Bị cáo Hứa Thị Phấn vắng mặt tại phiên phúc phẩm, chỉ có đại diện bị cáo tham dự
Ngân hàng Đại Tín thuộc Hứa Thị Phấn sau khi bán cho Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị VNCB, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) thì được đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng (VNCB).
Phiên tòa này là một trong số rất nhiều những phiên tòa liên quan đến đại án ngân hàng Đại Tín, ngân hàng Xây dựng (VNCB) diễn ra hơn 3 năm nay.
Các phiên tòa xét xử những vụ án nhiều ngàn tỷ đồng của những nhóm nợ lớn thuộc ngân hàng này đều liên quan đến những tên tuổi “lớn” như Phương Trang, Dr. Thanh, Hứa Thị Phấn, Phạm Công Danh…
Sau khi xảy ra vụ án Phạm Công Danh, năm 2014, Ban Kiểm soát đặc biệt Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Vietcombank tiếp quản VNCB lỗ lũy kế bao gồm cả gốc và lãi các khoản nợ xấu lên tới 27.500 tỷ đồng.
Trong đó, thời ngân hàng thuộc Hứa Thị Phấn quản lý 2 nhóm nợ lớn nhất chủ yếu là Phương Trang và Hứa Thị Phấn theo số liệu nợ gốc khoảng hơn 9.000 tỷ đồng.
Gần 2 năm ngân hàng “sang tay” Phạm Công Danh, số nợ lớn của VNCB lúc này lại được cộng thêm khoản cho vay hơn 7.700 tỷ mà VNCB cho chính Tập đoàn Thiên Thanh (Phạm Công Danh làm Tổng giám đốc).
Riêng khoản 4.500 tỷ đồng Phạm Công Danh nộp vào tăng vốn cho VNCB thì trước đó cũng đã được ông chủ ngân hàng này “vay” rút ra từ ngân hàng 4.700 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn khoản cho vay cầm cố sổ tiết kiệm Dr. Thanh hơn 5.400 tỷ đồng. Với số lỗ lũy kế VNCB 27.500 tỷ đồng như trên, tháng 2/2015, ngân hàng này được định giá 0 đồng là ngân hàng đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước mua bắt buộc. Hơn 3 năm qua, ngân hàng này thường xuyên được biết đến với các phiên tòa gắn với các đại án con số khủng, các đại gia lớn.
Còn nhớ, cách đây 5 năm, cả ba nhà băng GPBank, OceanBank và VNCB đều đang trong tình trạng vô cùng khó khăn và bị buộc phải thực hiện "mua lại 0 đồng".
Theo đó, tại VNCB, thời điểm bị mua lại nhà băng này đang có khoản lỗ lũy kế lên tới 27.500 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm hơn 24.000 tỷ đồng. OceanBank cũng có khoản nợ xấu lên tới hơn 15.000 tỷ đồng, chiếm 49,84% tổng dư nợ và lỗ lũy kế gần 10.200 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn hai lần. Còn GPBank, tại thời điểm ngày 2-4-2015, tổng số lỗ lũy kế của nhà băng này lên đến 12.280 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu bị âm 9.195 tỷ đồng. Dư nợ cho vay giảm mạnh, chỉ còn 6.669 tỷ đồng, trong đó có tới 45,37% là nợ xấu.
Sau khi mua lại ba ngân hàng 0 đồng, NHNN đã chuyển đổi mô hình hoạt động thành ngân hàng trách nhiệm hữu hạn 100% vốn nhà nước. Tuy nhiên, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước gửi Quốc hội vào tháng 10-2017 và các năm 2018, 2019 đều cho thấy thực trạng tài chính của ba nhà băng này sau khi được mua lại 0 đồng vẫn chưa được cải thiện.
Trong đó, Ngân hàng Xây dựng (VNCB, sau này là CB Bank) là ngân hàng đầu tiên bị NHNN mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng vào ngày 2/2/2015. Với những nhóm nợ khổng lồ có nguy cơ mất vốn, ước tính, số lỗ lũy kế của ngân hàng này đến nay có thể lên trên 34.000 tỷ đồng.