Trước khi Tập đoàn Viettel ký hợp đồng liên doanh và sau đó được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông tại Myanmar, Hoàng Anh Gia Lai là công ty Việt Nam có số vốn đầu tư lớn nhất tại quốc gia này (khoảng hơn 400 triệu USD).
Khi Tập đoàn Viễn thông Quân đội nhận giấy phép đầu tư và chuẩn bị cung cấp dịch vụ viễn thông, thế giới tiếp tục nhìn thấy một hình ảnh mới về đầu tư nước ngoài vào Myanmar đến từ Việt Nam.
Hình ảnh mới đó không đơn thuần đến từ con số gần 1,5 tỷ USD của dự án Mytel (tên thương hiệu của liên doanh với 2 công ty Myanmar với Viettel góp 49%) mà đến từ sự thay đổi hạ tầng viễn thông của quốc gia này.
Chỉ mới nhận giấy phép đầu năm 2017 nhưng dự án đã thực hiện đầu tư phủ sóng di động và xây dựng hệ thống cáp quang rộng khắp đất nước Myanamar.
Theo dự kiến, đầu tư hạ tầng sẽ hoàn tất chỉ sau 1 năm, với gần 7.200 trạm thu phát sóng di động, phủ sóng tới 90% dân số Myanamar, và 33.000km cáp quang. Với số lượng cáp quang này, Mytel sẽ trở thành công ty có mạng cáp quang lớn nhất Myanmar, gấp 2 lần đối thủ lớn nhất.
Mytel cũng triển khai mạng cáp quang cổng kết nối quốc tế qua Lào và Thái Lan về Việt Nam. Việc kết nối với Việt Nam – quốc gia có tới 10 đường cáp quang quốc tế.
Đây là điều rất có ý nghĩa đối với Myanmar. Quốc gia này hiện nay chủ yếu là dùng cáp đồng và viba, tỷ lệ cáp quang thấp, chỉ đạt dưới 1.000 km/triệu dân; nhưng với mạng cáp của liên doanh mới, tỷ lệ này tăng lên 50%.
Ông Nguyễn Thanh Nam, Tổng giám đốc Mytel cho biết, khi khai trương, Mytel dự kiến là nhà mạng có hạ tầng lớn nhất Myanmar.
Mytel – dự án viễn thông của Tập đoàn Viettel, đưa Việt Nam lên vị trí số 2 trong các nước ASEAN đầu tư vào Myanmar, và đứng thứ 7 trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại quốc gia này.
Dịp này, Mytel cũng bắt đầu cung cấp dịch vụ cho thuê kênh (dịch vụ viễn thông đầu tiên Viettel cung cấp tại đây). Ông Nguyễn Thanh Nam cho biết: “ Mytel sẽ góp phần làm giảm giá dịch vụ này, vốn đang có giá rất cao”.
Theo dự kiến, trong quý I/2018, doanh nghiệp của Viettel sẽ khai trương dịch vụ di động, chỉ sau 1 năm từ ngày nhận giấy phép viễn thông.
Với tiến độ này, Mytel trở thành thị trường có tốc độ triển khai xây dựng hạ tầng và đưa vào kinh doanh nhanh nhất trong tổng số 10 thị trường nước ngoài của Viettel.
“Qua 10 năm đi đầu tư nước ngoài, đội ngũ cán bộ, quản lý, kỹ sư của Viettel ngày càng tích luỹ được nhiều kinh nghiệm, tinh nhuệ hơn và quy trình ngày càng hoàn thiện hơn nên việc xây dựng hạ tầng tại Myanmar được tiến hành thần tốc” ông Nguyễn Thanh Nam nói.
Người đứng đầu dự án của Viettel tại Myanmar cũng bày tỏ quyết tâm sẽ khai trương dịch vụ di động đúng dự kiến để thể hiện rõ quyết tâm xây dựng một mạng viễn thông mạnh, biểu trưng có mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Myanmar ở một vị thế mới.
Hiện tại, Mytel cũng là dự án ở thị trường nước ngoài thứ 10 và lớn nhất của Viettel, với quy mô dân số gần 60 triệu người. Myanmar cũng là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng lớn nhất trong tất cả các thị trường nước ngoài của Viettel tính đến nay.
Nếu tính cả Việt Nam, Viettel đã đầu tư và kinh doanh tại 40% quốc gia thành viên ASEAN.
Hiện thị trường viễn thông Myanmar có 3 nhà mạng: nhà mạng thuộc sở hữu của Nhà nước là MPT – chiếm 42% thị phần cùng với 2 nhà mạng nước ngoài là Telenor của Nauy (35%) và Ooredoo của Qatar (23%). Mytel là nhà mạng thứ 4 và chuẩn bị khai trương.
Trong số các hãng viễn thông tại Myanmar, Mytel là mạng di động đầu tiên được đầu tư bằng công nghệ hiện đại nhất đi thẳng lên công nghệ 4G và cũng là mạng đầu tiên trên thế giới thực hiện điều này.
“Khi Mytel chính thức cung cấp dịch vụ di động, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai chính sách gọi giữa các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar là như nhau, như đã triển khai rất thành công giữa Việt Nam-Lào-Campuchia.
Điều này thể hiện tính chủ động, tích cực và trách nhiệm của Việt Nam cũng như Viettel trong công cuộc xây dựng cộng đồng ASEAN vững mạnh”, ông Nguyễn Thanh Nam, Tổng giám đốc Mytel nhấn mạnh.
Ngoài việc làm thay đổi hạ tầng viễn thông Myanmar, dự án của Viettel còn là dự án đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của nhà mạng Việt cho một thị trường nước ngoài và cũng là dự án đầu tư có quy mô lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam vào Myanmar.
Với dự án này, Việt Nam vươn lên đứng thứ 7 trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Myanmar và là nhà đầu tư lớn thứ 2 của khu vực ASEAN tại đây.
Chỉ riêng dự án của Viettel đã chiếm tới 66% tổng số vốn của các doanh nghiệp Việt Nam rót vào Myanmar, phần còn lại thuộc về Hoàng Anh Gia Lai, BIDV, C.T Group, FPT, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam…
Đánh giá về “làn sóng” đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam vào Myanmar, ông Aung Naing Oo, Thư ký Uỷ ban đầu tư Myanmar đưa ra nhận xét về dự án trọng điểm nhất – Mytel: “Viettel đóng góp rất lớn vào lĩnh vực viễn thông tại Myanmar và Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng hơn tại Myanmar trong đầu tư trực tiếp từ nước ngoài”.