Theo ước tính của Bộ Tài chính, việc gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất, ngân sách nhà nước bị chậm thu 115.000 tỷ đồng, trong đó, thuế GTGT 68.800 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp 40.500 tỷ đồng.
Chi phí thấp, bao phủ rộng
Như vậy, tất cả ngành nghề, lĩnh vực, đối tượng được gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng (GTGT), thu nhập cá nhân và tiền thuê đất theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP tiếp tục được gia hạn theo Nghị định 52/2020/NĐ-CP.
Theo Nghị định 52/2020/NĐ-CP, thuế giá trị gia tăng (trừ thuế GTGT hàng nhập khẩu) được gia hạn từ tháng 3 đến tháng 8/2021 (kê khai theo tháng) và kỳ tính thuế quý 1, quý 2/2021 (kê khai theo quý); gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 3 tháng đối vơi số thuế tạm nộp của quý 1, quý 2/2021.
Đối với thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được gia hạn đến ngày 31/12/2021. Thời hạn gia hạn tiền thuê đất là 6 tháng kể từ ngày 31/5/2021.
Bộ Tài chính tính toán, việc gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất, về tổng thể, ngân sách nhà nước không bị ảnh hưởng, nhưng ngân sách nhà nước sẽ bị chậm thu khoảng 115.000 tỷ đồng. Trong đó, thuế GTGT 68.800 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp 40.500 tỷ đồng; thuế GTGT và thuế thu nhập cá nhân của hộ, cá nhân kinh doanh 1.300 tỷ đồng và khoảng 4.400 tỷ đồng tiền thuê đất.
Đây là sự hy sinh rất lớn của ngân sách nhà nước, bởi từ đầu năm đến nay, ngân sách nhà nước đã bị giảm thu khá mạnh do Bộ Tài chính gia hạn, giảm mức thu của 29 loại thuế, phí với mức giảm từ 50 - 100% (giảm 6 tháng); tiếp tục giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021; giảm 50% phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt; cho phép được tính vào chi phí được trừ của doanh nghiệp, tổ chức khoản chi ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Số tiền ngân sách có thể bị chậm thu 115.000 tỷ đồng chỉ là ước tính của Bộ Tài chính, còn trên thực tế có thể thấp hơn rất nhiều. Vì như năm 2020, khi xây dựng Nghị định 41/2020/NĐ-CP về việc gia hanh thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, Bộ Tài chính tính toán số tiền ngân sách bị chậm thu lên tới 180 ngàn tỷ đồng, nhưng trên thực tế chỉ có gần 67.235 tỷ đồng tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn và kết thúc năm 2020, khoảng 96% số tiền gia hạn đã được nộp vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chính sách gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất được cộng đồng doanh nghiệp rất mong đợi vì hiệu quả đạt được khá cao.
“Hơn 87% số doanh nghiệp đang hoạt động ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19. Và để đối phó với khó khăn, 35% số doanh nghiệp tư nhân và 22% số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã từng cho người lao động nghỉ việc, với số lao động đã từng bị cho nghỉ việc lên tới 30% tổng số lao động, doanh nghiệp càng nhỏ càng có tỷ lệ sa thải người lao động cao. Vì vậy, cần phải thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đặc biệt là chính sách gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất vì thực tế chứng minh, chính sách này rất hiệu quả, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao”, ông Tuấn cho biết.
Giảm thuế sẽ không công bằng
Theo khảo sát vừa được VCCI công bố, thực hiện Nghị định 41/2020, có tới 60% số doanh nghiệp cho biết tiếp cận gói hỗ trợ tiền thuê đất dễ và rất dễ; tỷ lệ này đối với thuế GTGT là 62%; và 63% đối với thuế thu nhập doanh nghiệp - cao hơn rất nhiều so với chính sách gia hạn vốn vay ngân hàng (41% số doanh nghiệp cho biết dễ tiếp cận); giảm lãi suất cho vay (43%) và gia hạn thời hạn đóng phí công đoàn (57%). Tương tự như vậy, số doanh nghiệp cho rằng, chính sách gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất hữu ích và rất hữu ích lên tới 84-86%, cao hơn hẳn so với các chính sách khác.
Theo ông Tuấn, ngoài chính sách gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất; giảm các loại phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp, cũng nên nghiên cứu miễn hoặc giảm thuế để vực dậy các doanh nghiệp gặp khó khăn.
“Năm 2020, Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó có gói về tài khóa, tín dụng, an sinh xã hội, thúc đẩy đầu tư công. Hiện tại, chưa có cơ quan, tổ chức nào đưa ra báo cáo đánh giá hiệu quả của các gói chính sách, nhưng qua khảo sát của VCCI cho thấy, gói gia hạn tiền thuế, và tiền thuê đất rất hữu ích, nhưng việc miễn, giảm thuế cần phải nghiên cứu cẩn trọng”, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê bày tỏ quan điểm.
Việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (hỗ trợ doanh nghiệp) và thu nhập cá nhân (hỗ trợ người tiêu dùng), như đề xuất của một số chuyên gia kinh tế, theo bà Hương, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ hỗ trợ doanh nghiệp đang hoạt động tốt, bị ảnh hưởng rất ít bởi Covid-19 còn đối với những doanh nghiệp “chỉ từ hòa đến lỗ”, chiếm đại đa số doanh nghiệp đang hoạt động thì chính sách này không có tác dụng.
“Giảm thuế thu nhập cá nhân sẽ kích cầu tiêu dùng nhưng cũng chỉ có những người có thu nhập cao, đến ngưỡng nộp thuế mới được hưởng lợi. Như vậy việc giảm thuế là không công bằng nên giải pháp hữu hiệu nhất có lẽ nên là nghiên cứu tăng lương cho một số đối tượng để tăng thu nhập cuối cùng cho một bộ phận người dân qua đó gián tiếp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, vì những người này chủ yếu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, tối thiểu do trong nước sản xuất”, bà Hương phát biểu.
Đề xuất giảm thuế GTGT, theo ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê sẽ tác động rất lớn đến toàn xã hội. “Về lý thuyết, khi giảm thuế GTGT có lợi cho cả sản xuất lẫn người tiêu dùng vì doanh nghiệp giảm được giá bán hàng hóa, dịch vụ, qua đó kích thích sản xuất; còn người tiêu dùng được mua hàng hóa với giá rẻ hơn nhưng đây là sắc thuế có tác động rất lớn, giảm thì dễ, tăng trở lại rất phức tạp”, ông Thúy nhấn mạnh.
“Có giảm thuế hay không, giảm sắc thuế nào, giảm bao nhiêu là vấn đề hết sức phức tạp và thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên có muốn cũng không giảm ngay được. Vì vậy, giải pháp hữu hiệu nhất, kịp thời tác động tích cực đến doanh nghiệp trong khi chi phí ngân sách nhà nước bỏ ra không lớn là gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất”, ông Thúy khẳng định.