Chính quyền của Tống thống Mỹ Joe Biden đã bắt đầu xem xét lại cuộc chiến thương mại của người tiền nhiệm với Trung Quốc và các hành động khác được thực hiện nhằm đối phó với Bắc Kinh, đồng thời tuyên bố sẽ phối hợp chặt chẽ với các đồng minh nhằm ngăn chặn “sự lạm dụng kinh tế trên nhiều mặt trận” của nước này.
Cam kết về “cách tiếp cận kiên nhẫn”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 25/1 cho biết, Tổng thống Biden sẽ “có nhiều cách tiếp cận về Trung Quốc, trong đó bao gồm cả việc duy trì đòn thuế quan hiện tại và ông muốn đảm bảo rằng mọi bước đi của Mỹ sẽ được phối hợp với các đồng minh và đối tác, với cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa tại Quốc hội”.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bùng phát năm 2018 dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, hạ nhiệt một năm sau đó khi ông Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, theo đó Bắc Kinh cam kết tăng lượng hàng hóa và dịch vụ mua từ Mỹ.
Ý định của ông Biden tiếp tục duy trì các đòn thuế quan đã trở thành trọng tâm trong mối quan hệ Mỹ-Trung, được xem như một dấu hiệu về cách nhà lãnh đạo mới ở Mỹ sẽ giải quyết mối quan hệ song phương này.
Bản phân tích dữ liệu thuế quan Trung Quốc do Viện Kinh tế quốc tế Peterson tiến hành tuần trước cho thấy, Trung Quốc chỉ thực hiện 58% các mục tiêu đặt ra trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
Điều này làm dấy lên câu hỏi về việc liệu thỏa thuận thương mại có khả thi hay không, cho dù không có sự ngắt quãng nào do đại dịch Covid-19 gây ra.
Nhà Trắng cũng đang tiến hành đánh giá liên bộ ngành trên nhiều khía cạnh khác của mối quan hệ Mỹ-Trung, trong đó có cả một sắc lệnh hành pháp của ông Trump về việc cấm các nhà đầu tư Mỹ mua sản phẩm của 3 công ty công nghệ Trung Quốc.
“Tổng thống cam kết sẽ chấm dứt sự lạm dụng kinh tế của Trung Quốc trên nhiều mặt trận, và cách hiệu quả nhất là làm điều đó thông qua sự phối hợp với các đồng minh và đối tác”, bà Psaki nhấn mạnh.
Tân Tổng thống Biden đã đảo ngược một số chính sách của người tiền nhiệm ngay trong những ngày đầu nhậm chức, trong đó có cả việc đưa Mỹ trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, nhưng lại chưa có động thái nào liên quan trực tiếp tới Trung Quốc.
Những gì bà Psaki nói về cách tiếp cận của ông Biden cũng tương tự với những điều mà ông Antony Blinken – người được đề cử giữ chức Ngoại trưởng, nói về Trung Quốc trong phiên điều trần tại Thượng viện hồi tuần trước.
“Tổng thống Trump đã đúng khi có cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc. Dù tôi không đồng tình với cách mà ông ấy thực hiện trong một số lĩnh vực, nhưng về cơ bản đó là cách tiếp cận đúng và tôi nghĩ điều đó thực sự hữu ích cho chính sách đối ngoại của chúng ta”, ông Blinken nói.