Theo chương trình phiên họp thứ 43 bắt đầu từ sáng nay, 23/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến lần hai về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thảo luận lần đầu dự án này tại kỳ họp thứ 8, một trong những nội dung được đại biểu rất quan tâm là trách nhiệm chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết.
Nội dung này, Chính phủ đề xuất hai phương án. Phương án 1: Cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, pháp lệnh chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết.
Phương án 2 cơ bản giữ như luật hiện hành là cơ quan chủ trì thẩm tra chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết.
Chính phủ chọn phương án 1, nhưng thảo luận tại Quốc hội thì đa số đại biểu tán thành phương án 2.
Tại phiên họp thứ 41 (tháng 1/2020), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội kết luận, đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, giữ các quy định hiện hành về trách nhiệm chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, nhưng bổ sung, làm rõ một số bước trong quy trình tại 2 kỳ họp và 3 kỳ họp.
Cơ quan thẩm tra dự án luật, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, trong báo cáo ngày 20/3 cho biết, sau phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng, trong đó nêu rõ “giữ nguyên quan điểm của Chính phủ về quy trình, trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh như đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8”.
Trong quá trình chỉnh lý dự thảo luật, Bộ Tư pháp đề nghị báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ 2 phương án như Chính phủ đã trình để báo cáo Quốc hội.
Cũng được hoàn thành ngày 20/3, dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp thu theo ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội là tiếp tục quy định cơ quan thẩm tra chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật như hiện nay. Đồng thời bổ sung một số quy định nhằm làm rõ và nâng cao hơn trách nhiệm của từng cơ quan trong giai đoạn tiếp thu, chỉnh lý dự án, nhất là của cơ quan trình dự án.
Theo đó, việc tiếp thu, chỉnh lý đối với các dự án được xem xét thông qua theo quy trình tại 2 và 3 kỳ họp gồm các bước sau:
(1) Cơ quan soạn thảo có trách nhiệm nghiên cứu, dự kiến sơ bộ nội dung giải trình, tiếp thu ý kiến thảo luận ở Tổ đại biểu Quốc hội để gửi tới đại biểu Quốc hội trước khi thảo luận tại hội trường;
(2) Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày Quốc hội thảo luận tại hội trường, cơ quan trình dự án nghiên cứu, đề xuất nội dung dự kiến giải trình, tiếp thu, chỉnh lý để gửi báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời gửi Cơ quan thẩm tra.
Đối với những chính sách mới được đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung vào dự thảo luật thì trong trường hợp cần thiết, theo yêu cầu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan trình dự án tổ chức đánh giá tác động để báo cáo Quốc hội;
(3) Cơ quan thẩm tra chủ trì, phối hợp với cơ quan trình và các cơ quan, tổ chức hữu quan trao đổi, thống nhất về nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và xây dựng dự thảo báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Đối với những vấn đề quan trọng, vấn đề lớn của dự án luật còn ý kiến khác nhau thì Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách dự án chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo cơ quan trình, cơ quan thẩm tra và các cơ quan, tổ chức hữu quan để trao đổi, thống nhất ý kiến;
(4) Cơ quan trình có ý kiến bằng văn bản về những nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý; trong đó nêu rõ những vấn đề cơ quan trình có ý kiến khác và đề xuất phương án chỉnh lý báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;
(5) Sau khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến, việc hoàn chỉnh báo cáo giải trình, tiếp thu và dự thảo luật tiếp tục được thực hiện như quy định hiện hành.
Đối với việc giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật theo quy trình tại một kỳ họp thì cơ bản vẫn thực hiện như hiện nay nhưng có sự điều chỉnh cho thống nhất và hợp lý về trách nhiệm của từng cơ quan.
Sau khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến, dự thảo luật sẽ được hoàn thiện thêm một bước, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020).