Trong Phiên họp Chính phủ ngày 19/7 chuyên đề về phòng, chống Covid-19, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đã được thành lập, thực hiện công tác phòng, chống dịch, để xử lý ngay các vấn đề cấp bách, phát sinh. Ảnh: Nhật Bắc
Tình thế phía trước
Phần còn lại của năm 2021 đang là một thách thức rất lớn với bất cứ chính phủ nào, khi biến chủng vi-rút mới và tốc độ triển khai tiêm vắc-xin không đồng đều trên trên toàn cầu đang là những mối nguy mới.
Đó là nhận định mà Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR, thuộc Trường đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) vừa đưa ra trong Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2021.
Nguồn cơn của nhận định này là thời gian phục hồi của các nền kinh tế đang rất khác nhau. Kinh tế Mỹ và Hàn Quốc đã quay trở lại mức thu nhập trước đại dịch sau 1,5 năm. Châu Âu có lẽ cần mất 3 năm để khắc phục hậu quả của Covid-19. Mexico và Nam Phi dự kiến mất 3 - 5 năm để phục hồi.
Khác với các dự báo 1 năm trước, khó khăn đang rơi vào các nền kinh tế đang phát triển, khi thiếu vắc-xin và sự lây lan nhanh của biến chủng Delta. Tại ASEAN, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Indonesia đang được dự đoán sẽ hồi phục khó khăn do dịch bệnh lan nhanh, trong khi tiến độ tiêm chủng tụt lại sau nhiều quốc gia trên thế giới.
Chính sự phục hồi không đồng đều tiếp tục tạo thêm những thách thức lớn cho các chính phủ trong lựa chọn chính sách. Thương mại hàng hóa tăng trở lại, nhưng thương mại dịch vụ chưa hồi phục. Những nước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng sản xuất sẽ hưởng lợi, những nền kinh tế dựa nhiều vào dịch vụ (du lịch, khách sạn) sẽ chậm hồi phục hơn.
Báo cáo thẩm tra thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã nhắc đến nguy cơ bất ổn tài chính tại một số nước do nợ công tăng cao; nguy cơ về bong bóng tài sản khi một số quốc gia lớn thực hiện chính sách “siêu nới lỏng” về tài chính và tiền tệ, gây áp lực lạm phát, rủi ro lớn trong trung và dài hạn.
Đây cũng là vấn đề mà kinh tế Việt Nam đang đối mặt. Thậm chí, TS. Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô (Trường đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, sự bùng phát dịch trở lại với tốc độ và quy mô nghiêm trọng từ đầu tháng 5/2021 đến giờ đã đặt nền kinh tế đối mặt với khả năng đình trệ.
“Triển vọng kinh tế xấu đi nhiều. Chỉ số Quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam tháng 6/2021 sụt giảm mạnh, từ 53,1 điểm của tháng 5/2021, xuống còn 44,1 điểm, thấp tương đương với tháng 5/2020. Điều này hàm ý tăng trưởng quý III/2021 của ngành chế biến, chế tạo sẽ sụt giảm”, TS. Phạm Thế Anh nhận định.
Cùng với đó là những cảnh báo về bất ổn kinh tế vĩ mô. Dù lạm phát chưa trở thành một mối đe dọa, nhưng rủi ro đang tích lũy khi chi phí sản xuất tăng trong thời gian qua sẽ dần được chuyển vào giá tiêu dùng và nhu cầu sẽ phục hồi nếu dịch bệnh được khống chế. Nợ xấu tiềm ẩn có thể mang lại rủi ro cho hệ thống tín dụng.
Đáng nói là, doanh nghiệp đang bị tổn thương nặng nề sau hơn 1 năm chống chọi với dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp trong các ngành du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn, vận tải… chết dần, chết mòn và nhiều khả năng sẽ không thể được vực dậy sau đại dịch...
Ngay trong Báo cáo kinh tế - xã hội 6 tháng trình Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã chỉ rõ, sự sụt giảm mức tăng của dòng vốn đầu tư của khu vực doanh nghiệp tư nhân cho thấy, tình hình còn khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm nay, mức tăng trưởng vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước chỉ tăng 7,4%, bằng một nửa so với mức tăng cùng kỳ năm 2018.
Dư địa của nhiều kỳ vọng
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư bên lề Quốc hội, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại biểu Quốc hội (TP. Hà Nội) cũng thừa nhận, thách thức trong điều hành của Chính phủ nhiệm kỳ mới rất rõ.
“Với cả 2 kịch bản tăng trưởng năm 2021 mà Chính phủ trình Quốc hội, nhiều điều kiện đã thay đổi theo hướng khó khăn hơn, bất định hơn, đòi hỏi sự linh hoạt và quyết liệt hơn trong điều hành. Nhưng Covid-19 không chỉ là một tai họa. Chính phủ đang có nhiều dư địa thể hiện bản lĩnh”, ông Lộc kỳ vọng.
Dư địa này, theo ông Lộc, được vun đắp từ cách điều hành chính sách trực diện, quyết liệt mà Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã thực hiện từ tháng 4/2021 đến nay.
Trong khoảng thời gian ngắn, tình hình biến đổi liên tục, Chính phủ đã có rất nhiều đề xuất trên cơ sở cân nhắc một cách cầu thị, quyết liệt những yêu cầu từ thực tiễn.
Có thể nhắc tới việc cho phép doanh nghiệp trong khu công nghiệp nối lại hoạt động sản xuất khi đảm bảo điều kiện phòng, chống dịch (thay vì đóng cửa chờ khi dịch được kiểm soát), cho doanh nghiệp nhập vắc-xin, phê duyệt các loại vắc-xin khác nhau trong bối cảnh còn nhiều ý kiến khác nhau về “ngoại giao vắc-xin”...
Ngay cả những tồn tại “kinh niên” như giải ngân vốn đầu tư công, thể chế liên kết vùng, thúc đẩy tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, hay những nội dung mới như phát triển kinh tế số, phục hồi xanh... đã được nhận diện và xử lý với tư duy mới, cách làm mới.
Điều quan trọng là, vai trò của Chính phủ rất rõ nét, có thể nhìn thấy trong mô hình Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương, việc xử lý luồng xanh cho thông thương hàng hóa, hay việc xác định cơ chế mua vắc-xin trong trường hợp cấp bách...
“Chính phủ đã chứng minh có thể giải quyết được nhiều việc mà trong bối cảnh bình thường không làm được. Những kinh nghiệm điều hành trong giai đoạn vừa qua sẽ thúc đẩy Chính phủ mới có những “giải pháp đến cùng, theo nghĩa trách nhiệm đến cùng, dũng cảm đến cùng, để thực hiện “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ vừa báo cáo Quốc hội”, ông Lộc nói.
Đặc biệt, tinh thần này sẽ đẩy nhanh và nâng cao hiệu quả các nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ thủ tục hành chính mà Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đang đặt ra.
Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH
Chính sách không đến được doanh nghiệp, thì không thể gọi là tốt”
- Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái
Chỉ đạo của Chính phủ trong phòng, chống dịch Covid-19 thực sự quyết liệt. Chúng tôi tin là dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát. Chúng tôi cũng ủng hộ quyết định cắt giảm chi tiêu, cắt giảm các dự án đầu tư không cần thiết, không hiệu quả của Chính phủ.
Trong thời gian tới, chúng tôi mong rằng, Chính phủ sẽ có hành động quyết liệt để rút ngắn khoảng cách từ chính sách tới thực thi. Đây chính là cách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn thiết thực nhất. Vì chính sách không đến được doanh nghiệp hay doanh nghiệp không thể tiếp cận, không thể thực hiện vì điều kiện quá khó khăn, thiếu thực tế, thì không thể gọi là chính sách tốt.
Khoảng cách giữa văn bản và thực tế, nếu không được thu hẹp, sẽ làm xói mòn niềm tin của doanh nghiệp về việc đồng hành của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp trong lúc khó khăn.
Mục tiêu thay đổi cơ cấu kinh tế cần được ưu tiên hơn mục tiêu số học”
- Ông Phan Đức Hiếu, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình
Chính phủ nhiệm kỳ mới đang đối mặt với những thách thức rất lớn, nhưng trong bối cảnh này, có thể, các chỉ tiêu ngắn hạn của năm 2021 không đạt được về mặt số học, nhưng những thay đổi về cơ cấu doanh nghiệp, cơ cấu kinh tế, tư duy điều hành kinh tế... sẽ tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng giai đoạn tới. Đây là điều tôi kỳ vọng trong điều hành của Chính phủ mới, vì khi đó, không chỉ nền kinh tế, mà cả doanh nghiệp sẽ không phải gượng dậy trên con đường cũ, mà hình thành những doanh nghiệp mạnh khỏe, mới mẻ trên con đường mới.
Trong 6 tháng cuối năm 2021, Chính phủ cần ưu tiên thúc đẩy đầu tư công và đầu tư tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc một cách quyết liệt. Trong quá trình rà soát hệ thống văn bản, nếu cần, nên trình Quốc hội một luật sửa nhiều luật theo hướng gỡ nhanh. Mục tiêu là khi Covid-19 được kiểm soát, các dự án được triển khai nhanh và hiệu quả.
Đặc biệt, đề nghị không ban hành bất cứ quy định nào tạo thêm chi phí thực thi không đáng có cho doanh nghiệp.
Tăng trưởng cung tiền được kiểm soát ở mức phù hợp, khoảng 10%
-TS. Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường đại học Kinh tế quốc dân
Chúng tôi có một số khuyến nghị đối với điều hành kinh tế trong ngắn hạn như sau.
Thứ nhất, Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể và nhất quán đối phó với các tình huống bệnh dịch; các bất cập liên quan đến lây nhiễm chéo trong khu cách ly, khai báo y tế, đứt gãy trong lưu thông hàng hóa do các biện pháp cực đoan, thiếu trang thiết bị y tế và cần phải được tập trung nguồn lực để giải quyết nhanh chóng.
Thứ hai, Chính phủ và các bộ, ngành nên khẩn trương triển khai và giải ngân các gói hỗ trợ đối với người lao động mất việc, đặc biệt là với những lao động trong khu vực phi chính thức.
Thứ ba, chính sách tài khóa nên tập trung thúc đẩy giải ngân các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng lớn ở cấp quốc gia, làm nền tảng cho giai đoạn phục hồi sau đại dịch. Cùng với đó, chính sách tiền tệ thích ứng nên được thực hiện với tăng trưởng cung tiền được kiểm soát ở mức phù hợp (khoảng 10%) và các biện pháp kiểm soát rủi ro ở mức vừa phải.
Chính phủ cần thúc đẩy tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước”
- Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính)
Trong 6 tháng đầu năm, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đều chậm, đi ngược lại yêu cầu của nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Có nguyên nhân bởi dịch bệnh, nhưng theo tôi, chủ yếu do tâm lý chờ đợi của các cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Theo tôi, Chính phủ cần có yêu cầu thúc đẩy tiến độ thực hiện các kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Đầu tháng 7/2021, Chính phủ đã ban hành tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước. Tới đây, Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nhà nước giai đoạn 2021-2025 cũng sẽ được ban hành.
Thông điệp rất rõ ràng là, Chính phủ không can thiệp vào hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp, mà chỉ giám sát, đôn đốc và kỷ luật. Trách nhiệm lựa chọn doanh nghiệp, hình thức và thời gian thực hiện thuộc về cơ quan đại diện chủ sở hữu.