Chuyên gia Thái Lan: Năm Chủ tịch ASEAN 2020 sẽ suôn sẻ

Không đồng tình với các phân tích của truyền thông phương Tây về những trở ngại Việt Nam sẽ gặp phải trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020, TS. Kavi Chongkittavorn, Cố vấn truyền thông cao cấp của Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) cho rằng Năm Chủ tịch ASEAN 2020 mà Việt Nam đảm nhiệm sẽ là một năm suôn sẻ.
TS. Kavi Chongkittavorn, Cố vấn truyền thông cao cấp của Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) nêu quan điểm tại Buổi thảo luận.

TS. Kavi Chongkittavorn, Cố vấn truyền thông cao cấp của Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) nêu quan điểm tại Buổi thảo luận.

TS. Chongkittavorn, chuyên gia truyền thông có nhiều kinh nghiệm đối với tiến trình ASEAN, đặc biệt là các nội dung của Năm ASEAN 2019 của Thái Lan nêu quan điểm trên tại Buổi thảo luận bàn tròn với các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và Viện ERIA tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Luận giải cho quan điểm trên, chuyên gia Chongkittavorn cho rằng Việt Nam ý thức được việc không để người dân chờ lâu rốt ruột với việc nói nhiều làm ít và chậm chạp ra quyết định. Với cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam sẽ đưa ra những ý tưởng mới để thúc đẩy vai trò này.

Bác bỏ những trở ngại liên quan đến Biển Đông và một số vấn đề khu vực khác mà truyền thông phương Tây nêu khi Việt Nam đảm nhiệm Năm Chủ tịch ASEAN 2020, TS. Chongkittavorn cho rằng đây sẽ là năm rất suôn sẻ vì Việt Nam sẽ đảm bảo thực hiện 5 nguyên tắc cơ bản khi đảm nhiệm vai trò này.

Nguyên tắc đầu tiên là Việt Nam sẽ thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN một cách chủ động và đáng tin cậy. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi Việt Nam được đánh giá có tính kỷ luật rất cao về mặt ngoại giao và cam kết quốc tế.

Thứ 2, Việt Nam sẽ đóng vai trò người trung gian đáng tin cậy, đảm bảo cân bằng lợi ích chung của toàn khối cũng như của từng quốc gia thành viên. Điều này đã được chứng thực qua việc Việt Nam xử lý những đàm phán, thương lượng về vấn đề Biển Đông trong quá khứ.

"Truyền thông quốc tế cho rằng sẽ có nhiều vấn đề trục trặc trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020, do vậy truyền thông Việt Nam cần phải đi trước, phát huy vai trò chủ động đưa tin để định hướng dư luận quốc tế không những bằng tiếng Việt mà phải bằng cả tiếng Anh", ông Chongkittavorn khuyến cáo.

Trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ đảm bảo nguyên tắc 3 nhằm củng cố vai trò trung tâm của ASEAN.

Theo TS. Chongkittavorn, vai trò trung tâm của ASEAN có 3 giai đoạn phát triển. Ở giai đoạn đầu, vai trò này chỉ ở mức tổ chức các cuộc họp, đảm bảo hậu cần để đại diện các nước ASEAN nhóm họp. Bước sang giai đoạn 2, vai trò trung tâm của ASEAN nổi lên trong việc xây dựng các chương trình nghị sự để các đối tác bàn thảo các vấn đề khu vực như di cư, an ninh mạng…

Ở giai đoạn 3, ASEAN hiện đã trở nên tự tin hơn khi đưa ra các sáng kiến của mình với các đối tác đối thoại, thể hiện rõ những quan điểm về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Thực tế, vai trò trung tâm của ASEAN ở giai đoạn 3 đã rất rõ nét, không dừng ở việc nói mà không làm, chuyên gia Chongkittavorn đánh giá.

Đối với nguyên tắc thứ 4, chuyên gia Chongkittavorn nhận định Việt Nam sẽ đảm bảo nhất quán các hiệp định khung được thông qua tại các Năm Chủ tịch ASEAN của Thái Lan và Singapore theo tinh thần cương vị Chủ tịch ASEAN phải tiếp nối các chương trình, dự án từ những năm trước.

Nguyên tắc thứ 5 mà chuyên gia Chongkittavorn khuyến nghị là Việt Nam sẽ đảm bảo kết nối vai trò chủ tịch ASEAN với vai trò Ủy viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (2020-2021) ở cấp độ khu vực và toàn cầu.

Bình luận về chủ đề của Năm Chủ tịch ASEAN 2020: “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, ông Chongkittavorn cho rằng, với ý nghĩa “Gắn kết”, Việt Nam muốn tăng cường vai trò trung tâm và đoàn kết của ASEAN. Thêm vào đó, Việt Nam muốn nâng cao năng lực nội tại của tất cả các quốc gia thành viên và thúc đẩy sự phát triển bền vững của các Cộng đồng ASEAN.

Ở khía cạnh “Chủ động thích ứng”, Việt Nam muốn nâng cao năng lực của ASEAN trong mọi lĩnh vực nhằm ứng phó hiệu quả hơn với những diễn biến nhanh và phức tạp tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cũng như trên thế giới, chẳng hạn cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các thách thức an ninh phi truyền thống...

Chuyên gia Chongkittavorn cho rằng, hướng tới ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, Việt Nam hướng tới tăng cường các mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các trụ cột an ninh-chính trị, kinh tế - thương mại, văn hóa – xã hội, đặc biệt trao đổi giữa người dân với người dân; khuyến khích giữ gìn phát huy bản sắc ASEAN và đặt người dân ASEAN vào vị trí trung tâm của quá trình phát triển.

Tin bài liên quan