Chiêu “tung hứng” của Trịnh Xuân Thanh để giành khu đất ở Tam Đảo

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Ngoài hành vi đồng phạm với ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh (SN 1966, cựu Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC) còn lợi dụng chức vụ để dùng tiền dự án nhận chuyển nhượng 3.400 m2 đất ở thị trấn Tam Đảo (Vĩnh Phúc).

Trịnh Xuân Thanh tại phiên tòa năm 2018. Ảnh: Vietnamnet.

Trịnh Xuân Thanh tại phiên tòa năm 2018. Ảnh: Vietnamnet.

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố vụ án sai phạm xảy ra tại dự án Ethanol Phú Thọ. Bị can Trịnh Xuân Thanh bị truy tố với 2 tội danh là Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản.

Theo cáo trạng, CTCP Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Kinh Bắc (PVC Kinh Bắc) được thành lập năm 2009 do Đỗ Văn Hồng (SN 1967) làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Công ty có vốn điều lệ 50 tỷ đồng. PVC góp 23,5 tỷ đồng, chiếm 15,67% vốn điều lệ.

Năm 2009, PVC Kinh Bắc thực hiện thi công một số hạng mục thuộc Dự án Nhà máy Polyester Đình Vũ - Hải Phòng do PVC làm chủ đầu tư, trị giá 132,5 tỷ đồng. PVC đã tạm ứng cho PVC Kinh Bắc 10% giá trị hợp đồng, tương đương 13,2 tỷ đồng.

Quá trình thực hiện hợp đồng trên, Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Văn Hồng đã bàn bạc với nhau tìm mua đất để đầu tư khu nghỉ dưỡng. Qua tìm hiểu, Đỗ Văn Hồng biết CTCP Đầu tư và Phát triển công nghệ Mefrimex có 3.400 m2 đất tại thị trấn Tam Đảo (Vĩnh Phúc) với giá 23,8 tỷ đồng. Sau khi khảo sát thực tế, cả hai quyết định mua khu đất trên. Nguồn tiền lấy từ tiền tạm ứng dự án trên.

Tại cuộc họp tháng 6/2020, Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo PVC tiếp tục tạm ứng cho PVC Kinh Bắc 25 tỷ đồng. Ngay sau đó, PVC Kinh Bắc đã sử dụng 23,8 tỷ đồng để mua khu đất trên. Ngày 27/7/2010, PVC Kinh Bắc được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên.

Một tháng sau, Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Văn Hồng thống nhất tăng vốn điều lệ của PVC lên 150 tỷ đồng. Mặc dù HĐQT PVC chưa họp nhưng Trịnh Xuân Thanh ký công văn cho người đại diện phần vốn của PVC tại PVC Kinh Bắc về việc tăng vốn, nêu rõ “Trường hợp các cổ đông hiện hữu từ chối góp vốn thì PVC sẽ thực hiện góp vốn thay”.

Khi đó, các cổ đông hiện hữu mới góp được 129 tỷ đồng. Đỗ Văn Hồng có công văn đề nghị PVC góp nốt số tiền 21 tỷ đồng. Thực chất là nhằm hợp thức số tiền tạm ứng từ dự án. Ngày 15/12/2009, Trịnh Xuân Thanh chủ trì cuộc họp và kết luận nội dung trên.

Dưới sự chỉ đạo của Trịnh Xuân Thanh, ngày 23/12/2010, PVC góp 21 tỷ đồng vào vốn điều lệ của PVC Kinh Bắc bằng hình thức gán trừ nợ (tiền tạm ứng).

Biến đất công thành đất riêng

Để sở hữu khu đất trên, tháng 6/2011, Trịnh Xuân Thanh đề nghị Đỗ Văn Hồng chuyển nhượng lại đất trên với giá 23,8 tỷ đồng. Thực hiện việc trên, Trịnh Xuân Thanh thành lập Công ty TNHH Đầu tư Mai Phương và nhờ bố đẻ là ông Trịnh Xuân Giới đứng tên. Ngày 23/5/2011, PVC Kinh Bắc có nghị quyết phê duyệt chuyển nhượng khu đất trên với giá 23,8 tỷ đồng.

Lợi dụng chức vụ là Chủ tịch HĐQT PVC có sức ảnh hưởng với PVC Kinh Bắc, Trịnh Xuân Thanh chỉ thanh toán cho PVC 20,8 tỷ đồng, trục lợi 3 tỷ đồng.

Năm 2015, ông Trịnh Xuân Giới đã chuyển nhượng Công ty Mai Phương cho bà Trần Dương Nga (vợ Trịnh Xuân Thanh). Năm 2016, bà Nga tiếp tục chuyển nhượng công ty cho ông Kiều Đào Lâm với giá 45 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định, việc PVC tạm ứng cho PVC Kinh Bắc 25 tỷ đồng là trái quy định. Hành vi của Trịnh Xuân Thanh chuyển tiền góp vốn trái điều lệ của PVC và Luật Doanh nghiệp năm 2005, gây thiệt hại cho PVC số tiền 13,2 tỷ đồng.

Trong vụ án này, bị can Đỗ Văn Hồng có hành vi giúp sức tích cực.

Hiện nay cơ quan điều tra đã tạm giữ giấy chứng nhận mảnh đất trên.

Tin bài liên quan