Phao cứu sinh
“Cơn bão” Covid-19 càn quét đã làm tổn thương nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp ngành hàng không, du lịch. Doanh thu các hãng hàng không đã suy giảm 70 - 75%, thanh khoản khó khăn. Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán HVN) ước tính số lỗ năm 2020 gần 15.000 tỷ đồng.
Vietjet dự kiến thiếu hụt 7.000 - 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ hoạt động kinh doanh. Thông tin được bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng giám đốc chia sẻ, Công ty đã chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính tích luỹ trong nhiều năm.
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư quy định mức thu, nộp phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không, theo đó, điều chỉnh giảm 10% mức thu, nộp phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không sân bay. Đặc biệt, mức thuế bảo vệ môi trường giảm 30% so với quy định hiện hành từ 1/8/2020 đến hết 31/12/2020 (từ 3.000 đồng/lít xuống còn 2.100 đồng/lít). Việc điều chỉnh này giúp giá nhiên liệu bay chưa bao gồm thuế VAT giảm tương ứng 900 đồng/lít và giá nhiên liệu bay sau VAT giảm tương ứng 990 đồng/lít.
Thủ tướng Chính phủ cũng vừa đồng ý giảm 50% giá cất, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa.
Theo bà Yến Phương, đây là những chính sách hỗ trợ thiết thực với các doanh nghiệp hàng không. Tuy nhiên, với tình hình dòng tiền đang sụt giảm mạnh, Vietjet kiến nghị Chính phủ xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường xuống mức 1.000 đồng/lít và kéo dài thời gian áp dụng đến hết năm 2021.
Như phao cứu sinh, nhiều doanh nghiệp đã dễ thở hơn khi lãi suất giảm và có cơ hội vay gói tín dụng ưu đãi
Một chính sách hỗ trợ cũng được cộng đồng doanh nghiệp vui mừng đón nhận là giảm lãi suất cho vay và có gói vay ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua cắt giảm lãi suất cơ bản từ 0,5 - 1%/năm, giảm lãi suất tiền gửi ngắn hạn từ 0,25 - 0,3%/năm và giảm lãi suất cho vay ngắn hạn 0,5%/năm. Chính phủ đã công bố gói tín dụng trị giá 285.000 tỷ đồng (khoảng 3,8% GDP) cung ứng cho doanh nghiệp và hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Như phao cứu sinh, nhiều doanh nghiệp đã dễ thở hơn khi lãi suất giảm và có cơ hội vay gói tín dụng ưu đãi. Giãn cách xã hội đợt 1 buộc hàng loạt cửa hàng bán lẻ của Công ty cổ phần Vua Nệm phải đóng cửa, hoạt động kinh doanh sau đó của Công ty cũng gặp nhiều khó khăn. Duy trì tài chính, cân đối dòng tiền thu chi khiến đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp này đau đầu. Theo ông Hoàng Tuấn Anh, Tổng giám đốc Vua Nệm, chính sách linh hoạt, kịp thời của ngân hàng đã giúp doanh nghiệp gỡ khó và có động lực để đi tiếp.
Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thép Đại Thiên Lộc (mã DTL) cho biết, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng tốt cơ hội vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi trong chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, chính sách cho vay lãi suất thấp 5%/năm kích cầu tăng trưởng doanh nghiệp chỉ áp dụng với những công ty vay mới, các khoản vay cũ doanh nghiệp đáo hạn không được áp dụng.
Lực đẩy tăng trưởng
Trong số những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát huy hiệu quả mạnh mẽ trong thực tế, không thể không nhắc tới chính sách giảm 50% phí trước bạ ô tô sản xuất lắp ráp trong nước và gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đến hết 2020, được ban hành theo Nghị định 70/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Với ưu đãi này, người mua tiết kiệm được từ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng khi mua xe, từ đó kích thích nhu cầu mua sắm ô tô, giúp các doanh nghiệp sản xuất và phân phối ô tô tăng trưởng.
Ông Đỗ Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ ô tô Hàng Xanh (Haxaco, mã chứng khoán HAX) đơn vị phân phối Mercedes- Benz số 1 Việt Nam cho biết, ngay từ cuối tháng 6/2020 khi Nghị định 70 có hiệu lực, lãnh đạo Haxaco đã nhìn thấy cơ hội tăng trưởng của mình.
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2020, Công ty đặt mục tiêu lợi nhuận hơn 66 tỷ đồng. Nhưng hết năm, ông Dũng ước tính, Haxaco có thể đạt lợi nhuận 110 - 120 tỷ đồng, cao gần gấp đôi chỉ tiêu đề ra.
Tại Công ty cổ phần Dịch vụ ô tô Sài Gòn (Savico, mã SVC), hoạt động kinh doanh khởi sắc trong quý IV/2020. Công ty cho biết có thể cán đích mục tiêu lợi nhuận 108 tỷ đồng.
Thời điểm quý I và quý II, khi lệnh giãn cách xã hội được thực hiện, nhu cầu mua xe gần như đóng băng, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp phân phối ô tô tuột dốc mạnh. Nhưng từ quý III/2020, khi chính sách giảm thuế trước bạ có hiệu lực, thị trường ghi nhận đà tăng trưởng doanh thu đột phá của các doanh nghiệp sản xuất và phân phối ô tô. Đặc biệt là trong quý IV, nhu cầu mua xe tăng mạnh do người dân “tranh thủ” trước khi chính sách ưu đãi thuế trước bạ hết hạn.
Không chỉ riêng với doanh nghiệp ngành ô tô, mà doanh nghiệp tất cả các ngành chịu tác động mạnh mẽ của các chính sách tài khóa. Những chính sách hỗ trợ phù hợp, kịp thời sẽ như đòn bẩy thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
Bước sang năm 2021, doanh nghiệp cũng kỳ vọng tiếp tục có những trợ lực tốt từ chính sách tài khóa hợp lý. Như hãng hàng không Vietjet kiến nghị có thể có gói vay ưu đãi đối với doanh nghiệp. Cụ thể, Vietjet kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét hỗ trợ nguồn tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại hỗ trợ các hãng hàng không vay hạn mức 4.000 tỷ đồng để giải quyết thanh khoản với lãi suất ưu đãi trong thời hạn 3 - 5 năm. Hay Vietnam Airlines kiến nghị có chính sách vay không lãi suất để trả lương…
Năm 2021, doanh nghiệp vẫn thận trọng với những kế hoạch doanh thu, lợi nhuận bởi còn dự báo sẽ vẫn chịu tác động của đại dịch y tế toàn cầu Covid-19. Doanh nghiệp vẫn cần có những chính sách tài khóa tốt, tạo điều kiện cho họ nắm bắt các cơ hội phát triển.