Sẽ xem xét thành lập Bộ Thanh niên vào thời điểm thích hợp

Việc thành lập Bộ Thanh niên cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo và trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định vào thời điểm thích hợp.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu dự án luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu dự án luật.

Với 91,30% phiếu thuận,  7 đại biểu (1,45%) không tán thành, chiều 16/6, Quốc hội đã thông qua Luật Thanh niên (sửa đổi) gồm 7 chương, 41 điều, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết có ý kiến đề nghị quy định Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam là tổ chức phối hợp liên ngành có chức năng tham mưu cho Chính phủ về thanh niên và công tác thanh niên. Ý kiến khác đề nghị không quy định về Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam trong Luật, vì đây là cơ quan tư vấn của Thủ tướng Chính phủ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, thanh niên là đối tượng có mặt trong tất cả các lĩnh vực của xã hội, vì vậy, công tác thanh niên cần có một tổ chức phối hợp liên ngành.

Để đáp ứng yêu cầu trên, Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam đã được thành lập nhằm giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc tổ chức phối hợp giải quyết những vấn đề quan trọng liên ngành về thanh niên.

“Qua hơn 22 năm hoạt động, Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam đã phát huy tốt vai trò của mình trong việc phối hợp với các bộ, ngành xây dựng các chiến lược, chính sách dành cho thanh niên; thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh niên” - từ nhìn nhận này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Về quản lý nhà nước về thành niên, qua thảo luận có ý kiến đề nghị trong tương lai cần nghiên cứu thành lập Bộ Thanh niên hoặc Bộ Thanh niên và Thể thao trên cơ sở hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc nghiên cứu thành lập Bộ chuyên trách về công tác thanh niên trên cơ sở hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, nhằm nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về thanh niên là ý kiến xác đáng. Tuy nhiên, đây là vấn đề quan trọng gắn với mô hình tổ chức Chính phủ và hệ thống chính trị, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo và trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định vào thời điểm thích hợp.

Đối với ý kiến đề nghị giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện quản lý nhà nước về thanh niên; có ý kiến đề nghị không quy định cụ thể Bộ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về thanh niên.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thực tiễn thi hành Luật những năm qua cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn, lúng túng trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên là do công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương còn hạn chế, trong khi thanh niên là đối tượng liên quan đến nhiều lĩnh vực trong xã hội.

Đối với Bộ Nội vụ, sau khi được phân công thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên cũng đã có cố gắng và đạt kết quả nhất định. Vì vậy, nhằm khắc phục những bất cập thời gian qua, đáp ứng chủ trương, yêu cầu tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước, phù hợp với thực tiễn hiện nay và bảo đảm tính ổn định trong công tác quản lý nhà nước về thanh niên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép tiếp tục giao Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thanh niên như dự thảo Luật.

Tin bài liên quan