Mọi ứng viên bình đẳng khi tham gia ứng cử

Để đảm bảo bình đẳng khi tham gia ứng cử, theo quy định, người tham gia ứng cử vào cơ quan dân cử có trách nhiệm kê khai tài sản, thu nhập. “Việc kê khai tài sản là cần thiết không chỉ với ứng viên là công chức, viên chức mà ngay cả với đại diện cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội tham gia ứng cử vào Quốc hội”, ông Nguyễn Thái Học, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Trưởng ban Nội chính tỉnh Phú Yên chia sẻ với Đầu tư.     
Ông Nguyễn Thái Học, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Trưởng ban Nội chính tỉnh Phú Yên

Ông Nguyễn Thái Học, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Trưởng ban Nội chính tỉnh Phú Yên

Cán bộ, công chức hàng năm đã kê khai và công khai tài sản rồi, khi họ ra ứng cử vào cơ quan dân cử có nhất thiết phải kê khai lại lần nữa không?

Kê khai và công khai tài sản theo Luật Phòng chống tham nhũng và Luật Bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp có mục đích, ý nghĩa, yêu cầu khác nhau, nên mặc dù cán bộ, công chức chỉ vừa mới kê khai tài sản và công khai năm 2015, nhưng nếu ra ứng cử thì vẫn phải kê khai thêm lần nữa.

Thứ nhất, khoảng cách giữa hai lần kê khai kéo dài mấy tháng và trong khoảng thời gian này tài sản của cá nhân hoàn toàn có thể biến động.

Thứ hai, cán bộ, công chức kê khai lần trước chỉ được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc bằng hình thức công bố tại cuộc họp, hoặc niêm yết bản kê khai tại trụ sở làm việc của họ. Khi ứng cử vào cơ quan dân cử, khối lượng tài sản của người ứng cử có thể không thay đổi, nhưng phải công khai tại hội nghị cử tri nơi người đó ứng cử. Bản kê khai tài sản của người dự kiến được bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, HĐND được công khai với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tại kỳ họp.

Như vậy, đối tượng được tiếp cận với thông tin về tài sản của đối tượng phải công khai khác nhau, nên bắt buộc tất cả mọi ứng viên tham gia ứng cử vào cơ quan dân cử phải kê khai tài sản cho dù anh chỉ mới kê khai và công khai vì không kê khai lại không có thông tin để công khai.

Với cán bộ, công chức thì cần phải kê khai tài sản khi ứng cử, nhưng với doanh nghiệp thì có cần thiết phải kê khai không, khi mà tài sản của họ biến động từng tuần, thậm chí từng ngày nếu họ là cổ đông của công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán?

Khi đã tham gia ứng cử vào cơ quan dân cử, mọi ứng viên phải bình đẳng, không có bất cứ sự phân biệt đối xử nào giữa ứng viên là lãnh đạo cao cấp hay chỉ là công chức, viên chức bình thường; không có sự phân biệt giữa ứng viên là người ngoài Đảng hay là đảng viên; không có sự phân biệt đối xử giữa người được cơ quan, tổ chức đề cử và người tự ứng cử. Vì vậy, trong việc kê khai và công khai tài sản cũng không thể có sự phân biệt đối xử giữa ứng viên là cán bộ, công chức và các ứng viên khác.

Yêu cầu ứng viên là cán bộ, công chức kê khai tài sản nhằm mục đích phòng chống tham nhũng. Nhưng với doanh nghiệp, dù họ có trúng cử làm đại biểu Quốc hội thì chỉ hoạt động không chuyên trách, không thể tham nhũng thì bình đẳng trong kê khai tài sản có lẽ không cần thiết, thưa ông?

Ai dám chắc đại biểu Quốc hội là doanh nhân không lợi dụng tư cách của đại biểu tại cơ quan lập pháp để phục vụ lợi ích cho doanh nghiệp mình.

Thực tế đã có trường hợp đại biểu Quốc hội bị bãi miễn do sử dụng uy tín của đại biểu Quốc hội để trục lợi, vì thế dứt khoát mọi ứng viên tham gia tranh cử Quốc hội và HĐND các cấp phải kê khai và công khai tài sản để cử tri biết và thực hiện giám sát trong suốt quá trình họ là đại diện của cơ quan dân cử.

Nếu muốn người dân và cử tri giám sát sự biến động tài sản của đại diện cơ quan dân cử sao không công khai rộng rãi, ví dụ như công khai trên Internet chẳng hạn?

Tài sản cá nhân là thông tin cá nhân, bí mật cá nhân và bí mật gia đình và mọi thông tin về đời sống riêng tư được pháp luật bảo đảm an toàn theo quy định của Hiến pháp năm 2013.

Vì vậy, thông tin về tài sản của bất cứ công dân nào, kể cả họ là công chức, viên chức, đại biểu cơ quan dân cử chỉ công khai cho đối tượng cần được công khai nhằm mục đích giám sát, nên không thể công bố rộng rãi trên mạng Internet được.

Tin bài liên quan