Tổng Bí thư Đỗ Mười với các đại biểu dự Đại hội VII Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 6/1991). Ảnh: TTXVN.

Tổng Bí thư Đỗ Mười với các đại biểu dự Đại hội VII Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 6/1991). Ảnh: TTXVN.

Đồng chí Đỗ Mười trong ký ức các vị lãnh đạo

Trong ký ức của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Đồng chí Đỗ Mười là người được tôi luyện thử thách trong thực tiễn, trở thành một cán bộ có bản lĩnh vững vàng, sắc sảo, quyết đoán, gắn bó máu thịt với nhân dân.

Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu những ký ức sâu sắc của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước về Đồng chí Đỗ Mười, trích từ cuốn sách “Đồng chí Đỗ Mười - Dấu ấn qua những chặng đường lịch sử”, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia 2012.

Với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Đồng chí Đỗ Mười là người “ tư duy nhạy bén, sắc sảo, hành động quyết liệt”.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu viết: “Trên 70 năm liên tục công tác, được phân công phụ trách nhiều ngành, nhiều lĩnh vực của Đảng và Nhà nước, cả trong chiến tranh và trong hòa bình xây dựng, anh được tôi luyện thử thách trong thực tiễn trở thành một cán bộ có bản lĩnh vững vàng, sắc sảo, quyết đoán, gắn bó máu thịt với nhân dân.

Ở anh, thực tiễn và lý luận quyện chặt với nhau, thể hiện giữa chính trị và kinh tế, giữa Đảng và chính quyền và nhân dân tạo nên chất xám trong anh, góp phần quan trọng khi anh đề xuất các chủ trương đường lối, chính sách của Đảng đúng đắn, phù hợp lòng dân được nhân dân ủng hộ.

Càng gần anh, càng hiểu anh tôi càng thấy anh là một người nói to, nói lớn nhưng làm nhiều, là một đồng chí lãnh đạo thực sự cầu thị; có lúc anh nói rất căng nhưng khi được nghe trình bày lại một cách cặn kẽ, hiểu rõ thì anh sẵn sàng thay đổi quan điểm, thay đổi nhận xét cả trong các công việc, cả về những con người cụ thể.

Anh là một người vì lẽ phải, nghe lẽ phải, chính anh là người đóng góp tích cực cho Nghị quyết của Trung ương về xây dựng cơ chế dân chủ ở cơ sở, ở cương vị cao nhưng anh Đỗ Mười luôn chịu khó đọc sách, tích lũy kiến thức từ những chuyến đi cơ sở…

Tham gia cách mạng từ khi còn trẻ, đến nay tuổi đã cao nhưng anh Đỗ Mười vẫn giữ nguyên tính cách của một người cộng sản trung kiên, một con người của hành động”…

Là người làm việc gần Đồng chí Đỗ Mười từ đầu năm 1986, Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước cho biết Đồng chí Đỗ Mười là “người cộng sản kiên trung, hết lòng vì nước, vì dân”.

Đại tướng Lê Đức Anh viết: “Anh là người cộng sản tiên phong, xuất sắc của giai cấp công nhân. Anh nắm chắc mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Anh đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng Đảng, nắm vững nguyên tắc về xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và sinh hoạt Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Anh là một cán bộ có tinh thần trách nhiệm cao, làm việc có nguyên tắc, quyết đoán trên cơ sở dân chủ, bàn bạc với mọi người, biết tôn trọng những ý kiến đúng.

Trong các cuộc hội nghị bàn về những vấn đề có tầm chiến lược, anh có những đóng góp quan trọng. Những ý kiến của anh thật sắc sảo, có sức thuyết phục lớn, động viên, khích lệ các ngành, các địa phương có sáng kiến, có thành tựu trong việc thực hiện đường lối của Đảng, Chính phủ chính sách của Nhà nước”.

Trong bài viết nhân kỷ niệm lần thứ 95 Ngày sinh Đồng chí Đỗ Mười (2/2/1917-2/2/2012), nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trân trọng chúc mừng “Đồng chí Đỗ Mười - một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới của đất nước ta”.

Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng viết: “Đồng chí Đỗ Mười đã đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo trong Đảng và chính quyền, từ Bí thư cấp ủy tại một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Khu ủy kiêm Chủ tịch ủy ban Kháng chiến hành chính và Chính ủy Tư  lệnh Liên Khu III;

Bí thư Khu ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến và Chính ủy Tư lệnh Khu Tả ngạn sông Hồng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đến đứng đầu nhiều bộ, ngành, nhiều năm lãnh đạo Chính phủ và đảm nhiệm cương vị Tổng Bí thư của Đảng. Trong thời chiến cũng như thời bình, đồng chí luôn là một chiến sĩ cách mạng kiên trung, một người chỉ huy mưu lược, quyết đoán, một nhà lãnh đạo tài năng, đức độ với cuộc sống giản dị, chân tình, hết lòng vì nước vì dân.

Gắn bó với nhân dân, quan tâm đến đời sống của các tầng lớp nhân dân là bản chất, là tính cách tự nhiên của đồng chí Đỗ Mười. Đồng chí luôn gần gũi và sẵn sàng đối thoại với dân, lắng nghe và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; luôn trăn trở về các chủ trương, chính sách nhằm bảo vệ quyền lợi và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Đảm trách cương vị Tổng Bí thư của Đảng, dù bận trăm công ngàn việc đồng chí vẫn dành thời gian đọc đơn thư của dân, chỉ đạo việc tiếp dân trở thành một nhiệm vụ thường xuyên của lãnh đạo các cấp ủy Đảng và chính quyền.

Đặc biệt quan tâm đến những người có công với cách mạng, gia đình chính sách, đồng chí Đỗ Mười đã đề xuất phong tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, xác lập thêm một hình thức tri ân đền ơn đáp nghĩa thiết thực, có ý nghĩa giáo dục và giá trị nhân văn sâu sắc trong xã hội ta”…

Trong ký ức của ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Thường vụ -Thường trực Bộ Chính trị, Đồng chí Đỗ Mười là “người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”.

“Đồng chí Đỗ Mười là người mà cả cuộc đời đã tận trung với nước, tận hiếu với dân, toàn tâm toàn ý phục vụ cách mạng. Đồng chí Đỗ Mười không chỉ là người lãnh đạo có bản lĩnh chính trị vững vàng trong lãnh đạo, chỉ đạo tầm vĩ mô, vi mô để cùng Đảng ta đưa đất nước phát triển nhanh, vững chắc theo Cương lĩnh Chính trị năm 1991 của Đảng, tránh được sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa như Đông Âu, Liên Xô, mà đồng chí còn là tấm gương sáng về tinh thần học tập suốt đời, về lối sống cần kiệm, giản dị, liêm khiết, về ý thức tổ chức nghiêm minh và suốt đời phấn đấu cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam…

Tôi tự nghĩ là người lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ai cũng có những khuyết điểm nhất định, nhưng phải nói đồng chí Đỗ Mười cùng nhiều đồng chí lãnh đạo khác của Đảng ta đã thực sự suốt đời sống vì Đảng, vì dân. Đồng chí rất xứng đáng là lớp học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”.

Trong suy nghĩ của ông Nguyễn Đức Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Trung ương Đảng, Đồng chí Đỗ Mười là “một tấm gương đạo đức cách mạng, một nhà lãnh đạo tài năng”.

Ông Nguyễn Đức Bình viết: “Được làm việc cùng đồng chí Đỗ Mười, tôi thấy ở đồng chí một nhân cách thực sự cộng sản, một con người thật giản dị, trung thực, thẳng thắn, kiên định, mẫu mực. Ở đồng chí tỏ rõ bản lĩnh một nhà lãnh đạo sắc sảo, tài năng, rất nhạy cảm về chính trị, về tư tưởng, lý luận.

Đồng chí luôn giữ vững nguyên tắc cách mạng và cương lĩnh đường lối của Đảng. Với tư cách nhà lãnh đạo, đồng chí dứt khoát không để sự nghiệp cách mạng dù một ly cũng không chệch hướng... Đồng chí đã góp phần rất quan trọng vào hoạt động của Đảng và Nhà nước thời kỳ chuyển sang đổi mới vào việc hình thành Cương lĩnh của Đảng năm 1991 và chuẩn bị Đại hội VII…

Là người lãnh đạo, đồng chí đã rất kiên định trên đường lối cơ bản độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đồng chí có sức mạnh truyền thụ niềm tin đó cho cán bộ, đảng viên và nhân dân do chỗ bản thân có niềm tin sắt đá, lại có sức thuyết phục cao bằng lý luận và chân lý thực tiễn cùng nhiệt tình cách mạng sôi nổi, sức truyền cảm chân thành. Đồng chí là con người thực tiễn, học lý luận chủ yếu thông qua tổng kết thực tiễn”…

Tin bài liên quan