Năm 2020, VNM đặt kế hoạch doanh thu 59.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 10.690 tỷ đồng, tăng trưởng nhẹ 5,7% và 1% so với thực hiện năm 2019.
Trong dự thảo tờ trình Ðại hội, năm nay, VNM đặt chiến lược kinh doanh trở thành công ty sữa tạo ra nhiều giá trị nhất tại Ðông Nam Á bằng việc sẵn sàng cho các hoạt động M&A và mở rộng mối quan hệ hợp tác với các đối tác theo cả ba hướng tích hợp ngang, tích hợp dọc và kết hợp.
Theo đó, Công ty sẽ ưu tiên tìm kiếm các cơ hội M&A với các công ty sữa tại các quốc gia khác với mục tiêu mở rộng thị trường và tăng doanh số; tiếp tục thâm nhập các thị trường xuất khẩu mới với chiến lược chuyển đổi mô hình xuất khẩu hàng hoá truyền thống sang các hình thức hợp tác sâu với các đối tác phân phối tại các thị trường trọng điểm mới.
Bên cạnh chiến lược mở rộng thị trường xuất khẩu, VNM dự kiến mở rộng ngành nghề kinh doanh, với việc tham gia ngành mới là sản xuất đường, phục vụ đồ ăn, phân phối bán lẻ túi, hộp, thùng và các loại bao bì khác…
Như vậy, có thể thấy, chiến lược phát triển theo chiều dọc và tham vọng muốn khép kín hoạt động kinh doanh của VNM.
Với những tham vọng như vậy, có nhiều vấn đề giới đầu tư trông chờ Ban lãnh đạo VNM làm rõ tại Ðại hội đồng cổ đông để có thể hiểu hơn về chiến lược phát triển, định hướng hoạt động của Công ty.
Thứ nhất, được biết, tháng 9/2019, VNM đã tổ chức chương trình ra mắt sản phẩm tại Trung Quốc.
Sự kiện này giúp sữa chua của VNM lên kệ siêu thị thông minh Hema tại Trung Quốc. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 làm hoạt động giao thương giữa nước ta và Trung Quốc bị hạn chế và việc mở cửa trở lại từ tháng 5 chỉ thực hiện một phần và chưa khôi phục giống trước khi có dịch.
Ðiều này ảnh hưởng như thế nào tới tham vọng đưa cơ cấu xuất khẩu sữa lên mức 25% trong giai đoạn 2021 - 2022 của VNM?
Việc tiêu thụ sữa tại thị trường Trung Quốc kể từ tháng 9/2019 tới nay như thế nào? Doanh nghiệp có ý định thực hiện thương vụ M&A nào tại Trung Quốc cũng như đã có những đối tác phân phối chiến lược nào tại thị trường này?
Thứ hai, tính tới 31/3/2020, VNM đang sở hữu 15.900 tỷ đồng tiền mặt, tiền gửi ngân hàng kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài, chiếm 34,5% tổng tài sản của doanh nghiệp.
Khoản tiền mặt này rất lớn, có thể phục vụ doanh nghiệp thực hiện chiến lược M&A theo chiều dọc, ngang hoặc hợp tác để bổ sung đà tăng trưởng.
Sau khi chi phối thành công CTCP GTNFoods, VNM dự kiến năm 2020 sẽ dành ngân sách khoảng bao nhiêu để thực hiện M&A?
Việc doanh nghiệp thực hiện chiến lược M&A để tăng doanh số sẽ kèm thêm chi phí trong tương lai, trong báo cáo năm 2019, lợi thế thương mại đã tăng từ 538,3 tỷ đồng lên mức 2.366,1 tỷ đồng.
Theo quy định kế toán hiện hành, lợi thế thương mại là chi phí và phải khấu hao trong vòng 10 năm. Như vậy, nếu doanh nghiệp thực hiện chiến lược đẩy mạnh M&A có tác động tới chi phí sẽ tăng và bằng cách nào khống chế được tốc độ tăng của lợi thế thương mại?
Thứ ba, doanh nghiệp bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh là sản xuất đường, đây có phải là dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp sẽ sản xuất đường trong thời gian tới? Ðể tiến hành sản xuất, doanh nghiệp sẽ thực hiện M&A một nhà sản xuất đường hiện hữu hay sẽ thực hiện đầu tư mới hoàn toàn?
Ngành đường trong nước được nhận định đang gặp nhiều thách thức khi Việt Nam bãi bỏ thuế quan với đường nhập khẩu theo Hiệp định ATIGA,vậy việc VNM tham gia vào ngành sản xuất đường sẽ có lợi thế nào so với các doanh nghiệp hiện hữu?
Có thể thấy, VNM đang từng bước thực hiện chuỗi kinh doanh khép kín để có thể vươn mình ra thế giới, thay vì giới hạn tại Việt Nam như trước đây.
Tuy nhiên, thời điểm bắt đầu chuyển hướng thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc, VNM lại không may gặp đại dịch Covid-19.
Chưa rõ khi nào thì chuỗi cung ứng toàn cầu có thể khôi phục lại bởi việc hạn chế đi lại xuyên biên giới sẽ còn duy trì cho tới khi có vắc xin và đây sẽ là thách thức lớn đối với chiến lược tăng tỷ trọng xuất khẩu lên 25% trong 2021 - 2022 của VNM.