Chính sách tiền tệ nới lỏng đã mang đến kết quả

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Ba đợt cắt giảm lãi suất điều hành cùng hàng loạt biện pháp điều hành chính sách tiền tệ đã mang lại kết quả ban đầu.

Còn nhớ, thời điểm qua Tết Nguyên đán 2020, mọi sự chú ý đổ dồn về tình hình bệnh dịch tại Trung Quốc rồi lan ra Hàn Quốc, Nhật Bản, Ý… Việc vi rút Corona chủng mới lây lan một cách dễ dàng được nhận định là điềm báo xấu cho mong muốn tăng tốc kinh tế của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt bắt đầu lao đao khi các đơn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vốn đang tạm dừng bởi công nhân nghỉ Tết Nguyên đán có nguy cơ dừng vô thời hạn trước lệnh giới nghiêm, phong tỏa của Trung Quốc. Nhưng quan trọng hơn, các đơn hàng xuất khẩu bắt đầu báo hủy hoặc hoãn vô thời hạn…

Trong cuộc trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, giới chủ các ngân hàng lòng như lửa đốt bởi kế hoạch kinh doanh năm 2020 được xây dựng từ cuối năm 2019 có nguy cơ lớn không thực hiện được do hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng bị đình trệ.

Phương án điều chỉnh kế hoạch kinh doanh theo từng cấp độ đã được đưa ra thảo luận trong hội đồng quản trị và ban điều hành ngân hàng trước khi chính thức công bố tại cuộc họp cổ đông. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp khiến việc họp cổ đông của hầu hết ngân hàng phải tạm hoãn.

Việt Nam là nền kinh tế ASEAN duy nhất được các định chế tài chính quốc tế duy trì dự báo có tăng trưởng khả quan trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động xấu trên toàn thế giới.

“Các ngân hàng nhìn nhau xem có điều chỉnh kế hoạch kinh doanh không, mức điều chỉnh lợi nhuận như thế nào, rồi hướng về cơ quan quản lý bởi những định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tác động mạnh mẽ tới hoạt động kinh doanh của các ngân hàng”, chủ tịch Hội đồng quản trị một ngân hàng cổ phần chia sẻ.

Tính đến hiện tại, chính sách tiền tệ với xu hướng nới lỏng có kiểm soát đã mang lại những kết quả nhất định, khi Việt Nam là nền kinh tế ASEAN duy nhất được các định chế tài chính quốc tế duy trì dự báo có tăng trưởng khả quan trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động xấu trên toàn thế giới.

Động thái đầu tiên được bắt đầu ngày 17/3/2020, Ngân hàng Nhà nước giảm các mức lãi suất điều hành từ 0,5-1%/năm, giảm 0,25-0,3%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Tiếp theo, ngày 13/5/2020, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm đồng bộ 0,5%/năm các mức lãi suất điều hành để phát tín hiệu mạnh mẽ và nhất quán về định hướng điều hành giảm lãi suất, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng; giảm 0,3-0,5%/năm trần lãi suất tiền gửi và giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên nhằm tiếp tục giảm chi phí vay vốn của khách hàng.

Tới ngày 1/10/2020, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm đồng bộ 0,5%/năm các mức lãi suất điều hành, giảm 0,25%/năm trần lãi suất tiền gửi và giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Trịnh Thị Thanh, Quyền Giám đốc khối Quản trị tài chính và nguồn vốn SCB chia sẻ: “Ngân hàng Nhà nước cũng đã hoãn lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn thêm 1 năm để giúp các ngân hàng giảm áp lực cơ cấu lại nguồn vốn trong bối cảnh còn phải hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn về mặt thanh khoản thông qua việc giảm lãi suất cho vay, giãn nợ và cơ cấu lại nợ”.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần nêu quan điểm: “Về tổng thể, các chính sách tiền tệ nhằm đối phó với dịch Covid-19 của Ngân hàng Nhà nước chủ yếu sử dụng nguồn lực từ các ngân hàng, cho nên mức tác động đến cung tiền không quá lớn so với việc bơm tiền trực tiếp thông qua mua trái phiếu như của các ngân hàng trung ương trên thế giới”.

“Cùng với các giải pháp điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, việc giảm mạnh các mức lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã góp phần tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ phục hồi kinh tế”, một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước nói.

Cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý IV/2020 vừa được Vụ Dự báo - Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) công bố cho biết, trong quý III/2020, 58% tổ chức tín dụng đánh giá tổng thể các nhân tố nội tại đã góp phần giúp “cải thiện” tình hình kinh doanh của đơn vị và trong năm 2020, 62,6% tổ chức tín dụng dự kiến các nhân tố chủ quan tiếp tục giúp “cải thiện” tình hình kinh doanh của đơn vị. Trong đó, các nhân tố dự kiến có ảnh hưởng quan trọng nhất là “chính sách và năng lực quản trị rủi ro” và “khả năng sáng tạo, cải tiến sản phẩm”.

Tuy nhiên, vẫn có 9,3% tổ chức tín dụng dự kiến tổng thể các yếu tố nội tại làm “suy giảm” tình hình kinh doanh của đơn vị trong năm 2020, chủ yếu do yếu tố “năng lực tài chính” và “chính sách lãi suất, tín dụng, tỷ giá” của đơn vị.

Tin bài liên quan