Vừa qua, Dragon Capital (DC) trở thành cổ đông lớn của nhiều công ty như KDH, HDG, KBC, HSG, SAM, JVC... Đây có phải là những mã mới hoàn toàn trong danh mục đầu tư?
Phần lớn cổ phiếu DC mua vào và trở thành cổ đông lớn trong thời gian gần đây chưa có trong danh mục trước đó, tập trung vào ngành bất động sản và xây dựng, sản xuất công nghiệp, thiết bị và dịch vụ y tế. Hầu hết các cổ phiếu này có mức vốn hoá trung bình, hưởng lợi từ chu kỳ phục hồi kinh tế, được dự báo có mức tăng trưởng lợi nhuận cao trong thời gian tới và đang giao dịch với mức định giá P/RNAV và PER khá hấp dẫn.
Chúng tôi tái phân bổ một phần vốn từ cổ phiếu vốn hoá lớn sang nhóm cổ phiếu vốn hoá trung bình do các cổ phiếu vốn hoá lớn, đặc biệt là các cổ phiếu còn “room” nước ngoài đã tăng giá mạnh trong thời gian dài nên không còn rẻ và trở nên kém hấp dẫn. DC cũng rất quan tâm đến chương trình cổ phần hoá và IPO mà gần đây đã sôi động trở lại. Quyết định 51/2014/QĐ-TTg buộc DNNN cổ phần hoá đủ điều kiện phải niêm yết trong vòng 1 năm giúp chương trình cổ phần hoá hấp dẫn hơn do rủi ro thanh khoản giảm.
Thời điểm các quỹ của DC giải ngân thì giá các cổ phiếu này đều đã tăng khá nhiều so với đầu năm, thậm chí có cổ đông lớn tính đến việc thoái vốn. DC có lo ngại về điều này?
Mặc dù tăng khá nhiều so với đầu năm, nhưng giá các cổ phiếu này vẫn còn rất thấp so với thành tích đã đạt được trong quá khứ. Đây là các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành mang tính chu kỳ kinh tế cao, khi kinh tế phục hồi, lợi nhuận sẽ tăng mạnh, khiến định giá cổ phiếu dựa vào thu nhập tương lai trở nên hấp dẫn.
Các doanh nghiệp chúng tôi tham gia gần đây có mức vốn hoá không lớn nên giá trị giao dịch mỗi ngày không nhiều, mất thời gian để mua được đủ số lượng cần mua. Do đó, khi DC trở thành cổ đông lớn là lúc chúng tôi đã mua được khá nhiều cổ phiếu so với mục tiêu đầu tư, với các mức giá hợp lý. Các khoản đầu tư này đã tạo ra mức tăng trưởng giá trị tài sản ròng (NAV) đáng kể cho quỹ và vẫn còn nhiều tiềm năng tăng giá trong tương lai.
TTCK đang có diễn biến “giằng co”. DC nhận định thế nào về triển vọng của thị trường trong vòng một năm tới?
Chúng tôi lạc quan vào triển vọng kinh tế và TTCK trong thời gian tới. Việc Chính phủ chuyển đổi mô hình kinh tế từ ưu tiên tăng trưởng GDP sang ổn định vĩ mô trong những năm qua cho thấy đây là một quyết sách đúng đắn, tạo niềm tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh. Trong khi đó, Việt Nam được hưởng lợi từ vị thế địa chính trị do những thay đổi chính trị và chính sách đối ngoại của khu vực và thế giới. Đặc biệt, chương trình cổ phần hoá được đẩy mạnh sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới và thu hút dòng vốn đầu tư vào các DNNN cổ phần hoá. Đây là nền tảng tương đối vững chắc cho TTCK phát triển.
Về mặt điểm số, có thể thị trường không tăng nhiều, nhưng sẽ có sự phân hoá mạnh giữa các nhóm cổ phiếu. Chúng tôi tin tưởng vào đà phục hồi của ngành bất đồng sản. Ngành ngân hàng cũng sẽ phục hồi trong năm 2015.
Ông có thể nêu rõ hơn về cơ sở của nhận định trên?
Chỉ số PMI của ngành sản xuất đạt trên 50 điểm trong một thời gian dài và tăng lên 52,1 điểm trong tháng 11/2014, mức cao nhất kể từ tháng 4 năm nay. Dòng vốn FDI vào Việt Nam duy trì ở mức cao. Dự kiến, năm 2014, Việt Nam xuất siêu khoảng 1,5 tỷ USD và là năm thứ 4 liên tiếp có thặng dư thương mại. Thị trường bất động sản phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là bất động sản nhà ở và khu công nghiệp.
Nhiều dự án ở vị trí thuận lợi, với hạ tầng giao thông tốt của các chủ đầu tư uy tín được tiêu thụ rất mạnh trong thời gian qua và giá bất động sản bắt đầu tăng trở lại. Các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác như GDP, lạm phát, kiều hối, cán cân thanh toán tổng thể, tỷ giá, lãi suất… đều được duy trì ở mức tương đối tốt. Đây là môi trường khá thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, sức mua sẽ tăng trở lại và nhà đầu tư yên tâm khi đầu tư vào TTCK.
Mức lãi suất hiện nay đã ở đáy hay chưa, theo đánh giá của ông?
Lạm phát của Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong 10 năm qua. Thế giới đang phải đối chọi với thời đại giảm phát và hàng loạt chương trình nới lỏng định lượng (QE), kích thích kinh tế đã được đưa ra để nâng mức lạm phát mục tiêu. Cho nên, lạm phát thấp ở Việt Nam cũng không có gì lạ, đặc biệt là khi Chính phủ ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô.
Lạm phát thấp tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm trần lãi suất huy động xuống 5,5%/năm, đây là mức thấp kỷ lục, giúp kích thích tăng trưởng tín dụng, qua đó đẩy mạnh quá trình phục hồi kinh tế.
Chính phủ vừa đưa ra mức lạm phát mục tiêu cho năm 2015 là 5%, mức lạm phát này cho thấy Chính phủ sẽ nới lỏng một cách thận trọng chính sách tiền tệ trong thời gian tới. Do đó, tôi nghĩ rằng, lãi suất huy động hiện nay đang ở vùng đáy và khó có thể giảm thêm nhiều. Tuy nhiên, lãi suất cho vay vẫn có khả năng giảm tiếp, sau khi ngân hàng tái cơ cấu và xử lý cơ bản nợ xấu, sau đó lãi suất sẽ ổn định và tăng trở lại.