Theo dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày trước Quốc hội cách đây ít ngày, so với Luật Chứng khoán hiện hành, dự thảo luật sửa đổi 97 Điều, bổ sung 31 Điều, bãi bỏ 31 Điều và giữ nguyên 8 Điều.
Báo cáo thẩm tra dự thảo luật của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, hồ sơ dự án Luật đã được cơ quan soạn thảo chuẩn bị tương đối công phu, đầy đủ theo quy định. Bố cục của dự thảo Luật gồm 10 chương, 136 điều là hợp lý. Trong đó đã tập trung giải quyết những vấn đề đang vướng mắc hiện nay như: chất lượng hàng hóa đầu vào của thị trường; hành vi thao túng giá chứng khoán; chống giao dịch nội gián; cải cách hành chính nhằm nâng cao hiệu quả công tác tổ chức vận hành, quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm...
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận thấy, Luật này được ban hành sẽ song song tồn tại với nhiều luật khác quy định về thẩm quyền phê duyệt điều lệ và các chức danh lãnh đạo; mô hình tổ chức; trình tự, thủ tục đầu tư; việc chào bán chứng khoán riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng; hoạt động niêm yết của tổ chức tín dụng; thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán...
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đối chiếu với quy định tại các luật liên quan như: Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Doanh nghiệp, Luật Các tổ chức tín dụng; Luật Cạnh tranh; Luật Đầu tư... nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Trong số nhiều nhóm chính sách lớn được cơ quan soạn thảo đề xuất trong lần sửa Luật Chứng khoán này, thì hiện còn nhiều nội dung có ý kiến khác nhau.
Cụ thể như: Ủy ban chứng khoán Nhà nước nên nâng lên là cơ quan thuộc Chính phủ hay vẫn thuộc Bộ Tài chính như hiện tại; cách nào khả thi để nới room cho nhà đầu tư nước ngoài gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam nên tổ chức và vận hành ra sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời đáp ứng được yêu cầu phát triển thị trường hiện đại... Việc tăng chế tài xử phạt có đảm bảo phù hợp với hệ thống quy định pháp luật hiện hành và có tính khả thi...
Các thành viên thị trường kỳ vọng, trong phiên thảo luận toàn thể tại hội trường chiều này, các đại biểu Quốc hội sẽ làm sáng tỏ những vấn đề lớn trên, để dự thảo luật khi được thông qua vào kỳ họp cuối năm nay đảm bảo tính khả thi, đồng thời tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng cho một giai đoạn phát triển mới của thị trường chứng khoán.