Kỳ họp với những quyết định sáng suốt, dũng cảm

Kỳ họp với những quyết định sáng suốt, dũng cảm

Hôm nay (ngày 15/6/2018), theo chương trình nghị sự, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV sẽ bế mạc.

Sau 20 ngày làm việc, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã bàn thảo, cho ý kiến, thông qua nhiều luật, nghị quyết quan trọng. Đặc biệt là việc Quốc hội quyết định thông qua Luật An ninh mạng vào ngày 12/6/2018 với 86,86% số đại biểu tán thành, được cử tri đánh giá là hành động sáng suốt, dũng cảm, hợp lòng dân.

Mọi quyết sách được Quốc hội thông qua, tạm dừng hay dừng lại (như Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận trước đây) đều đặt lợi ích của đất nước, của người dân lên trên hết.  

Có thể thấy, việc Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng là quyết định sáng suốt, dũng cảm, bởi trước khi Quốc hội thông qua luật này, một số phần tử quá khích, có tư tưởng chống đối chế độ với chiêu bài “tự do ngôn luận” đã lôi kéo, dụ dỗ, kích động, tụ tập đông người. 

Mục đích chính của hành động trên là nhằm gây áp lực buộc Quốc hội hủy bỏ Luật An ninh mạng cho dù luật này tiếp cận với luật pháp tương tự của nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Australia... và EU.

Trên thực tế, đã có những thương hiệu từng đi vào tiềm thức của người tiêu dùng hàng chục năm, nhưng bị tẩy chay trong phút chốc chỉ vì trên facebook nào đó đăng tin sản phẩm của thương hiệu này có chất gây ung thư.

Một doanh nghiệpđang hoạt động rất tốt cũng có thể bị sập tiệm khi trên mạng Internet lan truyền tin thất thiệt. Hàng trăm ngàn cổ đông, người gửi tiền tiết kiệm hoang mang khi bất ngờ trên mạng xã hội lan truyền tin lãnh đạo ngân hàng nào đó bị bắt.

Hàng triệu gia đình bị “khuynh gia bại sản” vì tham gia đầu tư tài chính đa cấp, đánh bạc qua mạng Internet. Hàng chục triệu người lo ngại khi trên mạng bất ngờ xuất hiện thông tin về đổi tiền…

Mới đây nhất, hàng trăm ngàn phụ huynh và học sinh ở Hà Nội đã rất hoang mang khi đề thi môn văn và toán vào lớp 10 công lập bị lọt ra ngoài do một giám thị chụp ảnh đề thi up lên facebook… cho vui. 

Thực tế cũng cho thấy, một số phần tử đã sử dụng không gian mạng để tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống lại Tổ quốc; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xúc phạm tôn giáo; kỳ thị giới tính, phân biệt chủng tộc…

Minh chứng mới nhất là chính những phần tử này đã tuyên truyền, kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, lôi kéo tụ tập đông người gây rối, chống người thi hành công vụ, gây mất ổn định về an ninh trật tự ở một số địa phương, hòng gây áp lực với Quốc hội không thông qua Luật An ninh mạng. 

Nhưng cuối cùng, những kẻ sử dụng không gian mạng để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”; sử dụng không gian mạng để trục lợi, sử dụng mạng Internet như là một công cụ để hoạt động bất chính đã thất bại khi Quốc hội quyết định thông qua Luật An ninh mạng. 

Đây là quyết định sáng suốt, dũng cảm, hợp lòng dân, là cơ sở để nghiêm trị những phẩn tử xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, danh dự, uy tín của người dân; xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác đã được Hiến pháp bảo vệ.

Quyết định trên cũng tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin… đã được hiến định.

Tin bài liên quan