Đồng chí Bùi Văn Cường, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk phát biểu tại Hội nghị. Ảnh Việt Hải

Đồng chí Bùi Văn Cường, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk phát biểu tại Hội nghị. Ảnh Việt Hải

Chỉ thị số 40 tại Đắk Lắk: Lan tỏa giá trị nhân văn trong chính sách tín dụng

(ĐTCK) Sự chung tay trong việc tạo nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội càng lan tỏa giá trị nhân văn trong chính sách tín dụng của Đảng, Nhà nước. 

Với sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên từ sau khi triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40), các chương trình tín dụng chính sách xã hội thêm lan tỏa giá trị mới trong công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới từ sự tận tâm và sáng tạo của từng mắt xích trong hệ thống các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Đó là những ghi nhận tại Hội nghị sơ kết 05 năm triển khai Chỉ thị số 40 tại tỉnh Đắk Lắk, diễn ra vào ngày 11/9 vừa qua.

Thành quả từ ý chí và sự sáng tạo

Diện tích cánh tác ít, đất đai kém màu mỡ với 5 dân tộc cùng sinh sống, thôn 9, xã Cư Yang, huyện Ea Kar có 92 hộ, trong đó 21,73% là hộ nghèo, 9,8% là hộ cận nghèo. Bởi vậy “khi được tiếp thu Chỉ thị số 40, là đảng viên chi bộ đồng thời là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, trong tôi chỉ có một ý niệm Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quan tâm, chỉ đạo các cấp ủy Đảng lo cho dân như vậy. Tại sao mình không lo cho dân thôn mình được”, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 9, thuộc Hội Phụ nữ xã Cư Yang Nguyễn Thị Tuyên chia sẻ tại Hội nghị.

Chỉ thị số 40 tại Đắk Lắk: Lan tỏa giá trị nhân văn trong chính sách tín dụng ảnh 1

Tổng giám đốc Dương Quyết Thắng nhấn mạnh: NHCSXH tiếp tục quan tâm, chú trọng phân bổ sung nguồn lực để thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Ảnh Việt Hải

Từ nhận thức trên, bà Tuyên đã mạnh dạn tham mưu cho chi ủy triển khai, áp dụng Chỉ thị số 40 vào Tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn.

Sự sát sao của chi ủy tạo chuyển biến quan trọng trong việc rà soát, kết nạp thành viên, giám sát quản lý nguồn vốn của Chính phủ. Đặc biệt, trong vai trò Tổ trưởng, bà Tuyên đã tạo được mối quan hệ chân tình với các tổ viên, cùng họ chia sẻ niềm vui, chuyện buồn của gia đình. Từ đó biết được điều kiện kinh tế của họ, thăm hỏi, tìm hiểu khả năng trả nợ nhiều hơn để đôn đốc, có cách trực tiếp hoặc đề xuất với Hội Phụ nữ giúp đỡ hỗ trợ người vay trả nợ đúng kỳ hạn. Chính vì vậy, chỉ gần 4 năm làm Tổ trưởng, bà Tuyên đã giúp 12 hộ thoát nghèo.

Hiện Tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn 9 có 49 tổ viên đang có dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội là 1,2 tỷ đồng. Toàn tổ không có hiện tượng vay ké, xâm tiêu chiếm dụng vốn, không có nợ quá hạn, không có lãi tồn và các tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm đều hàng tháng đến nay đạt 116 triệu đồng.

Chỉ thị số 40 tại Đắk Lắk: Lan tỏa giá trị nhân văn trong chính sách tín dụng ảnh 2

Bí thư Đảng ủy xã Ea Drông Trần Hậu Hương cho biết: Chỉ thị số 40 với xã được xem là một chính sách rất kịp thời và đúng lúc. Ảnh Việt Hải

Với 14/21 thôn của đồng bào dân tộc Ê Đê, 298 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 11,6% và 388 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 15,1%, đời sống kinh tế của người dân tại xã Ea Drông, thị xã Buôn Hồ rất khó khăn khi chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp và chăn nuôi. Chính vì vậy, Chỉ thị số 40 với xã được xem là một chính sách rất kịp thời và đúng lúc.

“Tuy nhiên để quá trình thực hiện Chỉ thị số 40 mang lại hiệu quả cao thì cần phải có cách làm sáng tạo”, Bí thư Đảng ủy xã Ea Drông Trần Hậu Hương kể lại quan điểm của mình khi đó.

Trên cương vị của một người lãnh đạo xã, ông Hương đã cùng Đảng bộ xã Ea Drông xác định, nâng cao chất lượng tín dụng là một trong những nhiệm vụ then chốt xuyên suốt quá trình hoạt động với việc thành lập Ban quản lý vốn tín dụng, đảm bảo thực hiện hiệu quả các nguồn vốn vay.

Cùng với việc kịp thời bổ sung đối tượng được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi vào danh sách hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, Đảng ủy xã bố trí hẳn một cán bộ chuyên trách giảm nghèo tham mưu xác nhận đối tượng vay vốn từ NHCSXH. Các hội, đoàn thể phối hợp với Bí thư chi bộ, Ban tự quản thôn, buôn có trách nhiệm giúp đỡ những hộ nghèo có điều kiện tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Cùng với việc định hướng người dân vay vốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo định hướng của xã, 05 năm qua nhiều mô hình kinh tế phát triển có hiệu quả đã được mở rộng như: nuôi heo sạch, nuôi dê bán chăn thả, trồng xen các cây công nghiệp dài ngày và cây ngắn ngày...

Tính đến ngày 31/7/2019, tổng dư nợ của xã đạt gần 73 tỷ đồng, với 1.737 khách hàng còn dư nợ, tăng hơn 45 tỷ đồng so với năm 2014. Tổng số nợ quá hạn và nợ khoanh đến ngày 31/7/2019 là 6 triệu đồng, chiếm 0,008% tổng dư nợ, giảm 86 triệu đồng so với năm 2014. Huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn đạt gần 3,7 tỷ đồng, tăng 2 tỷ đồng so với năm 2014. Qua đó tỷ lệ giảm nghèo hàng năm giảm từ 4% - 5%. 

Chỉ thị số 40 tại Đắk Lắk: Lan tỏa giá trị nhân văn trong chính sách tín dụng ảnh 3

Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Năng Châu Văn Lượm tham luận tại Hội nghị. Ảnh Việt Hải

Với huyện Krông Năng, “từ nhận thức tín dụng chính sách xã hội là một công cụ quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo, và xây dựng nông thôn mới, UBND huyện đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội phù hợp tình hình thực tế của địa phương, đơn vị, đảm bảo người vay sử dụng vốn có hiệu quả. Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội”, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Năng Châu Văn Lượm chia sẻ tại Hội nghị.

Ông Lượm cho biết, trên một địa bàn địa khí hậu khắc nghiệt với 126.366 nhân khẩu, đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 31,24% dân số toàn huyện, UBND huyện đã chỉ đạo Ban đại diện HĐQT huyện và NHCSXH huyện tập trung vào công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ.

Đặc biệt, huyện dành nguồn vốn ngân sách ủy thác cho NHCSXH cấp huyện nhiều hơn trước với mức trên 1 tỷ đồng hàng năm, đưa nguồn vốn ủy thác của huyện qua NHCSXH lên trên 9 tỷ đồng.

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi tập trung đầu tư cho xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, xã vùng sâu, vùng xa, xã có điều kiện kinh tế khó khăn sau 05 năm đã góp phần giúp cho 3.847 hộ thoát nghèo; thu hút tạo việc làm cho 403 lao động; trên 791 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 4.490 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; xây dựng 442 nhà ở cho hộ nghèo và gia đình chính sách.

Đến ngày 31/7/2019, tổng dư nợ đạt 316,5 tỷ đồng, tăng trưởng 67% so với trước khi có Chỉ thị với trên 12.000 đối tượng thụ hưởng. Chất lượng tín dụng cũng không ngừng được củng cố và nâng cao, nợ quá hạn giảm mạnh chỉ còn 0,08%, giảm 0,14% so với trước khi có Chỉ thị.

Tạo đà chuyển dịch chất lượng sống

Những mảnh ghép nhỏ như thế nhưng trải rộng trên toàn địa bàn tỉnh đã làm nên những bước chuyển lớn trong chất và lượng Chỉ thị số 40 tại Đắk Lắk. Sự chung tay của tỉnh trong việc tạo nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội càng lan tỏa giá trị nhân văn trong chính sách tín dụng của Đảng, Nhà nước.

Tính đến ngày 30/6/2019 nguồn vốn ủy thác của địa phương qua NHCSXH đạt 217,7 tỷ đồng; tăng hơn 98 tỷ đồng. Trong đó, cấp tỉnh chuyển sang tăng 48 tỷ đồng; cấp huyện chuyển sang tăng 42 tỷ đồng, 100% huyện, thị xã, thành phố chuyển vốn từ ngân sách sang NHCSXH trên địa bàn để cho vay. 

Chỉ thị số 40 tại Đắk Lắk: Lan tỏa giá trị nhân văn trong chính sách tín dụng ảnh 4

Các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh Việt Hải

Cũng trong thời gian này, Kế hoạch của UBND tỉnh về Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 đã đề ra các biện pháp, giải pháp thực hiện, trong đó có giải pháp lồng ghép các nguồn lực giữa các chính sách, dự án với nguồn vốn tín dụng ưu đãi, như: khuyến nông - khuyến lâm, dạy nghề, xây dựng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất...

Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị - xã hội đã đưa chất lượng tín dụng chính sách được nâng lên rõ rệt, nhất là hiệu quả sử dụng vốn vay của các đối tượng trên địa bàn. Dư nợ tín dụng chính sách tăng trưởng bình quân hàng năm trên 10%. Tính đến 30/6/2019 dư nợ cho vay ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội đạt 4.651 tỷ đồng, với 160.902 hộ còn dư nợ.

Từ tháng 12/2014 đến 30/6/2019, có 299.271 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng chính sách; trong đó 70.760 hộ thoát ngưỡng nghèo; 16.745 học sinh sinh viêncó hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; 9.426 lao động được tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm; 289 lao động được vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; 125.045 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng; 5.835 căn nhà cho hộ nghèo theo Quyết định số 33/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Chất lượng tín dụng được nâng lên rõ rệt, nợ quá hạn liên tục giảm, cuối năm 2014 tỷ lệ nợ quá hạn là 0,45%, đến 30/6/2019 tỷ lệ nợ quá hạn giảm xuống còn 0,13%.

Đến cuối tháng 6/2019, toàn tỉnh có 60 xã không có nợ quá hạn, chiếm tỷ lệ 32,6%, tăng 53 xã; 424 hội, đoàn thể cấp xã không có nợ quá hạn, chiếm tỷ lệ 62,35%, tăng 286 hội, đoàn thể; 6 hội, đoàn thể cấp huyện không có nợ quá hạn, chiếm tỷ lệ 10%, tăng 6 hội, đoàn thể; đặc biệt trên địa bàn tỉnh có NHCSXH huyện Krông Búk không có nợ quá hạn.

Ghi nhận những thành tích đã đạt được của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, NHCSXH đã triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư trong thời gian vừa qua, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường trăn trở với thực trạng đời sống nhân dân của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh còn 57.180 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 12,81% trong đó có 64,83% hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số.

Chính vì vậy, việc triển khai Chỉ thị số 40 vẫn là nhiệm vụ quan trọng, trong đó, đồng chí Bí thư tỉnh ủy nhấn mạnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo UBND tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp tập trung nguồn lực để thực hiện có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn. Phấn đấu nâng tỷ lệ nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH để cho vay lên ngang với mức bình quân chung của toàn quốc (hiện nay Đắk Lắk là 4,65% - toàn quốc là 6%).

Đồng thời, yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể các cấp trong chương trình, kế hoạch thường xuyên phải gắn với chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

Lồng ghép nguồn vốn tín dụng chính sách với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội khác để thực hiện có hiệu quả; thực hiện tốt việc rà soát và kịp thời cập nhật, bổ sung hộ nghèo, hộ cận nghèo, đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đủ điều kiện, có nhu cầu đều được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Chúc mừng và cảm ơn sự nỗ lực, cố gắng của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã đưa Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư thực sự đi sâu vào cuộc sống, tạo nên tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, Tổng giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục quan tâm bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Đồng thời, rà soát, tập trung nguồn lực cho mục tiêu giảm nghèo, an sinh xã hội tại địa phương về một đầu mối quản lý là NHCSXH; chuyển hướng bao cấp cho không sang hỗ trợ có điều kiện thông qua tín dụng.

“Về phía NHCSXH, với tinh thần trách nhiệm cao đối với xã hội, nhất là đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, chúng tôi sẽ quan tâm, bổ sung nguồn vốn để thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương”, Tổng giám đốc Dương Quyết Thắng khẳng định.

Tin bài liên quan