Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa ký công văn giải trình tiếp thu ý kiến của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (F/S Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành).
Trong bản giải trình các ý kiến của Quốc hội tại phiên thảo luận tại Hội trường về F/S Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành hôm 12/11, các nội dung liên quan đến tính hợp lý và tính chính xác của tổng mức đầu tư đã được Chính phủ giải trình khá rõ.
Theo đó, Chính phủ khẳng định, tổng mức đầu tư công trình được xác định trên hồ sơ thiết kế cơ sở của Dự án. Hiện các hạng mục chính của Dự án đã được thiết kế cơ sở gồm: hạ tầng chung, các công trình khu bay, các công trình phục vụ quản lý bay, hầu hết các công trình khu hàng không dân dụng. Trên cơ sở hồ sơ thiết kế, Tư vấn đã lập tổng mức đầu tư theo đúng hướng dẫn tại Nghị định số 32/2015/NĐ – CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.
Trên cơ sở này, tổng mức đầu tư đã được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – ACV và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam – VATM phối hợp với tư vấn rà soát và kiểm tra cụ thể như: phương pháp tính toán khối lượng; xây dựng đơn giá chi tiết các hạng mục; việc áp dụng suất đầu tư đối với một số hạng mục; việc áp dụng đơn giá các công trình tương tự; việc áp dụng giá vật liệu; việc xây dựng đơn giá nhân công...
“Như vậy, tổng mức đầu tư đã được lập đúng quy định hiện hành và có giá trị là 4,779 tỷ USD, nhỏ hơn tổng mức đầu tư được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 là 4,872 tỷ USD”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định.
Tại báo cáo thẩm tra lần 1, Tư vấn thẩm tra độc lập đã khẳng định phương pháp lập tổng mức đầu tư của tư vấn lập F/S là có cơ sở và phù hợp với các quy định hiện hành. Theo ý kiến thẩm tra lần 1, có thể giảm trừ chi phí của một số hạng mục, do vậy tổng mức đầu tư Dự án sẽ còn giảm. Do Dự án có tổng mức đầu tư lớn, quy mô phức tạp nên Hội đồng thẩm định Nhà nước sẽ có ý kiến thẩm định sau khi có ý kiến cuối cùng của tư vấn thẩm tra trong bước trình Thủ tướng xem xét, quyết định đầu tư, đảm bảo không vượt tổng mức đầu tư đã Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 94.
Liên quan đến tính hợp lý của tổng mức đầu tư, Chính phủ cho biết là Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành khi hoàn thành cả 3 giai đoạn đầu tư sẽ có 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách và các hạng mục phụ trợ đảm bảo khả năng phục vụ với công suất thiết kế 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Do công tác giải phóng mặt bằng (ước khoảng 978 triệu USD) đã được tách riêng thành 1 tiểu dự án giao cho UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư, nên tổng mức đầu tư cho phần xây dựng hạ tầng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành khoảng 15,05 tỷ USD.
Chính phủ cho biết, so sánh quốc tế cho thấy với suất đầu tư khoảng 15 tỷ USD/100 triệu hành khách của Cảng Hàng không quốc tế Long Thành là tương đương với suất đầu tư các cảng hàng không lớn trên thế giới. Cụ thể, Cảng Hàng không quốc tế Đại Hưng – Trung Quốc (xây dựng năm 2014, vận hành khai thác từ tháng 9/2019) có tổng mức đầu tư khoảng 11,7 tỷ USD, công suất 72 triệu hành khách/năm, tức là khoảng 16,26 tỷ USD/100 triệu hành khách. Cảng Hàng không quốc tế Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ (xây dựng năm 2015, vận hành khai thác năm 2018) có tổng mức đầu tư là 12 tỷ USD, công suất 90 triệu hành khách/năm, tức là khoảng 14,59 tỷ USD/100 triệu hàng khách (đã bao gồm cả yếu tố trượt giá).
Ngay đối với giai đoạn 1, Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4,779 tỷ USD/25 triệu hành khách, với công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới cũng có suất đầu tư tương đương với các cảng hàng không có quy mô tương đương như Incheon – Hàn Quốc, Franfurt (Đức).
Chính phủ khẳng định, những so sánh này chỉ mang tính tham khảo, do cảng hàng không là công trình phức hợp, nên sự khác biệt về mục tiêu đầu tư; quy mô đầu tư; phạm vi công việc thực hiện; thời điểm triển khai; công nghệ lựa chọn; chính sách thuế, phí; dự phòng...sẽ dẫn tới khác nhau dù có thể có cùng công suất.