Chính sách tiền tệ: Khi một “vai” mang hai “gánh”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Để vực dậy nền kinh tế sau dịch, chính sách tiền tệ được xem là giải pháp với định hướng vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế, thế nhưng hệ lụy nợ xấu tăng mạnh sau giai đoạn khủng hoảng 2008-2009 đến nay vẫn chưa xử lý xong là bài học nhãn tiền…
Chính sách tiền tệ: Khi một “vai” mang hai “gánh”

Phụ thuộc vào chính sách tiền tệ và bài học

Thông tin được các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm “Dẫn mạch phục hồi tăng trưởng kinh tế” do Báo Đầu tư tổ chức cho biết, nghiên cứu của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ về “sức khỏe” tài chính của trên 21.500 doanh nghiệp cho thấy, có tới 69% phải tạm ngừng hoạt động do dịch Covid-19, số doanh nghiệp cố gắng duy trì sản xuất - kinh doanh chiếm 16%... và chính sách tiền tệ với định hướng chủ đạo hỗ trợ đà phục hồi kinh tế, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ “vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế” đảm bảo vận hành thông suốt và ổn định thị trường tiền tệ đã thu được những kết quả nhất định.

Cụ thể hơn, bà Bùi Thúy Hằng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết những nét chính như: Trong 10 tháng đầu năm 2021, thanh khoản thị trường tiền tệ dồi dào, hỗ trợ các tổ chức tín dụng giảm chi phí vốn để có điều kiện cắt giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế; giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, tạo điều kiện giảm chi phí vay vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế. Hiện mặt bằng lãi suất huy động giảm khoảng 0,4%/năm và lãi suất cho vay giảm khoảng 0,7%/năm so với tháng 12/2020.

Tính đến ngày 25/10/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 330.000 khách hàng bị ảnh hưởng dịch với dư nợ 250.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,8 triệu khách hàng bị ảnh hưởng dịch với dư nợ gần 3,5 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ ngày 23/1/2020 đạt trên 7 triệu tỷ đồng cho hơn 1 triệu khách hàng.

Chia sẻ tại tọa đàm, các chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới, công cụ tài khóa cần được xem là giải pháp chính để vực dậy nền kinh tế, thay vì công cụ tiền tệ như hiện nay. Ảnh: Dũng Minh

Chia sẻ tại tọa đàm, các chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới, công cụ tài khóa cần được xem là giải pháp chính để vực dậy nền kinh tế, thay vì công cụ tiền tệ như hiện nay. Ảnh: Dũng Minh

Hay như chương trình cho vay hỗ trợ trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất, Ngân hàng Nhà nước đã giải ngân tái cấp vốn khoảng 673,13 tỷ đồng đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay và Ngân hàng Chính sách xã hội đã trả Ngân hàng Nhà nước số tiền vay tái cấp vốn khoảng 1,12 tỷ đồng; hiện số dư tái cấp vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội tại Ngân hàng Nhà nước vào khoảng 672,01 tỷ đồng.

“Đối với triển khai gói cho vay tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam với tổng số tiền tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng tối đa là 4.000 tỷ đồng, lãi suất tái cấp vốn là 0%/năm, không có tài sản bảo đảm, thời hạn của chương trình tối đa đến ngày 31/12/2021”, bà Hằng thông tin.

Dẫu vậy, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, không có nước nào trên thế giới “kéo” các ngân hàng thương mại vào cuộc để hỗ trợ phục hồi kinh tế trong dịch bệnh thông qua các gói hỗ trợ, vì điều này sẽ làm ảnh hưởng lớn tới bảng cân đối tài sản, gây nguy hiểm tới tính bền vững của hệ thống ngân hàng.

“Các nước đã đi đến cuối con đường, còn Việt Nam mới đi được một nửa trong việc hỗ trợ nền kinh tế”, TS. Nghĩa nói.

Cũng trong câu chuyện liên quan, TS. Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, việc hỗ trợ nền kinh tế của Việt Nam tới nay vẫn phụ thuộc nhiều vào chính sách tiền tệ. Trong khi đó, các định chế tài chính quốc tế đánh giá Việt Nam vẫn còn dư địa tài khóa ở mức trung bình.

Lưu ý việc phụ thuộc vào chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế, TS. Nghĩa nhắc lại một câu chuyện cũ và mong sẽ không lặp lại: “Nhiều năm trước đây, hệ thống ngân hàng ở phòng cấp cứu vừa được lên phòng điều trị, nhưng rồi phải quay lại phòng cấp cứu và phải đến năm 2014 - 2015 mới được ra khỏi viện”.

Dẫn giải thêm cho nhận định này, TS. Nghĩa thẳng thắn đề cập tới gói hỗ trợ lãi suất vay tín dụng 17.000 tỷ đồng, hay còn gọi là kích cầu tín dụng bằng lãi suất cho vay thời điểm năm 2009. Cụ thể, để ngăn chặn đà suy giảm của nền kinh tế, trước tình hình khủng hoảng tài chính toàn cầu lan rộng giai đoạn 2008-2009, các quốc gia trên thế giới triển khai các gói kích thích kinh tế với quy mô lớn và tại Việt Nam là các gói kích thích với tổng trị giá khoảng 145.000 tỷ đồng (tương đương 9% GDP), trong đó có “gói” hỗ trợ lãi suất vay tín dụng 17.000 tỷ đồng.

Theo TS. Nghĩa, xét theo tỷ lệ so với GDP, các gói kích thích của Việt Nam thuộc hàng cao so với nhiều nước trên thế giới. Tổng số tín dụng được hỗ trợ bù lãi suất của gói kích cầu 17.000 tỷ đồng vào khoảng 400.000 tỷ đồng, nghĩa là tỷ lệ tăng dư nợ vô cùng lớn trong một thời gian ngắn.

“Xoay xở với món tiền này, doanh nghiệp đã tạm chuyển qua tài khoản ‘tiết kiệm có thời hạn’ để được hưởng lãi suất huy động (thời điểm đó vào khoảng 8-8,5%/năm - PV) hoặc đảo nợ, nghĩa là tạm trả những khoản nợ cũ đã vay với lãi suất cao và đặc biệt là tham gia thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản…, tóm lại là dùng vào những việc ngoài mục đích của chính sách hỗ trợ lãi suất. Cách sử dụng vốn vay này đã tác động xấu tới thị trường tài chính và nền kinh tế, đối với hệ thống ngân hàng là đống nợ xấu khủng khiếp sau đó 2 năm (năm 2011), điều chính các ngân hàng cũng không thể tưởng tượng được và về cơ bản, gói hỗ trợ lãi suất là thất bại”, TS. Nghĩa kể, đồng thời nhấn mạnh: “Đây là một bài học rất cần được lưu ý khi sử dụng chính sách tiền tệ, tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp”.

Ngưỡng cân nhắc an toàn hệ thống

Bàn về các gói giải pháp phục hồi kinh tế trong thời gian tới, TS. Nghĩa cho rằng, nên tránh việc đưa ra gói kích thích tài trợ lãi suất như năm 2009 và nếu muốn gói hỗ trợ lãi suất đạt hiệu quả, cần phải đảm bảo 4 nguyên tắc:

Một là, không kéo các ngân hàng thương mại vào cuộc. Các ngân hàng cho vay theo đúng chuẩn mực hiện nay, doanh nghiệp nào có nhu cầu tài trợ thì gửi hồ sơ đến Bộ Tài chính, chứ không cấn trừ ngay vào lãi suất của hệ thống ngân hàng như hiện nay, làm lãi suất bị méo mó khi tạo ra khoản cho vay đắt, khoản cho vay rẻ. “Đây là điều tối kỵ”, TS. Nghĩa nói.

Hai là, không kéo dài kế toán kiểm toán và xử lý tài chính bởi tới đây, việc hạch toán của ngân hàng là vô cùng phức tạp, trong khi đến nay, chúng ta vẫn chưa quyết toán xong gói hỗ trợ lãi suất từ năm 2009.

Ba là, chính sách hỗ trợ đưa ra không ảnh hưởng đến thị trường, không làm méo mó lãi suất.

Bốn là, không ảnh hưởng đến hoạt động của các ngân hàng thương mại, không nên đẩy rủi ro sang các ngân hàng thương mại.

“Nếu nhìn vào năm 2022, khó khăn nhất có thể đến từ khả năng Ngân hàng Nhà nước kéo dài Thông tư 14/2021 đến hết năm, thay vì chỉ đến tháng 6 như quy định hiện tại. Nếu như vậy sẽ tích tụ thêm rủi ro cho ngành ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng cho vay nhiều các tập đoàn ‘sân sau’ bởi hầu hết các tập đoàn này đều có dòng tiền âm, ngoại trừ dòng tiền tài chính đang được hỗ trợ từ tăng trưởng của thị trường chứng khoán”, TS. Nghĩa nói.

Còn TS. Cường nhận định, so với các nước trong khu vực, Việt Nam đã sử dụng tương đối nhiều dư địa của chính sách tiền tệ, có thể nói đã đến ngưỡng cân nhắc an toàn hệ thống, vì con số nợ xấu (cả nợ xấu tiềm ẩn) đã lên tới 7%.

“Vì vậy, sắp tới, Việt Nam cần sử dụng nhiều hơn công cụ tài khóa và coi đây là giải pháp chính để vực dậy nền kinh tế. Nếu tiếp tục gây sức ép lên hệ thống ngân hàng thì tiềm năng phát triển trung và dài hạn của nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng”, TS. Cường nói.

Với thực tế hiện nay và dự báo dịch bệnh còn kéo dài, TS. Nghĩa cảnh báo: “Nợ xấu của các khoản vay mới sẽ tăng lên, cộng thêm nợ xấu cũ được giãn hoãn theo các thông tư 01, 03, 14 của Ngân hàng Nhà nước, có thể làm cho chất lượng tài sản của các ngân hàng thương mại giảm sút. Dự báo, có khoảng 3 triệu tỷ đồng tín dụng (trong tổng số trên 10 triệu tỷ đồng, tương đương hơn 30%) nằm trong tình trạng có rủi ro cao”.

Tin bài liên quan