Chiến thuật lướt sóng của nhà đầu tư lớn

Chiến thuật lướt sóng của nhà đầu tư lớn

(ĐTCK-online) Các nhà đầu tư nhỏ lẻ cần chú ý một điều: sóng sẽ ngắn hơn và hiện tượng bán khống có thể tiếp diễn

CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên đăng ký vừa mua, vừa bán 5 triệu cổ phiếu SHS của CTCK Sài Gòn - Hà Nội. Đây là lượng cổ phiếu lớn, chiếm tỷ lệ 5% vốn của SHS. Mục đích thực hiện giao dịch theo thông báo của Thép Tiến Lên là cơ cấu danh mục đầu tư, giao dịch dự kiến thực hiện từ 19/9/2011 đến 18/11/2011.

Đọc thông báo trên, không ít nhà đầu tư cho rằng, Thép Tiến Lên đăng ký vừa mua, vừa bán cổ phiếu, nhưng thực chất là bán cổ phiếu, thoái vốn khỏi SHS như cách làm của nhiều cổ đông lớn đã thực hiện trước đây. Thép Tiến Lên đầu tư vào SHS với giá 16.000 đồng/CP, với thị giá của cổ phiếu SHS hiện nay khoảng 7.000 đồng/CP, thoái vốn toàn bộ khỏi SHS là công ty này đã chấp nhận thua lỗ một khoản lớn.

Tuy nhiên, tìm hiểu phía sau động thái này lại là thông tin khá thú vị. Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT Thép Tiến Lên cho biết, Công ty xác định khoản đầu tư vào SHS là dài hạn và giữ vững quan điểm là đối tác chiến lược lâu dài của SHS. Ông tin tưởng vào sự phát triển của một định chế tài chính có ngân hàng lớn đứng sau. SHS cũng đã hoàn thành bước đầu tái cơ cấu các khoản đầu tư và đang triển khai kế hoạch kinh doanh có tính khả thi cao. Tuy nhiên, diễn biến của TTCK hiện nay khiến các nhà đầu tư như Thép Tiến Lên phải năng động hơn, thay vì mua và nắm giữ cổ phiếu như trước kia.

Thép Tiến Lên đã trích dự phòng giảm giá cổ phiếu SHS ở mức giá 5.800 đồng/CP. Khi TTCK phần nào khởi sắc, thị giá cổ phiếu SHS tăng cao hơn mức giá trích lập trên, Thép Tiến Lên sẽ "lướt sóng" cổ phiếu, mục đích vẫn là nắm giữ đủ số lượng 5 triệu cổ phiếu SHS, nhưng có cơ hội dôi ra một số lượng tiền mặt nhất định. Tính đến cuối tháng 6/2011, riêng tại doanh nghiệp này, số tiền trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư tài chính là trên 200 tỷ đồng. Không chỉ với SHS, những danh mục cổ phiếu khác, Công ty đều xác định chiến thuật tương tự và ông Hà cho hay, doanh nghiệp đã kiếm được 30 - 40 tỷ đồng từ chiến thuật ấy.

Thấy gì qua động thái của những nhà đầu tư như Thép Tiến Lên? Lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chính của công ty này là gia công thép, cán thép đặc chủng (thép hình - PV), theo giải thích của ông Hà là Công ty không sản xuất lớn, vì thế ảnh hưởng từ những khó khăn do cắt giảm các công trình xây dựng và thị trường bất động sản đìu hiu không nhiều. Sức tiêu thụ sản phẩm chậm thì lợi nhuận thấp hơn. Song liệu Thép Tiến Lên có khả năng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm nay hay không? Câu trả lời phụ thuộc vào TTCK trong quý IV này diễn biến ra sao. Thị trường có sóng lên, sóng xuống, những nhà đầu tư như Thép Tiến Lên "chịu khó" giao dịch có thể thu được một khoản lợi nhuận kha khá.

Quan trọng hơn nữa là động thái chuyển hướng chiến thuật trong đầu tư tài chính của những doanh nghiệp như Thép Tiến Lên có thể khiến thị trường giao dịch sôi động hơn, có những phiên tăng, giảm xen kẽ, từ đó tạo hưng phấn cho các nhà đầu cơ tham gia giao dịch. Tuy vậy, theo các chuyên gia, đồng hành với những nhà đầu tư dạn dày kinh nghiệm và có tiềm lực về tài chính như thế, các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ cũng cần chú ý một điều: sóng sẽ ngắn hơn và hiện tượng bán khống có thể tiếp diễn.

VN-Index đang có những diễn biến khó phán đoán. Xu hướng tăng ngắn hạn chưa hoàn toàn bị phá vỡ, nhưng để duy trì đà đi lên, thị trường cần thêm những yếu tố khởi sắc rõ nét hơn trên phương diện kinh tế vĩ mô. Tuy CPI tháng 9 ở mức thấp, nhưng lo ngại về khả năng tăng giá điện kéo lạm phát tăng trở lại đang là yếu tố tác động đến tâm lý của nhiều nhà đầu tư.