Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành uỷ TP HCM, cho rằng "cấp trên đốt lửa to nhưng cấp dưới còn chậm". Ảnh: TTX

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành uỷ TP HCM, cho rằng "cấp trên đốt lửa to nhưng cấp dưới còn chậm". Ảnh: TTX

Ban Tổ chức Trung ương lấy ý kiến về dự thảo 'kiểm soát quyền lực'

Lần đầu tiên, hội nghị ngành xây dựng Đảng thảo luận chuyên đề về "kiểm soát quyền lực và phòng chống chạy chức, chạy quyền".

Ngày 19/1, Ban tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng đảng năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. 

Tại đây, lần đầu tiên Ban tổ chức Trung ương đưa ra dự thảo chuyên đề về kiểm soát quyền lực và phòng, chống "chạy chức, chạy quyền" trong công tác tổ chức cán bộ để lấy ý kiến đóng góp của đại biểu. 

Phát biểu khai mạc, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nhấn mạnh "rất mong các đại biểu không nặng về báo cáo thành tích, mà dành thời gian phân tích, mổ xẻ nguyên nhân những hạn chế, yếu kém và đề xuất giải pháp khắc phục".

Ông Chính cũng đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến liên quan đến dự thảo chuyên đề nêu trên. 

Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Thiện Nhân báo cáo với Hội nghị quy trình 8 bước trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đó có việc lắng nghe phản ánh của nhân dân về những cán bộ có biểu hiện suy thoái.

Theo ông Nhân, thực tiễn cho thấy còn những hạn chế về tập hợp các ý kiến phản ánh và phân loại, đề xuất xử lý; chưa có quy định của Đảng và nhà nước xác định trách nhiệm của các cơ quan phải phối hợp với nhau như thế nào để tiếp nhận đầy đủ và xử lý kịp thời.

Nhằm khắc phục hạn chế nêu trên, TP HCM đã ban hành quy trình giải quyết thông tin phản ánh về các tập thể, cá nhân suy thoái tư tưởng, chính trị đạo đức lối sống, vi phạm pháp luật. Theo đó người đứng đầu các cơ quan có người bị phản ánh phải báo cáo cấp uỷ cùng cấp biết sự việc và chỉ đạo giải quyết.

Lãnh đạo Thành uỷ TP HCM cũng đề cập tình trạng "cấp trên đốt lửa to, nhưng cấp dưới chậm đốt lửa hoặc đốt lửa nhỏ trong khi suy thoái, tham nhũng hàng ngày, hàng giờ huỷ hoại niềm tin của nhân dân, huỷ hoại tài sản của nhà nước, sức chiến đấu của Đảng và sức mạnh tổng hợp của đất nước".

Ông Nhân nhấn mạnh, việc kiểm tra, giám sát của cấp uỷ và chính quyền cấp trên với cấp dưới, giám sát của Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân, Quốc hội, HĐND có ý nghĩa quyết định.

“Trong năm 2018, Ban thường vụ Thành uỷ TP HCM sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện quy trình giải quyết thông tin phản ánh các tập thể, cá nhân suy thoái; phân công Phó bí thư thường trực Thành uỷ chỉ đạo trực tiếp", ông Nhân nói. 

Ban Tổ chức Trung ương lấy ý kiến về dự thảo 'kiểm soát quyền lực' ảnh 1

Hàng đầu từ trái qua: Ông Hà Ban, Phó trưởng Ban tổ chức Trung ương, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và ông Nguyễn Thanh Bình, Phó trưởng ban tổ chức Trung ương. Ảnh: TTX  

Ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh, bày tỏ ủng hộ Ban tổ chức Trung ương cũng như các cấp có thẩm quyền đẩy mạnh xây dựng thể chế về kiểm soát quyền lực, "vấn đề này đã có quy định nhưng phải xây dựng kỹ hơn, rõ hơn và có cơ quan giám sát cụ thể".

Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương, cơ quan này đang hoàn thiện đề án "xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ". Đề án này sẽ được trình Bộ Chính trị trong quý I/2018 và trình Hội nghị Trung ương 7 trong thời gian tới.

Ông Bình cho biết, với tinh thần đổi mới toàn diện chiến lược cán bộ, đề án sẽ tập trung vào xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có lý tưởng và bản lĩnh chính trị vững vàng; chuẩn hoá, tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với xây dựng cơ chế giải phóng nguồn lực, phát huy tiềm năng, trí tuệ, sức sáng tạo ở mọi ngành, mọi cấp, mọi nơi; tạo sự đột phá trong công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đặc biệt là trong phát hiện, nuôi dưỡng, trọng dụng nhân tài đi đôi với việc kiểm soát, sàng lọc, thay thế cán bộ hợp lý.

Hội nghị tiếp tục diễn ra trong chiều nay.

Trong năm 2017, ngành tổ chức xây dựng Đảng ở cấp Trung ương đã tiến hành quy trình bầu cử, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển 424 nhân sự, trong đó có 5 người là Uỷ viên Bộ chính trị, Ban bí thư, 3 Bộ trưởng và tương đương, 6 trưởng ban cơ quan Đảng, đoàn thể trung ương, 8 Bí thư tỉnh, thành và đảng uỷ trực thuộc trung ương.

Tin bài liên quan