Với mục đích tăng cường, thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản trên nền tảng quan hệ Đối tác Chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng châu Á, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa có chuyến công tác kéo dài một tuần tại Nhật Bản (từ ngày 8-15/4/2017).
Chuyến đi được thực hiện vào đúng thời điểm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang ở giai đoạn hết sức tốt đẹp, cùng nhau phát triển, có tính bổ sung, dựa vào lợi thế của mỗi bên.
Đây cũng là cơ hội để hai bên cùng nhau phối hợp đón làn sóng đầu tư mới của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam, để doanh nghiệp Nhật Bản luôn nghĩ về Việt Nam là điểm đến đầu tiên khi xúc tiến, triển khai các hoạt động kinh doanh tại nước ngoài.
Chia sẻ tầm nhìn
Chuyến thăm Nhật Bản của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã “kết thúc tốt đẹp”. Bởi tất cả các mục tiêu đề ra trước chuyến đi - đó là nhằm tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế dựa trên nền tảng quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản - đã được hiện thực hóa.
Thành công ấy có lẽ được ghi nhận ngay từ lịch làm việc dày đặc của chuyến thăm Nhật Bản của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. Từ đi thăm các tỉnh Hokkaido, Aichi và Tokyo, rồi làm việc với Bộ trưởng các Bộ Ngoại giao (MOFA); Kinh tế, Công nghiệp, Thương mại (METI); Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch (MLIT), và gặp gỡ Chủ tịch các tổ chức JICA, JETRO, cũng như Chủ tịch Liên minh Nghị sỹ Hữu nghị Nhật - Việt và Chủ tịch các hiệp hội JCCI; Keidanren; Chukeiren…
Đi tới đâu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã được tiếp đón nồng hậu. Thậm chí, tới Hokkaido, chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công tác tại Nhật Bản vào thời điểm cuối tuần (ngày 8-9/4, tức thứ Bảy và Chủ nhận tuần trước), nhưng Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt. Đông đảo lãnh đạo và doanh nghiệp Hokkaido đã tham dự các cuộc gặp, cũng như diễn đàn doanh nghiệp tại đây.
Chúng tôi sẽ luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, sẵn sàng hợp tác để hỗ trợ tích cực, hiệu quả hơn nhằm đón đầu làn sóng đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam
- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng
Và một điểm chung quan trọng khác, đó là dù ở Aichi, Hokkaido hay Tokyo, dù gặp Bộ trưởng Bộ METI hay MOFA, dù là thảo luận cùng Chủ tịch Keidanren hay JCCI, thì cả hai bên đều thống nhất hướng tới một tầm nhìn chung là làm sao thúc đẩy làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản vào Việt Nam, trên nền tảng niềm tin chiến lược đã được thiết lập giữa hai nước.
Tại Hokkaido, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và bà Harumi TAKAHASHI, Thống đốc Hokkaido đã thống nhất rằng, Hokkaido và Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, thủy sản, du lịch... Để thúc đẩy hợp tác, hai bên đã đồng thuận đề xuất các cấp có thẩm quyền nghiên cứu mở đường bay thẳng giữa Sapporo và các điểm đến Việt Nam. Kế hoạch trao đổi, tiến tới ký biên bản ghi nhớ (MOU) giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Hokkaido về tăng cường hợp tác kinh tế vào thời điểm bà Thống đốc sang công tác tại Việt Nam (khoảng tháng 8/2017) cũng đã được thống nhất.
Tại Hokaido, với sự hỗ trợ tích cực của cá nhân ông Tsutomu Takebe, nguyên Chủ tịch Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam, người đã có những đóng góp to lớn trong thúc đẩy đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tham dự, chủ trì Tọa đàm trong các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và chế biến thực phẩm với doanh nghiệp tỉnh Hokkaido.
Tại Aichi, ông Hideaki Omura, Thống đốc tỉnh Aichi đánh giá cao việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thiết lập bộ phận Aichi Support Desk tại Bộ để hỗ trợ các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Aichi tại Việt Nam. Hiện tại, đã có khoảng 140 dự án đầu tư từ Aichi vào Việt Nam và Thống đốc Hideaki Omura đã thống nhất rằng, cần thúc đẩy hơn nữa đầu tư từ Aichi sang Việt Nam.
Phát biểu tại buổi làm việc với Thống đốc Aichi, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh Aichi là vùng đất có tiềm năng lớn về công nghiệp hỗ trợ, do vậy đề nghị lãnh đạo tỉnh tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phụ trợ Aichi đầu tư tại Việt Nam.
Tôi tin tưởng rằng, hai nước sẽ nỗ lực xúc tiến các hoạt động cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp cận thị trường Việt Nam, đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam
- Ông Sakakibara,Chủ tịch Keidanren
Tại Tokyo, tại các cuộc tiếp xúc song phương, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng các Bộ MOFA, METI, MLIT, cũng như lãnh đạo các tổ chức JICA, JETRO, Keidanren… đều trao đổi và thống nhất các biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế - đầu tư - thương mại, cũng như nâng cao hiệu quả việc sử dụng nguồn vốn ODA. Cả hai bên cũng đều thống nhất rằng, quan hệ hai nước đang trong thời kỳ phát triển tốt đẹp nhất từ trước đến nay.
“Hai nước cần tăng cường hợp tác quan hệ kinh tế tương xứng với mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đã được hai nước xác định. Chúng tôi cũng đánh giá cao sự giúp đỡ hiệu quả của Chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam thông qua các dự án ODA, giúp Việt Nam hình thành một phần hạ tầng kinh tế cơ sở quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Tuy nhiên tới đây, phải làm sao nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA, thúc đẩy giải ngân nhanh và không để đội vốn đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh và cho biết, Việt Nam mong muốn cùng với Nhật Bản chia sẻ các tầm nhìn mới, định hướng mới, thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Đồng quan điểm này, ông Sakakibara, Chủ tịch Keidanren cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nhật Bản vẫn còn nhiều tiềm năng to lớn để hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.
“Tôi tin tưởng rằng, hai nước sẽ nỗ lực xúc tiến các hoạt động cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp cận thị trường Việt Nam, đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”, ông Sakakibara nói.
Trong cuộc gặp gỡ diễn ra tại Trụ sở của Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền, Chủ tịch Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật - Việt, Tổng thư ký LDP, ông Toshihiro Nikai cũng đã nhấn mạnh rằng, quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đang trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất từ trước đến nay, đồng thời bày tỏ mong muốn thúc đẩy các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Nhật Bản và Việt Nam.
Thúc đẩy hợp tác
Trong lịch làm việc dày đặc của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại Nhật Bản, một phần thời gian khá lớn ông đã dành tham dự các diễn đàn doanh nghiệp ở Aichi, Tokyo, cũng như đến thăm các tập đoàn lớn của Nhật Bản đã và đang đầu tư tại Việt Nam.
Và một trong những lịch trình đó, là Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Toyota.
Tại buổi làm việc, hai bên đã cùng nhau đánh giá lại hoạt động của Tập đoàn Toyota cũng như xu hướng ngành công nghiệp ô tô trong thời gian qua. Đồng thời, chia sẻ tầm nhìn mới trong thời gian tới và xem xét khả năng hợp tác lâu dài để phát triển ngành công nghiệp ô tô và thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực sản xuất phụ tùng, linh kiện ô tô để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Tập đoàn Toyota trong ngành công nghiệp ô tô giai đoạn tới.
Trao đổi với các doanh nghiệp Chukeiren hoạt động ở lĩnh vực sản xuất linh kiện ô tô, Bộ trưởng cũng đề nghị các doanh nghiệp nghiên cứu, giảm chi phí sản xuất ôtô tại Việt Nam, đồng thời tăng cường nội địa hóa, hợp tác với các doanh nghiệp đủ điều kiện của Việt Nam.
Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Mekong - Nhật Bản, JCCI hy vọng Việt Nam sẽ trở thành điểm đầu tư lý tưởng, khi các doanh nghiệp thành viên có xu hướng mở rộng đầu tư ra nước ngoài. JCCI dự kiến kợp tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hàng năm tổ chức đoàn doanh nghiệp sang Việt Nam, khảo sát môi trường đầu tư, đồng thời tổ chức đối thoại chính sách thường niên, nhằm thúc đẩy mạnh việc đầu tư của doanh nghiệp thành viên JCCI tại Việt Nam trong tương lai.
Bên cạnh đó, trong lịch trình làm việc của mình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã tới thăm và thảo luận các cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản khác, như Taisei, Marubeni, Itochu, Ngân hàng BTMU, rồi Sumitomo, IHI, Marubeni, Nidec, Sojitz, Kirin, JFE, Itochu… Phần lớn các doanh nghiệp đều đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam và khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Và một thông điệp quan trọng đã được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đó là Việt Nam luôn chào đón và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản tới đầu tư.
“Chúng tôi sẽ luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, sẵn sàng hợp tác để hỗ trợ tích cực, hiệu quả hơn nhằm đón đầu làn sóng đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam. Để doanh nghiệp Nhật Bản luôn nghĩ đến Việt Nam là điểm đến đầu tiên khi xúc tiến, triển khai các hoạt động kinh doanh tại nước ngoài”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Trong khi đó, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ MLIT, hai Bộ trưởng đã trao đổi một số nội dung về việc hợp tác đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng giao thông. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã đề nghị phía Nhật Bản tiếp tục quan tâm hỗ trợ Việt Nam đầu tư các dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn thông qua việc tiếp tục hỗ trợ nguồn ODA và kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản tham gia đầu tư vào các dự án này nhằm giúp Việt Nam tiếp tục đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Hai Bộ trưởng cũng đã trao đổi về việc triển khai đầu tư một số dự án quan trọng trong thời gian tới như Sân bay Long Thành, đường sắt tốc độ cao, đường bộ cao tốc Bắc Nam…
Làm việc với METI, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh, cần thúc đẩy hợp tác quan hệ thương mại hai bên và đẩy mạnh sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản. Bộ trưởng đã đề nghị phía Nhật Bản hoàn tất các thủ tục liên quan đến dự án nhà máy điện Vũng Áng 2, Nghi Sơn 2 để sớm xem xét cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Tăng cường thúc đẩy các dự án ODA và phối hợp với Việt Nam để triển khai chiến lược công nghiệp hóa trong 6 ngành, lĩnh vực mà hai bên đã ký kết cũng là nội dung được hai Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tiếp tục lịch trình làm việc của mình tại Nhật Bản, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã có cuộc làm việc với JICA. Hai bên đã trao đổi trong bầu không khí thẳng thắn, hiểu biết lẫn nhau xoay quanh 3 trụ cột mà JICA đang tập trung hỗ trợ Việt Nam, bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng; ứng phó với biển đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; và tăng cường năng lực cho hệ thống hành chính.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các dự án cần giảm bớt điều kiện ràng buộc, mở rộng phạm vi đấu thầu để tăng tính cạnh tranh và hiệu quả. Đồng thời, các dự án cần rút ngắn thời gian triển khai để không làm phát sinh chi phí, đảm bảo hiệu quả dự án.
Bên cạnh đó, hai bên đã trao đổi về các dự án cụ thể mà cần phải nỗ lực hơn để thúc đẩy việc chuẩn bị, ký kết và thực hiện các dự án mới trong thời gian tới.
Trong khi đó, làm việc với JCCI, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đặc biệt khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực sản xuất linh kiện phụ trợ cho các ngành cơ khí, ô tô, xe máy, thiết bị công - nông nghiệp.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, bên cạnh mục tiêu theo đuổi lợi nhuận đơn thuần cần chú ý tới việc đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương để hiện thực hóa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng châu Á.