Chính phủ: Dự kiến khởi công xây dựng sân bay quốc tế Long Thành vào năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
Do tiến độ thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án bị chậm do dịch Covid – 19 nên Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ không thể khởi công trong năm nay.
Phối cảnh nhà ga sân bay Long Thành ẢNH ACV

Phối cảnh nhà ga sân bay Long Thành ẢNH ACV

Đây là một trong những thông tin đáng chú ý trong Báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành vừa được Chính phủ gửi Quốc hội.

Chính phủ cho biết là tiến độ thẩm định, phê duyệt Dự án chậm so với yêu cầu trước đây do đây là công trình rất lớn, phức tạp nên Tư vấn thẩm tra quốc tế (NACO – CONINCO – ARUP – AEC) hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra chậm hơn dự kiến (đến nay đã hoàn tất). Đồng thời do dịch Covid -19 nên trong quá trình thẩm tra, thẩm định, các đơn vị, cá nhân liên quan không thể họp để trao đổi trực tiếp mà phải thực hiện gián tiếp thông qua họp trực tuyến và lấy ý kiến bằng văn bản nên việc thẩm tra, thẩm định cần thêm thời gian.

Với tiến độ hiện nay, Chính phủ cho biết là Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ khởi công vào năm 2021 và hoàn thành năm 2025 theo Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội.

Chính phủ cho biết là trên cơ sở báo cáo thẩm tra và ý kiến thẩm định của các thành viên Hội đồng Thẩm định Nhà nước tại phiên họp toàn thể hôm 27/5/2020, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án trình Hội đồng Thẩm định Nhà nước. Ngày 24/8, Hội đồng Thẩm định Nhà nước đã tiến hành lấy ý kiến của các thành viên. Kết quả, đa số thành viên đã nhất trí thông qua dự thảo Báo cáo thẩm định và nội dung dự án. Bộ Kế hoạch và đầu tư (Cơ quan thương trực Hội đồng) đã hoàn chỉnh Báo cáo thẩm định và đã trình Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Hội đồng Thẩm định Nhà nước kiến nghị Chính phủ, phương thức và phương án đầu tư cho từng dự án thành phần, cụ thể như sau:

Dự án thành phần 1 – các công trình trụ sở cơ quan quản lý Nhà nước sẽ giao cho các cơ quan quản lý Nhà nước liên ngành (Hải quan, Công an, Công an cửa khẩu, Cảng vụ, Kiểm dịch y tế) bố trí nguồn vốn thực hiện đầu tư đảm bảo tiến độ. Trường hợp các cơ quan không có khả năng bố trí vốn, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP loại hợp đồng BTL hoặc BLT.

Dự án thành phần 2 – các công trình phục vụ quản lý bay, chủ đầu tư được kiến nghị là Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.

Dự án thành phần 3 – các công trình thiết yếu trong cảng, bao gồm: nhà ga hành khách, hạ tầng hàng không, hệ thống cấp nước, xử lý nước thải; nhà ga hàng hóa số 1, nhà để xe; hệ thống giao thông kết nối tuyến số 1 và số 2… sẽ do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư.

Dự án thành phần 4 – các công trình dịch vụ, trong đó có nhà ga hàng hóa số 2, nhà ga hàng hóa chuyển phát nhanh; khu công nghiệp hàng không; khu logistics hàng không… sẽ thực hiện bởi các nhà đầu tư, chủ đầu tư do Bộ GTVT chủ trì lựa chọn.

Bên cạnh đó, Hội đồng Thẩm định Nhà nước cho biết kết quả thẩm tra, tổng mức đầu tư dự án được Tư vấn thẩm tra xác định theo Nghị định 32 là hơn 109.200 tỉ đồng (tương đương hơn 4,67 tỉ USD), giảm hơn 2.400 tỉ đồng (tương đương hơn 109 triệu USD) so với tổng mức đầu tư ban đầu. Nếu áp theo Nghị định 68, con số này là hơn 109.100 tỉ đồng (tương đương 4,67 tỉ USD), giảm hơn 2.500 tỉ đồng (tương đương 114,3 triệu USD).

Báo cáo cho biết, các nguyên nhân chủ yếu làm thay đổi tổng mức đầu tư dự án so với báo cáo nghiên cứu khả thi trình Bộ GTVT gồm: chi phí xây dựng giảm 2.222 tỉ đồng, chi phí thiết bị tăng 443 tỉ đồng, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí quản lý dự án, dự phòng… giảm 677,9 tỉ đồng.

Được biết, mục tiêu Dự án là xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), là cảng hàng không quốc tế quan trọng quốc gia, hướng tới là một trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực. Trong giai đoạn I (2020 – 2025), Dự án sẽ xây dựng 1 đường cất hạ cánh; 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Một trong những điểm nhấn kiến trúc đáng chú ý nhất tại Dự án giai đoạn I là nhà ga hành khách có công suất 25 triệu hành khách/năm; gồm 4 tầng với tổng diện tích sàn 373.000 m3, đáp ứng các yêu cầu khai thác với công nghệ 4.0.

Hiện nay, Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị đầy đủ nguồn lực để triển khai Dự án ngay khi Báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt.

Theo thông tin của baodautu.vn, ngày mai (10/10), theo kế hoạch, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về báo cáo kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Đối với Dự án GPMB do UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư, Chính phủ cho biết tỉnh cam kết là sẽ hoàn thành thủ tục giao 1.810 ha đất khu vực ưu tiên giai đoạn I cho Cảng vụ Hàng không vào cuối năm 2020.

Trước đó, tại buổi kiểm tra tình hình triển khai Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành vào ngày 30/9/2020, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương để hoàn thành bàn giao mặt bằng theo đúng tiến độ như cam kết, bảo đảm hoàn thành thủ tục chi trả và dọn dẹp mặt bằng 1.810 ha đất khu vực ưu tiên để bàn giao trong tháng 10 năm 2020; đồng thời, tiếp tục thực hiện giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại (trong phạm vi toàn bộ 5.000 ha đất) để giải ngân hết số vốn đã bố trí cho Dự án (23.000 tỷ đồng) theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

UBND tỉnh Đồng Nai chủ trì, phối hợp với các cơ quan để chỉ đạo các đơn vị có phương án bảo vệ, tránh tái lấn chiếm phần diện tích đã thực hiện xong công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Bộ GTVT và UBND tỉnh Đồng Nai có giải pháp hữu hiệu bảo vệ phần diện tích xây dựng trong giai đoạn 1 và toàn bộ phạm vi khu đất quy hoạch ngay sau khi tiếp nhận bàn giao mặt bằng.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng giao Văn phòng Chính phủ sớm thực hiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phê duyệt Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án; Bộ GTVT và các cơ quan, đơn vị tập trung nhân lực, chủ động, tích cực đẩy nhanh tiến độ thủ tục pháp lý liên quan, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để phấn đấu khởi công Dự án trong đầu quý I/2021.

Tin bài liên quan