Chiêu trò của hot girl lừa hơn 330 tỷ đồng: Vác bao tải tiền đi vay tiền!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bị tuyên phạt án chung thân vì chiếm đoạt hơn 330 tỷ đồng, bị cáo Trần Thị Nhàn (SN 1986, tại Quảng Trị) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Trần Thị Nhàn tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Viện kSND tỉnh Quảng Trị.

Trần Thị Nhàn tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Viện kSND tỉnh Quảng Trị.

Ngày 17/6, TAND tỉnh Quảng Trị cho biết đã nhận được đơn kháng cáo của bị cáo Nhàn. Bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, không kháng cáo về khoản tiền bồi thường.

Trước đó, vào cuối tháng 1/2021, TAND tỉnh Quảng Trị đã xử phạt bị cáo Nhàn mức án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Có tổng cộng 9 bị hại đã mắc bẫy lừa của Nhàn.

Bản án sơ thẩm thể hiện, năm 2011, Nhàn bắt đầu thực hiện hoạt động cho người khác vay tiền rồi cho vay lại để hưởng lãi suất chênh lệch. Trước tháng 8/2016, Nhàn vay tiền của nhiều người rồi cho Nguyễn Thị Lan Hương (ở TP Đông Hà) vay lại để hưởng lãi suất nhưng bị Hương chiếm đoạt 7 tỷ đồng.

Để có tiền trả nợ, Nhàn đưa ra thông tin gian dối là “vay tiền để làm đáo hạn ngân hàng cho người khác”, hứa hẹn trả lãi suất cao từ 3.000 – 7.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày. Nhằm tăng thêm độ tin tưởng, Nhàn viết giấy cam kết trả nợ nhưng sau một thời gian, bị cáo mất khả năng thanh toán.

Vác bao tải tiền đi vay tiền!

Quá trình điều tra xác định, bị cáo nhiều lần chiếm đoạt tiền của các bị hại tổng cộng hơn 330 tỷ đồng. Trong các nạn nhân của Nhàn có vợ chồng ông Nguyễn Hữu T. bị chiếm đoạt 50 tỷ đồng.

Theo đó, từ năm 2014, vợ chồng ông T. và Nhàn góp vốn mở tiệm vàng nhưng không hiệu quả. Sau lần kinh doanh bất thành, Nhàn nhiều lần vay tiền của vợ chồng ông T. để cho vay lại nhằm hưởng lãi suất chênh lệch.

Đến cuối năm 2016, Nhàn nói với ông T. vay tiền để làm đáo hạn ngân hàng cho người khác nhằm vay nhiều lần với số tiền lớn hơn.

Để cho ông T. tin tưởng, có lần đến nhà ông T. chơi, Nhàn mang theo cả bao tải tiền (khoảng 5 - 6 tỷ đồng) với mục đích thể hiện cho ông T. biết là Nhàn có rất nhiều tiền rồi dụ dỗ ông T. cho vay tiền.

Ngoài ra, Nhàn còn quay video trực tiếp khi giao dịch với ngân hàng và cho ông T. xem số dư trong tài khoản ngân hàng.

Với những chiêu trò trên, Nhàn vay ông T. 50 tỷ đồng. Nhàn cũng thỏa thuận sẽ trả lãi suất từ 3.000 đồng – 15.000 đồng/1 triệu đồng/ngày, có gói vay phải trả đến 20.000 đồng/triệu/ngày. Tuy nhiên, quá trình điều tra, các bên không cung cấp giấy tờ liên quan đến việc tính lãi trên.

Ngoài ra, khoảng tháng 4/2018, do bị ráo riết đòi nợ, Nhàn gặp bà Hồ Thị Tường V. cho vay tiền. Bà V. yêu cầu Nhàn phải đưa 10 tỷ đồng thì mới cho vay tiền.

Ngày 8/8/2018, Nhàn gọi điện thoại cầu cứu bà G. vay nóng 10 tỷ đồng và cam kết sẽ trả trong ngày. Trưa cùng ngày, Nhàn nhờ bạn trai điều khiển xe ô tô Camry đến nhà bà G. vay tiền. Do Nhàn đang nợ bà G. gần 47 tỷ đồng, bà G. cũng muốn Nhàn xoay sở có tiền để trả nợ nên đồng ý cho Nhàn vay 7 tỷ đồng, với điều kiện bạn trai của Nhàn phải viết giấy vay tiền. Thấy bạn trai chần chừ, Nhàn giục: “cứ yên tâm viết đi chiều chắc chắn có tiền trả lại” nên người này viết giấy vay tiền giúp Nhàn.

Bản án sơ thẩm cho rằng, bằng các thủ đoạn gian dối, Nhàn đã chiếm đoạt hơn 330 tỷ đồng, phần lớn để trả nợ, lãi vay của người trước. Ngoài ra, bị cáo còn sử dụng hơn 8,6 tỷ đồng để chi tiêu, mua sắm cá nhân.

Liên quan đến thỏa thuận lãi vay, cơ quan điều tra đã cho đối chất giữa Nhàn và các bị hại nhưng các bên không cung cấp chứng cứ, tài liệu nên không xem xét.

Ngoài ra bị cáo còn mượn tiền của 171 người khác ở khắp nơi trên cả nước nhưng các bên tự thỏa thuận dân sự nên cơ quan điều tra không xem xét.

Cơ quan điều tra đã phong tỏa 10 tài khoản của bị cáo nhưng số tiền chỉ còn hơn 14 triệu đồng; 1 thửa đất diện tích 290 m2 ở TP Đông Hà.

Tòa sơ thẩm nhận định hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ, làm cho nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ly tán. Thậm chí, có người do bị lừa mất tiền mà tìm đến cái chết.

Tin bài liên quan