Chính thức cho phép áp dụng eKYC trong hoạt động mở và sử dụng tài khoản thanh toán

Chính thức cho phép áp dụng eKYC trong hoạt động mở và sử dụng tài khoản thanh toán

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Ngày 4/12/2020 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 16/2020/TT-NHNN về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Điểm đáng chú ý trong Thông tư 16/2020/TT-NHNN, có hiệu lực từ 5/3/2021 là bổ sung Điều 14a chính thức cho phép áp dụng thanh toán bằng phương thức điện tử trong hoạt động mở và sử dụng tài khoản thanh toán.

Các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng phương thức thanh toán điện tử tuân thủ các quy định hiện hành và đảm bảo một số điều kiện, đồng thời phải chịu trách nhiệm về rủi ro nếu có.

Hạn mức do các ngân hàng xây dựng căn cứ vào điều kiện công nghệ để đánh giá, nhưng phải đảm bảo tổng hạn mức giá trị giao dịch (ghi Nợ) qua các tài khoản thanh toán của khách hàng đó không vượt quá 100 triệu đồng/tháng/khách hàng, ngoại trừ một số trường hợp.

Việc mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử quy định tại Điều này không áp dụng đối với tài khoản thanh toán chung, khách hàng cá nhân là người nước ngoài và các đối tượng quy định tại điểm b, c, d khoản 1 Điều 11 Thông tư 16/2020.

Điều 14a Thông tư số 16/2020/TT-NHNN ngày 4/12/2020

1. Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử phải xây dựng, ban hành, công khai quy trình, thủ tục mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử phù hợp với quy định tại Điều này, pháp luật về phòng, chống rửa tiền, pháp luật về giao dịch điện tử, các quy định pháp luật liên quan về đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin khách hàng và an toàn hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, bao gồm tối thiểu các bước như sau:

a) Thu thập thông tin về hồ sơ mở tài khoản thanh toán theo quy định tại khoản 1,4, 5 Điều 12, khoản 1 Điều 13 Thông tư này;

b) Thực hiện kiểm tra, đối chiếu và xác minh thông tin nhận biết khách hàng;

c) Cảnh báo cho khách hàng về các hành vi không được thực hiện trong quá trình mở và sử dụng tài khoản thanh toán được mở bằng phương thức điện tử;

d) Cung cấp cho khách hàng nội dung thỏa thuận mở và sử dụng tài khoản thanh toán theo quy định tại khoản 1 Điều 13a Thông tư này và thực hiện giao kết thỏa thuận mở và sử dụng tài khoản thanh toán với khách hàng;

d) Thông báo số hiệu, tên tài khoản thanh toán, hạn mức giao dịch qua tài khoản thanh toán và ngày bắt đầu hoạt động của tài khoản thanh toán cho khách hàng.

2. Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ để nhận biết và xác minh khách hàng phục vụ việc mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử; chịu trách nhiệm về rủi ro phát sinh (nếu có) và phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu sau:

a) Có giải pháp, công nghệ để thu thập, kiểm tra, đối chiếu, đảm bảo sự khớp đúng giữa thông tin nhận biết khách hàng, dữ liệu sinh trắc học của khách hàng (là các yếu tố, đặc điểm sinh học gắn liền với khách hàng thực hiện định danh, khó làm giả, có tỷ lệ trùng nhau thấp như vân tay, khuôn mặt, mống mắt, giọng nói và các yếu tố sinh trắc học khác) với các thông tin, yếu tố sinh trắc học tương ứng trên giấy tờ tùy thân của khách hàng quy định tại khoản 1 Điều 12 Thông tư này hoặc với dữ liệu định danh cá nhân được xác thực bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc bởi tổ chức tín dụng khác hoặc bởi tổ chức được cung ứng dịch vụ định danh và xác thực điện tử;

b) Có biện pháp kỹ thuật để xác nhận việc khách hàng đã được định danh đồng ý với các nội dung tại thỏa thuận mở và sử dụng tài khoản thanh toán;

c) Xây dựng quy trình quản lý, kiểm soát, đánh giá rủi ro, trong đó có biện pháp ngăn chặn các hành vi mạo danh, can thiệp, chỉnh sửa, làm sai lệch việc xác minh thông tin nhận biết khách hàng trước, trong và sau khi mở tài khoản thanh toán cho khách hàng; biện pháp để kiểm tra, xác minh thông tin nhận biết khách hàng đảm bảo khách hàng thực hiện giao dịch trên tài khoản thanh toán được mở bằng phương thức điện tử là chủ tài khoản thanh toán đó. Trường hợp phát hiện có rủi ro, sai lệch hoặc có dấu hiệu bất thường giữa các thông tin nhận biết khách hàng với các yếu tố sinh trắc học của khách hàng hoặc phát hiện giao dịch đáng ngờ theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền trong quá trình sử dụng tài khoản thanh toán, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải kịp thời từ chối hoặc dừng giao dịch, tạm khóa hoặc phong tỏa tài khoản thanh toán và tiến hành xác minh lại thông tin nhận biết khách hàng. Quy trình quản lý, kiểm soát rủi ro phải thường xuyên được rà soát, hoàn thiện dựa trên những thông tin, dữ liệu cập nhật trong quá trình cung ứng dịch vụ;

d) Lưu trữ, bảo quản đầy đủ, chi tiết theo thời gian đối với các thông tin, dữ liệu nhận biết khách hàng trong quá trình khách hàng mở, sử dụng tài khoản thanh toán, như: thông tin nhận biết khách hàng; các yếu tố sinh trắc học của khách hàng; âm thanh, hình ảnh, bản ghi hình, ghi âm; số điện thoại thực hiện giao dịch; nhật ký giao dịch. Các thông tin, dữ liệu phải được lưu trữ an toàn, bảo mật, được sao lưu dự phòng, đảm bảo tính đầy đủ, toàn vẹn của dữ liệu để phục vụ cho công tác kiểm tra, đối chiếu, giải quyết tra soát, khiếu nại, tranh chấp và cung cấp thông tin khi có yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Thời gian lưu trữ thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.

3. Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài căn cứ điều kiện công nghệ để đánh giá rủi ro, xác định phạm vi sử dụng và quyết định áp dụng hạn mức giao dịch qua tài khoản thanh toán của khách hàng mở bằng phương thức điện tử nhưng phải đảm bảo tổng hạn mức giá trị giao dịch (ghi Nợ) qua các tài khoản thanh toán của khách hàng đó không vượt quá 100 triệu đồng/tháng/khách hàng.

4. Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quyết định áp dụng hạn mức giao dịch qua tài khoản thanh toán mở bằng phương thức điện tử cao hơn hạn mức quy định tại khoản 3 Điều này đối với một trong các trường hợp sau:

a) Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng giải pháp cuộc gọi ghi hình (video call) để thực hiện thu thập, kiểm tra, xác minh thông tin nhận biết khách hàng trong quá trình mở tài khoản thanh toán đảm bảo hiệu quả như quy trình nhận biết, xác minh thông tin khách hàng qua phương thức gặp mặt trực tiếp; giải pháp video call phải đáp ứng tối thiểu các yêu cầu sau: đảm bảo an toàn, bảo mật; độ phân giải cao; tín hiệu liên tục; cho phép tương tác âm thanh, hình ảnh với khách hàng theo thời gian thực để đảm bảo nhận diện người thật; lưu trữ toàn bộ dữ liệu âm thanh, hình ảnh hoặc bản ghi hình, ghi âm trong quá trình mở tài khoản thanh toán cho khách hàng;

b) Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng công nghệ để kiểm tra, đối chiếu đặc điểm sinh trắc học của khách hàng với dữ liệu sinh trắc học công dân thông qua cơ sở dữ liệu căn cước công dân;

c) Sau khi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã thực hiện việc nhận biết, xác minh thông tin khách hàng thông qua gặp mặt trực tiếp chủ tài khoản;

d) Các giao dịch chuyển tiền để gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn bằng phương thức điện tử cho chính chủ tài khoản tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó;

đ) Các trường hợp ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được chủ động trích Nợ tài khoản thanh toán của khách hàng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Thông tư này.

5. Việc mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử quy định tại Điều này không áp dụng đối với tài khoản thanh toán chung, khách hàng cá nhân là người nước ngoài và các đối tượng quy định tại điểm b, c, d khoản 1 Điều 11 Thông tư này.”.

Thông tư 16 có hiệu lực từ ngày 5/3/2021.

Tin bài liên quan