Mấu chốt là “mở cửa - cải cách và sáng tạo”
Một cách thẳng thắn, ông Hà Chí Mai, Trưởng phòng Nghiên cứu chính sách của TP. Thâm Quyến (Trung Quốc) khi chia sẻ kinh nghiệm thành công của Thâm Quyến, một trong những đặc khu thành công nhất trên thế giới, cho biết, có thể đúc kết bằng 6 chữ: mở cửa - cải cách và sáng tạo. “6 chữ này cũng thể hiện các giai đoạn phát triển của Thâm Quyến”, ông Hà Chí Mai nói.
Phân tích kỹ hơn, ông Lưu Thắng, Trưởng ban Kinh tế - Thương mại và Thông tin Thâm Quyến cho biết, trong 38 năm phát triển, đặc khu Thâm Quyến trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau và mỗi giai đoạn lại có chính sách, phương cách phát triển khác nhau.
“Giai đoạn I, chúng tôi chưa có hạ tầng và nhân lực tốt, cũng chưa có tiền, nên lợi thế duy nhất là chính sách vượt trội và mục tiêu đặt ra là thu hút được nhiều nhà đầu tư, thu hút và đào tạo được nhân tài. Lúc này, chúng tôi thậm chí chấp nhận cả các doanh nghiệp gia công, chuyên cung cấp linh phụ kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài”. ông Lưu Thắng nói.
Ông này cho biết, giai đoạn II, sau khi có một số thành công và kinh nghiệm, đặc khu Thâm Quyến mới phát triển sôi động hơn, trong đó có sự phát triển của các công ty tư nhân Trung Quốc. Giai đoạn III, từ năm 1997 trở lại đây, mới bắt đầu chú trọng phát triển công nghệ cao, tự sản xuất, sáng tạo.
Không chỉ dừng lại ở “sáng tạo”, thông tin cho biết, ở Thâm Quyến, đang từng bước hình thành các ngành nghề theo xu hướng mới của thế giới. Trong đó, có 3 ngành nghề mang tính mũi nhọn là công nghệ cao, tài chính và logistics, chiếm trên 60% số lượng doanh nghiệp đang hoạt động tại đây.
“Nhờ sự chủ động, sáng tạo, trong khoảng 10 năm trở lại đây, chúng tôi có một số doanh nghiệp đã lọt top 50 doanh nghiệp lớn nhất thế giới, nhiều doanh nghiệp đủ năng lực để cạnh tranh toàn cầu”, ông Lưu Thắng nói.
Theo ông, yếu tố cốt lõi để làm nên thành công cho Thâm Quyến chính là bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu quả, được trao quyền và các chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư.
Đó là một thực tế. Ví như ông Lưu Thắng, chỉ một chức danh lãnh đạo, nhưng đảm nhận công việc của 5 - 6 đơn vị khác, nếu là ở thành phố khác.
Ở Khu hợp tác Tiền Hải, dù chỉ là “đặc khu trong đặc khu”, nhưng năm 2012, đã được chính quyền tỉnh Quảng Đông giao 147 thẩm quyền của tỉnh.
“Tất cả các quyền của Thâm Quyến, đặc khu Thâm Quyến, chúng tôi đều có, ví dụ được quy hoạch đất đai. Nếu gói gọn lại thì đó là chế độ ‘cao độ thụ quyền, phong kín vận hành’ (có nghĩa được trao quyền cao độ, nhưng chủ động vận hành)”, ông Vương Cẩm Hiệp, Phó trưởng ban Hợp tác Tiền Hải cho biết thêm.
Trong khi đó, các chính sách ưu đãi đầu tư vẫn tiếp tục được thực hiện, dù tới thời điểm này, sau gần 4 thập kỷ triển khai, nhiều ưu đãi đã bị thu hẹp, nhưng đó là với những ngành nghề không còn được ưu tiên phát triển.
Còn hiện tại, ngay như ở Tiền Hải, thuế thu nhập doanh nghiệp hay thuế thu nhập cá nhân đều được giảm, áp dụng ở mức khoảng 15%, thấp hơn so mới mức thuế phổ thông khoảng 3 điểm phần trăm.
“Điều quan trọng là chúng tôi rất coi trọng lợi ích của nhà đầu tư nước ngoài khi họ đến Thâm Quyến. Chúng tôi luôn cố gắng tạo môi trường pháp chế hóa, thị trường hóa tốt hơn, luôn lường trước tình huống có thể xảy ra để có chính sách phù hợp, chứ không để doanh nghiệp đi trong mơ hồ, sợ hãi”, ông Thắng chia sẻ kinh nghiệm.
Con đường nào cho Việt Nam?
Kinh nghiệm phát triển các đặc khu kinh tế ở nước ngoài là đáng quý. Nhưng các đặc khu khác đã phát triển trước hàng thập kỷ, bối cảnh kinh tế thế giới bây giờ cũng khác, đã là thời đại của thế giới phẳng, của cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Vậy con đường nên đi của Việt Nam là gì?
Đặt câu hỏi này với ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), một trong những người tham gia soạn thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, thì câu trả lời mà chúng tôi nhận được là, con đường phát triển đặc khu của Việt Nam phải là “đi tắt, đón đầu”.
Đi sau thì buộc phải tiến thẳng đến giai đoạn phát triển cao nhất, thông qua việc thực hiện các thể chế, chính sách vượt trội, đột phá.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dư luận đang rất quan tâm đến việc lựa chọn các ngành nghề ưu tiên phát triển tại đặc khu, bởi đây là một trong những điểm mấu chốt quyết định sự thành bại của các đặc khu.
“Quá trình lựa chọn ngành nghề ưu tiên phát triển, chúng tôi phải tiếp cận theo hướng lựa chọn các ngành nghề, lĩnh vực đang cạnh tranh và xu thế chuyển dịch trong làn sóng thứ 3 giữa các nước trên thế giới, như công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp 4.0, nghiên cứu - phát triển, khởi nghiệp sáng tạo, các dịch vụ về tài chính - thương mại quốc tế, vận tải biển, y tế, giáo dục - đào tạo…, đồng thời phải phù hợp với tiềm năng, lợi thế của các đặc khu…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Hiện tại, ngoài việc lựa chọn các ngành nghề ưu tiên, chuyện xây dựng thể chế, chính sách vượt trội, đột phá cũng được đặc biệt quan tâm. Trong đó, một trong những điều khoản nhận được sự quan tâm lớn của dư luận trong những ngày gần đây là có thể áp dụng thời hạn cho thuê đất lên tới 99 năm.
Về vấn đề này, bên hành lang Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, chuyện cho thuê đất 99 năm không phải là điểm mấu chốt của Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, mà là thể chế, chính sách.
“Dự án luật quy định, trong những trường hợp đặc biệt thì Thủ tướng quyết định việc này. Đương nhiên, trong những trường hợp đặc biệt đó, trước khi quyết định thì Thủ tướng phải xem xét, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền”, Thủ tướng nói và một lần nữa khẳng định, Việt Nam bây giờ mới làm đặc khu là chậm so với nhiều nước.
“Chúng ta thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, của Ban Chấp hành Trung ương và các chỉ đạo của Bộ Chính trị với chủ trương xây dựng đặc khu. Theo đó, dự án luật xây dựng các quy định về chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, để chúng ta có thể thực hiện thành công”, Thủ tướng nhấn mạnh.