Vòng quay tiền tệ chậm, không tạo áp lực tăng lãi suất
Tính đến ngày 15/6/2021, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,1% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 2,26%). Thông tin này từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại cuộc họp báo đầu tuần qua khiến nhiều người cho rằng, tín dụng tăng sẽ gây áp lực lên mặt bằng lãi suất, nhất là trong bối cảnh lạm phát có dấu hiệu tăng.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm, tốc độ tăng trưởng tín dụng có cao nhưng kinh tế phục hồi chưa mạnh mẽ, đặc biệt là những ngành liên quan đến dịch vụ có mức tăng thấp. Do đó, vòng quay tiền tệ chậm, tổng khối lượng tiền tệ không tăng lên nhiều.
Nói cách khác, tốc độ tăng của tiền tệ cộng với tốc độ tăng của vòng quay sẽ bằng tốc độ tăng GDP cộng với tốc độ tăng của giá cả (tốc độ tăng của lạm phát).
Lãi suất tăng hay không phụ thuộc vào tốc độ lạm phát, tốc độ tăng của tiền, yếu tố này hiện tương đương năm ngoái, nhưng vòng quay của tiền còn khá chậm nên GDP tăng cao hơn cũng không ảnh hưởng đến tốc độ của lạm phát.
“Mọi năm phát hành 1 tỷ đồng và vòng quay của tiền là 4 nghĩa là nền kinh tế có 4 tỷ đồng, nhưng phát hành 1 tỷ đồng mà vòng quay chỉ có 3 thì tổng khối lượng tiền tệ chỉ có 3 tỷ đồng. Vòng quay tiền giảm bởi chuỗi cung ứng chưa được phục hồi, vận tải, vận chuyển vẫn đang gặp nhiều khó khăn, nhất là đường hàng không, đường biển; lưu chuyển hàng hóa chậm lại; nợ xấu chưa quay trở lại ngân hàng để quay vòng thứ hai”, ông Nghĩa nói.
Lạm phát còn có nguyên nhân từ bên ngoài. Lạm phát trên thế giới tăng thì khi nhập khẩu hàng hóa sẽ “nhập khẩu” luôn lạm phát, nhưng lạm phát bên ngoài hiện được các ngân hàng trung ương (ngoại trừ Mỹ) đánh giá mới đạt kỳ vọng, chứ chưa tăng cao.
Cụ thể, lạm phát tại châu Âu mới đạt được mục tiêu 2%, Nhật Bản chưa đạt được mục tiêu 2%..., riêng Mỹ đặt mục tiêu lạm phát 2,5% thì hiện tại cao gần gấp đôi, nhưng được cho rằng mức tăng này là nhất thời, vì mức độ hồi phục kinh tế chưa cao và vòng quay của tiền đang chậm lại.
Theo ông Nghĩa, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, Mỹ khá nhanh, tạo ra áp lực về giá nguyên liệu, vật liệu cơ bản như sắt, thép, bông, sợi… và có tác động nhất định đến giá cả trong nước, nhưng diễn ra từ nhiều tháng nay nên áp lực không lớn.
Ngoài ra, giá xăng dầu tăng nhưng nhu cầu sử dụng giảm trong bối cảnh hoạt động giao thông giảm vì Covid-19. Vì thế, lạm phát từ nay đến cuối năm dự kiến không có biến động lớn, nếu có thì mức tăng cũng không đáng kể, không tạo áp lực tăng lãi suất.
Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần dự báo, mức tăng của tín dụng sẽ không quá “nóng”, bởi NHNN vẫn đang áp hạn mức tín dụng cho phần lớn các ngân hàng ở mức thấp hơn cùng kỳ năm trước và dịch Covid-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, lạm phát ở mức thấp nên lãi suất sẽ duy trì mặt bằng thấp.
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, từ nay đến cuối năm 2021, NHNN sẽ giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, tạo điều kiện giảm chi phí vay vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.
Cho vay chứng khoán có thể sẽ chậm lại
Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực NHNN cho biết, đối với lĩnh vực chứng khoán, đến cuối tháng 6/2021, tín dụng chứng khoán ước đạt 46.700 tỷ đồng, tăng 400 - 500 tỷ đồng so với tháng 4 và 5/2021; dư nợ lĩnh vực chứng khoán đến cuối tháng 6 tăng khoảng 3%, nhưng chiếm tỷ trọng nhỏ, khoảng 0,48% tổng dư nợ nền kinh tế, không thay đổi nhiều so với 2 tháng trước đó.
Mặc dù vậy, thời gian qua, giá chứng khoán biến động mạnh nên NHNN tiếp tục có giải pháp giám sát chặt thị trường này.
Theo ông Tú, trong nền kinh tế, thị trường tiền tệ, bất động sản, chứng khoán luôn thông nhau và việc dòng tiền dịch chuyển trong 3 thị trường này là điều bình thường. Mục tiêu của NHNN là tạo điều kiện cho cả 3 thị trường phát triển, nhưng phải điều hướng dòng tiền để đảm bảo an toàn cho thị trường, không tạo “bong bóng”.
TS. Nghĩa nhận định: “Thị trường chứng khoán và bất động sản có xu hướng tăng, nhưng hai thị trường này không nằm trong rổ chỉ số giá nên không ảnh hưởng tới mặt bằng giá cả chung. Tuy nhiên, có vẻ thị trường chứng khoán sẽ tăng trưởng chậm lại sau một thời gian tăng nóng và thay vào đó, thị trường bất động sản lại nóng lên”.
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhìn nhận, thị trường chứng khoán phát triển cho thấy khả năng huy động vốn của doanh nghiệp thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu tốt hơn, giúp giảm sự lệ thuộc vào vốn vay ngân hàng, đặc biệt là các nguồn vốn trung và dài hạn.
Theo bà Hiền, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021 có nhiều yếu tố hỗ trợ. Thứ nhất, các hoạt động sản xuất sẽ mở rộng trở lại, giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP khi trung bình chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong 5/2021 ở mức 53 điểm, cao hơn so với mức 44 điểm của cùng kỳ năm ngoái, cho thấy sự phục hồi của hoạt động sản xuất, dù bị ảnh hưởng bởi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư.
Thứ hai, lĩnh vực dịch vụ kỳ vọng sớm phục hồi khi dịch Covid-19 dần được kiềm chế và Việt Nam đang tăng tốc triển khai tiêm vắc-xin nhằm đạt miễn dịch cộng đồng trong năm nay.
Thứ ba, lạm phát năm 2021 không đáng lo nhờ giá thịt lợn giảm và các biện pháp kiểm soát lạm phát hiệu quả từ Chính phủ như giảm giá điện hoặc hạn chế xuất khẩu các nguyên liệu đầu vào thiết yếu cho sản xuất.
Tín dụng toàn nền kinh tế, trong đó có tín dụng chứng khoán gia tăng, nhưng không tạo nhiều áp lực lên lạm phát và lãi suất, đồng thời thị trường chứng khoán chưa có dấu hiệu “bong bóng”.
Bên cạnh đó, nội tại thị trường chứng khoán có sự thay đổi tích cực về chất như thị trường thu hút đông đảo nhà đầu tư tham gia và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết có triển vọng tăng trưởng mạnh. VNDIRECT ước tính, lợi nhuận của doanh nghiệp năm 2021 có thể tăng 30% so với năm 2020.
Trước những yếu tố thuận lợi như vậy, việc chỉ số VN-Index lập đỉnh mới cũng như dư nợ cho vay lĩnh vực này tăng so với cuối năm 2020 là hệ quả tất yếu.
“Dù lĩnh vực chứng khoán có sự tăng trưởng nóng trong thời gian qua, tuy nhiên, để nói về mức độ tín dụng cho lĩnh vực chứng khoán hiện nay đã manh nha rủi ro tín dụng hay chưa thì chúng tôi cho rằng, dư nợ tín dụng lĩnh vực này vẫn thấp và trong tầm kiểm soát”, bà Hiền đánh giá.
“Trước triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam và quy mô tín dụng lĩnh vực này hiện tại, chúng tôi cho rằng, nguy cơ xảy ra bong bóng cũng như rủi ro tín dụng dẫn đến ảnh hưởng đến cả hệ thống kinh tế có xác suất xảy ra rất thấp”, bà Hiền nhấn mạnh.