Các công ty gia đình nắm vai trò chủ chốt trong nền kinh tế. Ước tính, khu vực này chiếm khoảng 80% số lượng doanh nghiệp trên toàn cầu và là nơi sở hữu nguồn nhân viên dài hạn lớn nhất tại đa số các quốc gia trên thế giới.
Tại Mỹ, doanh nghiệp tư nhân tạo 78% việc làm mới mỗi năm, với 60% tổng số nhân lực trên thị trường. Trong khi đó, các công ty gia đình hiện chiếm tới 1/3 danh sách doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P 500, 40% trong số 250 công ty lớn nhất Pháp và Đức, hơn 60% doanh nghiệp lớn nhất tại Đông Á và châu Mỹ Latin.
Tuy nhiên, vấn đề thường gặp tại các công ty gia đình là những trục trặc trong quá trình chuyển giao quyền lực, tìm người kế thừa để tiếp tục dẫn dắt doanh nghiệp.
Theo Family Business Institute, chỉ 30% công ty gia đình tồn tại tới thế hệ thứ hai, 12% vẫn có thể tồn tại tới thế hệ thứ ba và chỉ 3% tổ chức kéo dài tới thế hệ thứ tư và hơn nữa. Ngay cả khi việc chuyển giao thế hệ diễn ra suôn sẻ, giá trị của doanh nghiệp cũng thường giảm mạnh khi thay đổi người lãnh đạo.
Joseph Fan, giáo sư tại Chinese University of Hong Kong, người theo dõi màn biểu diễn của 214 công ty gia đình tại Đài Loan, Hồng Kông và Singapore cho biết, ông nhận thấy giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này thường giảm tới 60% trong 8 năm quanh giai đoạn thay đổi CEO.
Tất nhiên, câu chuyện của số đông không phải là tất cả. Vẫn có những công ty truyền đạt được khả năng lãnh đạo bậc thầy qua các thế hệ, tiếp tục tăng trưởng không ngừng vào tạo nên những câu chuyện tuyệt vời. Đâu là chìa khóa cho những thành công này? Câu trả lời nằm ở văn hóa doanh nghiệp và phương pháp quản trị thức thời. Trong số đó, trường hợp điển hình nhất phải kể tới là Walmart và Ford.
(Công ty gia đình được định nghĩa như sau: Một công ty tư nhân là công ty gia đình nếu gia đình đó kiểm soát hơn 50% quyền biểu quyết. Một công ty đã niêm yết là công ty gia đình nếu gia đình đó chiếm ít nhất 32% quyền biểu quyết).
Walmart - Trung thành với giá trị cốt lõi
Ngày nay, Walmart đang phát triển với định hướng: “Tiết kiệm tiền cho mọi người để họ có cuộc sống tốt hơn”. Phương châm này không hề mới lạ, bởi nó đã gắn bó với doanh nghiệp ngay từ ngày đầu tiên Sam Walton mở một cửa hàng giảm giá tại Rogers, bang Arkansas năm 1962.
Hiện tại, Walmart đã trở thành thương hiệu toàn cầu, phục vụ 260 triệu khách hàng mỗi tuần tại 11.5000 cửa hàng ở 28 quốc gia và mạng lưới mua sắm online tại thêm 11 quốc gia nữa. Qua 6 thập kỷ tăng trưởng và mở rộng, Công ty vẫn giữ mục tiêu của Walton “giá rẻ mỗi ngày”, cùng với triết lý rằng, Walmart là một trong những tổ chức mang đến điều khác biệt cho nhân viên và khách hàng của mình.
Sam Walton, người sáng lập Công ty nổi tiếng với câu nói: "Chỉ có duy nhất một ông chủ, đó là khách hàng. Anh ta có thể sa thải bất cứ ai, từ chủ tịch tới nhân viên, bằng cách tiêu tiền ở nơi khác". Chính vì vậy, phía dưới bảng hiệu của Walmart luôn có 2 dòng chữ thể hiện phương châm làm việc của ông vua bán lẻ tại Mỹ: “Chúng tôi bán với giá thấp hơn” và “Đảm bảo thỏa mãn khách hàng”.
Bên cạnh văn hóa lấy khách hàng làm trung tâm, Walmart còn xây dựng được văn hóa doanh nghiệp coi trọng nhân viên, coi đây là một cộng đồng có đóng góp to lớn vào thành công của Công ty. Với sự lãnh đạo cứng rắn và tập trung, Sam Walton, tiếp sau đó là con trai ông - S. Robson Walton đã cam kết rằng, tại Walmart, tiếng nói của mỗi nhân viên đều quan trọng, có vai trò lớn trong việc đẩy mạnh hoạt động kinh doanh.
“Hãy lắng nghe nhân viên của mình, họ là những người đóng góp các ý tưởng tuyệt vời nhất”, Sam Walton nói.
Thực tế đã chứng minh điều này, khi Walmart được biết đến rộng rãi hơn ở vị trí người tiên phong với phát triển bền vững trong những năm gần đây, một số sáng kiến giúp Công ty sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, giảm rác thải đều được đóng góp từ các nhân viên.
Văn hóa doanh nghiệp của Walmart đã được lan tỏa trong cộng đồng lên tới 2,2 triệu người, đồng thời, những con người này đã đưa mục tiêu của Công ty trở thành sự thật: Kiên định với việc mang tới cho khách hàng những trải nghiệm đặc biệt.
Sau khi Sam Walton qua đời vào năm 1992, con trai cả của ông là S. Robson Walton đã kế nghiệp vị trí Chủ tịch Walmart và điều hành Công ty trong 23 năm, trước khi nghỉ hưu vào tháng 6/2015, nhường ghế cho con rể là Greg Penner. Hiện S. Robson Walton vẫn là thành viên Hội đồng quản trị.
Robson Walton được xem là một phiên bản hoàn hảo của Sam Walton: Một doanh nhân với đời sống kín tiếng, nhưng chứa đầy nhiệt huyết bên trong vẻ ngoài giản dị. Giữ nhiệm vụ là Chủ tịch Walmart, chăm sóc khối tài sản của gia đình, Robson ít khi xuất hiện trước truyền thông, nhưng liên tục theo sát hoạt động tại các cửa hàng, kiên định với phương châm khách hàng và nhân viên là trên hết.
Mọi văn phòng của Walmart đều nhỏ, nhưng văn phòng của Rob Walton tại trụ sở chính Walmart là nhỏ nhất. Theo ông, điều này gửi đi thông điệp rằng, ngay cả con trai của người sáng lập cũng không được đối đãi đặc biệt hơn các nhân viên khác.
Văn hóa doanh nghiệp mạnh là nền tảng biến một công ty tốt thành công ty tuyệt vời. Đây cũng chính là chìa khóa mở ra cánh cửa thành công của Walmart. Các chiến lược gia tin rằng, Công ty sở hữu văn hóa riêng biệt, khiến nhân viên tin rằng mình thuộc về nơi này và nhiệt tình cống hiến.
Ford - Phương thức quản trị thức thời
Ford Motor Company không chỉ là một biểu tượng công nghiệp của thế giới, mà còn là một trong những trường hợp thành công nhất của công ty gia đình. Với 5 thế hệ nhà Ford đã hợp sức tạo nên thành công của hãng, bao gồm William Clay Ford Jr - Chủ tịch Ford hiện tại, gia đình này đã làm nên điều hiếm có thể xảy ra, đó là giữ gìn và phát huy sức mạnh của công ty qua hơn 3 thế hệ.
Vậy bằng cách nào gia đình Ford đã giữ được vị thế là một trong những công ty sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới trong 114 năm qua? Câu trả lời nằm tại kết cấu quản trị lai giữa doanh nghiệp tư nhân và công ty đại chúng, xứng đáng trở thành mẫu hình cho mọi công ty gia đình lớn trên toàn cầu.
Ford được đặt tên theo người sáng lập Henry Ford - vốn nổi tiếng trong lịch sử Mỹ vì vai trò tạo nên cuộc cách mạng tại ngành công nghiệp ô tô. Ford Motor thực chất không phải công ty xe hơi đầu tiên của Henry Ford, mà là công ty thứ ba, nhưng nó vẫn được thúc đẩy bởi tầm nhìn của vị chủ tịch ngay từ năm 1913.
“Tôi sẽ xây dựng một chiếc ô tô với nhiều chức năng tuyệt vời. Nó đủ rộng cho một gia đình, nhưng vẫn phù hợp để cá nhân chạy và bảo dưỡng. Nó được xây dựng từ những nguyên liệu tốt nhất, bởi những người thợ tuyệt nhất có thể thuê, với thiết kế đơn giản và động cơ hiện đại. Không chỉ vậy, nó sẽ có mức giá thấp để mọi người đàn ông đi làm kiếm tiền đều có thể sở hữu một chiếc xe, tận hưởng cùng gia đình trong những giờ phút vui vẻ tại không gian thoải mái bậc nhất”.
Với tầm nhìn này, Model T - chiếc xe hơi rẻ, dễ lái hàng đầu thế giới, đồng thời là thiết kế nổi tiếng nhất của Ford đã ra đời. Năm 1908, một chiếc Model T chỉ có giá 825 USD (tương đương 21.760 USD ngày nay) và trong 10 năm sau khi trình làng, đây là mẫu xe khiến đa phần người Mỹ đều học lái.
Tuy nhiên, “cuộc cách mạng” của Ford không dừng lại ở đây. Ông đã gây choáng váng ngành công nghiệp trên toàn cầu khi trả lương gấp đôi cho những lao động có tay nghề. Mô hình này, hiện được gọi là “Phương pháp Ford - Fordism”, dựa trên nguyên tắc, một công ty có thể sản xuất số lượng lớn hàng hóa với chi phí thấp nếu công nhân được trả xứng đáng.
Ford đã có tầm nhìn trong việc đầu tư vào các công nhân lành nghề để nâng cao năng suất lao động, giảm thời gian và tiền bạc vào việc đào tạo, trong bối cảnh tiền lương của người lao động đang được cào bằng. Hình mẫu này sau đó đã trở thành nền móng cho việc mở rộng các ngành công nghiệp trên toàn cầu.
Sau nhiều năm làm việc, Ford đã trao lại Công ty cho người con trai duy nhất là Edsel năm 1919. Năm 1921, chỉ 2 năm sau khi Edsel nhận nhiệm vụ, một nửa số xe chạy trên đường nước Mỹ là mẫu Model T. 2 thập kỷ sau, Edsel đã hoàn thành nhiệm vụ trông nom Công ty với sự tăng trưởng vững chắc, trước khi đột ngột qua đời vì ung thư.
Khi đó, quyền lực được trao cho cháu trai người sáng lập là Henry Ford II năm 1945. 15 năm sau đó, Henry Ford II đã tiến hành cuộc tái cấu trúc lớn nhất trong lịch sử Công ty, hành động được đánh giá rằng đã giúp Ford vững mạnh tới tận hôm nay.
Năm 1956, Ford Motor Company trở thành công ty niêm yết, lần đầu tiên trong lịch sử không còn hoàn toàn thuộc về sở hữu của nhà Ford. Đây cũng là khởi đầu của cấu trúc quản trị được áp dụng cho tới ngày nay.
Cụ thể, gia đình Ford nắm tầm ảnh hưởng lớn thông qua cổ phiếu nhóm B có quyền “siêu biểu quyết”, bên cạnh việc kiểm soát 40% số cổ phiếu có quyền biểu quyết thông thường. Cấu trúc này cho phép gia đình Ford vẫn nắm giữ quyền kiểm soát cao nhất, nhưng không còn trực tiếp giám sát mọi hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp.
Phương thức quản trị mới kết hợp giữa gốc rễ gia đình và sự giám sát từ bên ngoài đã chứng minh hiệu quả, khi cho tới ngày nay, cái tên Ford vẫn hùng mạnh bậc nhất ngành công nghiệp ô tô.