2 nội và 4 ngoại
Trước nhu cầu xin thành lập ngân hàng mới tăng cao kể từ năm ngoái, tới tháng 6/2007, NHNN đã có Quyết định 24/QĐ-NHNN ban hành quy chế cấp phép thành lập và hoạt động của ngân hàng cổ phần. Sự chuẩn bị để ra quyết định này cũng khá công phu và tốn nhiều thời gian, nhưng sau khi được ban hành đã "lộ" ra một số vấn đề chưa bao quát được hết. Chẳng hạn, một số tập đoàn/tổng công ty xin thành lập ngân hàng mới như trường hợp của Bảo Việt, Tập đoàn Dầu khí,… đều muốn nắm giữ tỷ lệ cổ phần vượt mức cho phép (tối đa 20%) thì Quyết định 24 chưa điều chỉnh cụ thể, trong khi lại có nhiều quy định rất chặt được nhận định là "khá rắn" đối với các hồ sơ xin thành lập ngân hàng mới, nhưng cuối cùng… vẫn thiếu.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã được chấp thuận sửa đổi một số nội dung của Quyết định 24 nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo an toàn và phát triển bền vững hoạt động ngân hàng. Theo tin từ NHNN, quy định mới sẽ yêu cầu những pháp nhân phải bổ sung báo cáo tài chính kiểm toán trước 3 tháng, thể hiện vốn góp từ nguồn nào nhằm đánh giá đồng tiền góp vốn phải minh bạch, còn đối với cá nhân là cổ đông góp vốn phải kê khai tài sản.
Theo một quan chức NHNN, ngoài ra Quyết định 24 sẽ được bổ sung một số quy định khác, nhưng đối với những người nộp hồ sơ thì đây là các yêu cầu bổ sung quan trọng nhất.
Không chỉ liên quan tới vấn đề của các ngân hàng nội, vấn đề thành lập chi nhánh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài cũng có một số vướng mắc cụ thể. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, về nguyên tắc, ngân hàng nào có đủ điều kiện cấp phép theo quy định tại Nghị định 22/2006/NĐ-CP thì tiến hành cấp phép. Với nguyên tắc các ngân hàng thương mại nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần trong nước đóng vai trò nòng cốt của hệ thống ngân hàng Việt Nam thì NHNN chủ động xây dựng hàng rào kỹ thuật để điều tiết, nhưng không ảnh hưởng đến việc thực hiện cam kết hội nhập quốc tế.
Theo nguồn tin từ NHNN, bên cạnh ngân hàng 100% vốn nước ngoài vẫn đang được xem xét, đối với trường hợp ngân hàng nước ngoài xin thành lập chi nhánh tại Việt Nam, từ nay tới cuối năm dự kiến sẽ cấp phép mở 4 chi nhánh gồm: Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc, Common Wealth Bank of Australia, Sumitomo Bank và Fubon Bank, đưa tổng số chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam lên khoảng 40.
Ngoại lệ và không ngoại lệ
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đối với trường hợp của Tập đoàn Dầu khí sẽ vẫn phải tuân thủ theo Quy chế thành lập ngân hàng mới là chỉ được nắm giữ tối đa 20% cổ phần trong PV Bank đang dự kiến thành lập. Đối với trường hợp thành lập Ngân hàng TMCP Ngoại thương châu Á thì cổ đông chính là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và các cổ đông khác cũng phải tuân thủ theo quy tắc này, và Vietcombank chỉ được nắm giữ 20% cổ phần trong ngân hàng mới.
Còn đối với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), ý định về việc góp vốn thành lập ngân hàng mới đã bị "dập tắt". Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, SCIC cần tập trung để quản lý tốt đối với phần vốn nhà nước giao cho Tổng công ty làm đại diện chủ sở hữu. Theo quan chức NHNN trên, với kế hoạch cổ phần hóa thì SCIC sẽ được giao quản lý một số vốn rất lớn, trong đó có cả các ngân hàng thương mại quốc doanh tới đây sẽ được cổ phần hóa, chẳng hạn như Vietcombank sau khi cổ phần hóa thì toàn bộ phần vốn nhà nước còn lại trong Vietcombank là 70% (tương đương 1.050 tỷ đồng vốn điều lệ) sẽ được chuyển giao cho SCIC.
Điều này sẽ cho phép SCIC trở thành cổ đông chi phối của hầu hết ngân hàng lớn đang nắm giữ tới gần 70% thị phần ngân hàng, mà không nhất thiết phải bỏ vốn trở thành cổ đông trong các ngân hàng mới. Bên cạnh các trường hợp trên, đề nghị của Bảo Việt được nắm giữ 40% cổ phần trong ngân hàng thành viên là hợp lý và được chấp thuận. Cũng theo quan chức trên, đối với các tập đoàn tài chính quốc tế họ hoàn toàn có thể nắm giữ 100% vốn, hay nói khác đi là sở hữu toàn bộ ngân hàng thương mại thành viên trong tập đoàn. Bảo Việt hiện là một tập đoàn tài chính thì đề nghị trên là hợp lý.
Cũng tương tự là đề án thành lập Ngân hàng TMCP Công nghiệp Việt Nam thì Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sẽ là cổ đông đặc biệt khi sở hữu 23% cổ phần tại ngân hàng này.