Chiến lược “tăng trưởng xanh” ngành tài chính - ngân hàng

Chiến lược “tăng trưởng xanh” ngành tài chính - ngân hàng

(ĐTCK) Lộ trình các quy định về “ngân hàng xanh” và “tài chính xanh” đang được Ngân hàng nhà nước (NHNN), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan quản lý thiết lập.

Lộ trình này được đưa ra bàn luận trong hội thảo “Tài chính và ngân hàng xanh” do Tổ chức hợp tác phát triển GIZ (Đức) tổ chức tại Hà Nội ngày 25/6/2013.

“Ngân hàng xanh” chỉ các hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng khuyến khích các hoạt động vì môi trường như việc áp dụng tiêu chuẩn môi trường khi duyệt vốn vay hay cấp tín dụng ưu đãi cho dự án giảm CO2. “Tài chính xanh” chỉ việc tài trợ cho công nghệ, dự án, ngành sản xuất hay DN định hướng thân thiện môi trường.

Chiến lược “tăng trưởng xanh” ngành tài chính - ngân hàng ảnh 1

“NHNN đã và đang phối hợp với IFC để xây dựng văn bản quy định về quản lý rủi ro môi trường”, ông Cát Quang Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng, NHNN cho biết. Trong các quy định này có tiêu chí phải thẩm định rủi ro môi trường xã hội khi cấp tín dụng, đầu tư; nguyên tắc, tiêu chuẩn phân tích, đánh giá rủi ro môi trường xã hội khi thẩm định cấp tín dụng đầu tư cùng với cách thức quản lý rủi ro môi trường xã hội của các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài. NHNN đang dự thảo Thông tư quy định về quản lý rủi ro môi trường xã hội, chuẩn bị xin ý kiến dự thảo lần 1, xin ý kiến dự thảo lần 2 vào quý III/2013, hoàn thiện các thủ tục ban hành Thông tư vào quý IV/2013 hoặc quý I/2014.

Bên cạnh NHNN, một số cơ quan quản lý khác cũng đang đề xuất cụ thể các giải pháp để hướng ngành tài chính ngân hàng tới “Tăng trưởng xanh”. Ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, dự kiến đến năm 2014 - 2015 sẽ có quy định buộc DN tuân thủ về việc lập báo cáo bền vững, hoặc tích hợp trong báo cáo thường niên, thậm chí đưa báo cáo môi trường xã hội và quản trị DN trở thành một trong các tiêu chuẩn xét niêm yết cho các DN. Đến năm 2015 - 2017, khi Luật Chứng khoán sửa đổi lần 2 được ban hành, báo cáo môi trường xã hội và quản trị có thể trở thành một tiêu chuẩn niêm yết bắt buộc, kể từ thời điểm văn bản Luật có hiệu lực.

Chiến lược “Tăng trưởng xanh” đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành trong Chiến lược quốc gia cho giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn tới năm 2050 hồi tháng 9/2012. “Tài chính xanh” và “Ngân hàng xanh” thực tế là một bộ phận của “Tăng trưởng xanh”, tuy nhiên khái niệm này vẫn còn rất lạ lẫm đối với ngành tài chính - ngân hàng hiện nay.

Khảo sát tháng 6/2012 do NHNN tiến hành trên 54 NHTM cho thấy, 91% thừa nhận chưa có chính sách phát triển xanh, 35% ngân hàng chưa từng biết đến khái niệm về “các vấn đề về môi trường, xã hội”. Cũng theo phản hồi của các ngân hàng, 89% cho rằng, hiện vẫn thiếu văn bản quy định của NHNN về quản lý môi trường xã hội trong ngành tài chính.

Tuy nhiên, gần đây, khái niệm này được nhắc đến và thực thi nhiều hơn trong ngành tài chính - ngân hàng. Các động thái hướng ngành tài chính - ngân hàng vào tăng trưởng xanh diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang rất thiếu nguồn tài chính cho tăng trưởng xanh, trong khi đó ngành tài chính - ngân hàng theo thông lệ quốc tế được kỳ vọng sẽ đóng góp quan trọng cho chiến lược này.

Ngoài sự mới mẻ của khái niệm phát triển xanh trong ngành tài chính - ngân hàng, các chuyên gia cho rằng, việc thuyết phục các NHTM cung ứng sản phẩm và dịch vụ tài chính xanh là không hề dễ dàng, do tính rủi ro và chi phí khi đầu tư vào các dự án xanh thường cao hơn các dự án thông thường khác. Trong khi đó, các DN Việt Nam chủ yếu nhỏ và vừa và năng lực tài chính yếu, còn các NHTM Việt Nam hiện nay hầu như chưa đủ năng lực để cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính xanh.

Dù là một khái niệm mới và khả năng thực thi còn mong manh, nhưng theo PGS. TS. Nguyễn Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, NHNN, dựa trên kinh nghiệm quốc tế, để thực thi chiến lượng "tăng trưởng xanh" rất cần sự đồng thuận xã hội và sự phối hợp giữa các bộ, ngành, nhằm cân bằng về mặt lợi ích bảo vệ môi trường và nhu cầu tăng trưởng kinh tế.

"Đối với các quốc gia mới nổi như Việt Nam, trong điều kiện ngân sách còn eo hẹp và khó khăn, thì vai trò của tài chính và ngân hàng xanh có ý nghĩa hết sức quan trọng và phải được sự tham gia ngay từ đầu của các thành phần trong xã hội, bên cạnh các công cụ về chính sách thuế và chính sách tài khóa", PGS. TS Nguyễn Kim Anh nói.