phải có chi phí, chứ cứ những lời hiệu triệu không thôi thì khó đạt hiệu quả rõ nét. Cứ đà này trong 5 tới, tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu dựa vào đâu?

Cũng với lo lắng tương tự, đại biểu Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hòa) nhìn nhận, kinh tế chuyển biến tích cực trong thời gian qua sẽ tạo nền tảng tích cực cho giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên chương trình tái cơ cấu nền kinh tế mới đạt kết quả bước đầu. Nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Do đó để đạt các chỉ tiêu kinh tế trong 5 năm tới như Chính phủ đề ra cần những nỗ lực lớn.

Tin bài liên quan