Tại cuộc họp báo sáng 27/6 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nội dung về kết luận thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm của Thanh tra Chính phủ vừa được công bố đã được phóng viên đề cập.
"Các dự án BOT, BT phát sinh nhiều chuyện. Tuy sử dụng đất đai, tài sản công nhưng trong các hợp đồng đã ký kết lại có điều khoản bảo mật và các bên ký sẽ không tự tiện cung cấp thông tin. Trong khi đó, đã liên quan đến tài sản công thì dân cần phải biết. Trong Luật PPP (Đối tác công-tư) đang được soạn thảo có khắc phục được vấn đề này hay không?", phóng viên báo Pháp luật TP.HCM đặt vấn đề.
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầucho biết, các quy định đấu thầu và lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức BT hiện nay đã đã phân cấp cho địa phương. Điều này đồng nghĩa việc ký hợp đồng BT là thuộc thẩm quyền UBND TP.HCM.
Đối với nội dung bảo mật như nhà báo nêu, chúng tôi không có thông tin cụ thể. Tuy nhiên, về mặt hợp đồng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Thông tư 16 năm 2016 hướng dẫn Nghị định 30, trong đó có mẫu hồ sơ mời thầu và mẫu Hợp đồng kèm theo. Các cơ quan có thẩm quyền khi lựa chọn đầu tư phải thực hiện theo đúng mẫu đó. Các nội dung bảo mật phải đúng quy định về mẫu hợp đồng.
"Nếu các việc khác liên quan tới sử dụng tài sản công, tài chính công, đất đai, nguồn lực của Nhà nước bảo mật thì phải xem xét lại xem có đúng quy định không", ông Trương nói.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, trong dự thảo luật PPP đã lấy ý kiến rộng rãi, đã đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và gửi các bộ ngành địa phương, đơn vị này đã thiết kế một điều về công khai thông tin trong dự án PPP bao gồm 2 nội dung.
Thứ nhất là công bố dự án PPP là cơ quan có thẩm quyền khi lập dự án PPP xong, để các nhà đầu tư tiếp cận sẽ phải công bố dự án đó trên hệ thống Mạng đấu thầu quốc gia và phương tiện thông tin đại chúng.
Thứ hai là công khai thông tin sau khi ký hợp đồng. Các nội dung cơ bản, quan trọng của hợp đồng sẽ được công khai tương tự như công bố thông tin khi xác định được nhà đầu tư và các nội dung cụ thể như mục tiêu, quy mô đầu tư, quy mô vốn, tổng mức đầu tư, địa điểm xây dựng, di dân tái định cư… Nếu có thu phí thì cơ chế xác định thế nào, được điều chỉnh hay không, tác động tới người dân ra sao, thời gian thu phí thế nào… Những nội dung đó phải được công khai và bắt buộc.
Sẽ có điều khoản bảo mật liên quan đến sở hữu trí tuệ, bí mật thương mại riêng của nhà đầu tư theo Luật Sở hữu trí tuệ chứ không phải nhà đầu tư nào đó nói rằng đây là bí mật thì không được xem xét, ông Trương làm rõ.
Nhằm tăng cường công tác quản lý đấu thầu, trong 6 tháng đầu năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả và đẩy lùi tình trạng tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu ; dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lộ trình triển khai đấu thầu qua mạng giai đoạn 2019-2025.
Đồng thời đề nghị Văn phòng Chính phủ tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm ký ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư (thay thế Nghị định số 30/2015/NĐ-CP) , trước đó, dự thảo Nghị định này đã được Bộ trình Chính phủ vào cuối năm 2018 . Hiện Bộ đang nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thực thi Điều ước quốc tế về đấu thầu.
Nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và sản phẩm đổi mới sáng tạo, Bộ đang nghiên cứu và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế đặc thù trong đấu thầu mua sắm công đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và sản phẩm đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, để hoàn thiện pháp luật về đầu tư theo hình thức PPP, Bộ đang tập trung xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư để báo cáo Chính phủ trong tháng 7 năm 2019 và trình Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10 năm 2019).