Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục xu hướng giảm - Ảnh: VOV

Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục xu hướng giảm - Ảnh: VOV

Chỉ số PMI của Việt Nam giảm mạnh trong tháng 5

(ĐTCK) Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam lần đầu tiên từ tháng 2/2013 giảm xuống dưới mức trung bình trong tháng 5.

Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) phối hợp cùng với Công ty Markit Economics vừa công bố chỉ số PMI của Việt Nam trong tháng 5/2013. Theo khảo sát, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục xu hướng suy giảm từ đầu năm 2013 khi sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm đều giảm trở lại sau khi đã hồi phục nhẹ ở 2 tháng trước. Cụ thể, chỉ số PMI trong tháng 5 của Việt Nam giảm xuống dưới ngưỡng trung bình 50 điểm, khi đứng ở mức 48,8 điểm, so với 51 điểm của tháng 4. Đây là mức điểm dưới trung bình đầu tiên kể từ tháng 2.

Báo cáo nhận định, thị trường nội địa vẫn là nhân tố ảnh hưởng chính đến kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh, trong khi số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tiếp tục hồi phục nhẹ. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã được cải thiện trong suốt 3 tháng qua, với tốc độ tăng tháng 5 là nhanh nhất kể từ tháng 4/2012. Các công ty cho biết, nhu cầu của khách hàng từ Trung Quốc và Mỹ đã tăng lên.

Trong tháng 5, tình trạng giảm việc làm đã xảy ra lần thứ hai trong 4 tháng qua khi các công ty vẫn có thái độ thận trọng trong tuyển dụng. Ngoài nguyên nhân do nhu cầu giảm sút, đại diện các công ty cho rằng, họ phải cắt giảm việc làm nhằm để kiểm soát chi phí. Điều này cũng đóng một vai trò trong các quyết định mua hàng và lưu kho, dẫn đến lượng tồn kho hàng hóa cả trước và sau sản xuất đều giảm và số lượng hàng mua vào tăng nhẹ.

Về khía cạnh giá cả, dữ liệu của tháng 5 cho thấy, áp lực lạm phát vẫn tương đối nhẹ trong lĩnh vực sản xuất. Một số báo cáo cho biết, sự thiếu hụt một số loại nguyên liệu và giá nhập khẩu tăng dẫn đến chi phí cao hơn. Tuy nhiên, điều này một phần được bù đắp bởi nhu cầu nguyên liệu giảm sút, từ đó dẫn đến giả cả một số hàng hóa đầu vào thấp hơn.

Trong khi đó, giá cả đầu ra trung bình hầu như không thay đổi trong tháng, khi áp lực cạnh tranh làm giảm năng lực định giá của các nhà sản xuất. Đại đa số các công ty (gần 84%) báo cáo không có thay đổi giá xuất xưởng.

Nghiên cứu cho thấy, vẫn còn năng lực dự phòng tại các nhà sản xuất và các nhà cung cấp của họ. Số lượng đơn đặt hàng mới ít đi dẫn đến lượng công việc tồn đọng tại các nhà sản xuất Việt Nam đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử khảo sát. Trong khi đó, thời gian giao hàng trung bình của người bán hàng đã rút ngắn tháng thứ hai liên tiếp, khi nhu cầu nguyên liệu yếu đi dẫn đến việc giao hàng từ các nhà cung cấp được thực hiện nhanh hơn.

Bình luận về cuộc khảo sát chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam, Trinh Nguyen, Chuyên viên kinh tế - Ngân hàng HSBC nói: “Quá trình hồi phục kinh tế của Việt Nam vẫn đang khá mong manh và tiếp tục bị nhu cầu yếu kém ở trong nước níu lại. Tình trạng việc làm và sản lượng trong lĩnh vực sản xuất đều giảm đã cho thấy hoạt động kinh tế tổng thể ở Việt Nam. Nhu cầu ở Mỹ cải thiện tạo ra hy vọng, nhưng dữ liệu ngành sản xuất toàn cầu còn yếu kém khiến lực cản ở bên ngoài vẫn còn mạnh mẽ. Trừ khi vấn đề nợ xấu trong hệ thống tài chính được giải quyết, sự thờ ơ tiêu dùng và đầu tư sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam”.