“Chỉ cần thay đổi giá trị của PVN khoảng 1 USD thì ngân sách có thể thay đổi cả nghìn tỷ“

“Chỉ cần thay đổi giá trị của PVN khoảng 1 USD thì ngân sách có thể thay đổi cả nghìn tỷ“

(ĐTCK) Đó là đánh giá của chuyên gia Võ Trí Thành, thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ tại Tọa đàm “Làm gì để củng cố và phát triển thương hiệu ngành dầu khí” do Tạp chí Nhà đầu tư phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức sáng 12/12.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Hùng Dũng, thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết, trong giai đoạn vừa qua, bên cạnh những thuận lợi, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, giai đoạn 2015 - 2017, nhiều vấn đề trong nội tại của bản thân doanh nghiệp và của ngành đã ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh, uy tín và thương hiệu của Tập đoàn và một số đơn vị thành viên.

"Không chỉ ảnh hưởng tới thương hiệu và hình ảnh, thực tế này còn gây thiệt hại vật chất bằng tiền không nhỏ thông qua việc giảm giá trị cổ phần, cổ phiếu và tài sản doanh nghiệp, việc kêu gọi đầu tư với các đối tác cả trong và ngoài nước”, ông  Dũng nói và cho rằng, đối với PVN, việc củng cố và phát triển thương hiệu Tập đoàn gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh trên nền tảng quản trị doanh nghiệp tiên tiến và văn hóa doanh nghiệp của Tập đoàn và các đơn vị thành viên trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ “sống còn” tới mức phải quán triệt tới từng đơn vị từ việc phải thay đổi tư duy của người lãnh đạo, tất cả cán bộ nhân viên cho đến thay đổi văn hóa quản trị trong nội bộ tất cả các đơn vị thuộc PVN.

Tình cảnh khó khăn của ông lớn dầu khí cũng nhận được sự đồng cảm từ nhiều doanh nghiệp trong ngành. Trên lĩnh vực vận tải biển, ông Nguyễn Viết Long, Phó tổng giám đốc PVTrans cho biết, việc xây dựng thương hiệu đối với doanh nghiệp đang ngày càng trở nên khó khăn hơn khi tình hình cạnh tranh trên thị trường vận tải biển ngày càng khốc liệt nhất là trong lĩnh vực vận chuyển dầu thô, xăng dầu sản phẩm, dịch vụ offshore...

Rõ ràng, giá trị của PVN đóng vai trò rất lớn đối với quốc gia, chỉ cần thay đổi giá trị của PVN khoảng 1 USD thì ngân sách có thể thay đổi cả nghìn tỷ

- TS. Võ Trí Thành

Những bất ổn xung đột chính trị, chính sách, việc cấm vận giữa các nước lớn có diễn biến phức tạp ảnh hưởng rất nhiều đến giá dịch vụ của thị trường vận tải đường biển. Thêm vào đó, tác động từ khủng khoản tài chính càng gia tăng nguy cơ phá sản, thua lỗ luôn thương trực với ngành vận tải dầu khí nói chung và PVTrans nói riêng.

“Trong điều kiện này để duy trì, phát triển những kết quả đã đạt được, PVTrans định hướng trong thời gian tới phải tập trung tiếp tục xây dựng thương hiệu song hành với cải thiện quản trị doanh nghiệp và xây dựng văn hoá doanh nghiệp để củng cố hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp. Đây là nền tảng thuận lợi để DN tiếp tục đầu tư mở rộng thị trường vận tải biển trong nước và quốc tế khi hiện nay thị trường trong nước đã dần đến ngưỡng”, ông Long cho biết.

Đại diện PVTrans cũng đưa ra nhận định, trong thời gian tới thị phần trong ngành dầu khí sẽ giảm chỉ còn khoảng 30% vào có thể tiếp tục giảm sút, do đó để có thể duy trì và phát triển, PVTrans sẽ tập trung phát triển mạnh thương hiệu cũng như xây dựng đội tàu trẻ để có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Trường, Trưởng ban Tài chính PVDrilling khẳng định, doanh nghiệp cũng nhận thức rõ ràng việc chú trọng xây dựng thương hiệu từ khi thành lập công ty, tăng cường hợp tác quốc tế, quảng bá hình ảnh, sản phẩm để khẳng định thương hiệu chính là những giải pháp sống còn để doanh nghiệp có thể phát triển được trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Cùng với phát triển thương hiệu, đại diện PVDrilling cũng kiến nghị  Nhà nước cần có cơ chế để thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ để doanh nghiệp ngành dầu khí cũng như cộng đồng doanh nghiệp nói chung ngày càng tăng sức cạnh tranh trong xu thế mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

“Chỉ cần thay đổi giá trị của PVN khoảng 1 USD thì ngân sách có thể thay đổi cả nghìn tỷ“ ảnh 1

Toàn cảnh tọa đàm

Nhìn từ góc độ chuyện gia, ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ cho rằng, các doanh nghiệp ngành dầu khí đã đi đúng hướng khi xác định ngay từ đầu và đã có những giải pháp, cải cách thương hiệu đúng đắn trong quá trình xây dựng doanh nghiệp gắn với thương hiệu.

“Mối quan hệ giữa quản trị doanh nghiệp và thương hiệu, trong quan hệ khách hàng và xây dựng thương hiệu là không thể tách rời. Do đó, muốn nâng cao thương hiệu và phát triển bền vững phải gắn với quản trị doanh nghiệp. Sự thay đổi phải là sự thay đổi của công ty, từ đó tăng khả năng cạnh tranh và phát triển thương hiệu”, ông Vũ Bằng nhấn mạnh.

Cũng theo chuyên gia này, việc xây dựng thương hiệu sẽ giúp các doanh nghiệp dầu khí tăng cường quản trị rủi ro và khủng hoảng, vốn là những nguy cơ luôn thường trực hiện hữu trong ngành này. Trong khi quản trị tốt sẽ nâng cao giá trị và giá cổ phiếu công ty, kéo theo thương hiệu cũng tăng theo. Ngoài ra quản trị công ty cũng quyết định chất lượng sản phẩm, giúp tăng cường khả năng tiếp cận vốn, huy động nguồn vốn với chi phí thấp hơn.  

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ lại đặt vấn đề có nên xây dựng lại biểu tượng và hình ảnh của PVN.

“Rõ ràng, giá trị của PVN đóng vai trò rất lớn đối với quốc gia, chỉ cần thay đổi giá trị của PVN khoảng 1 USD thì ngân sách có thể thay đổi cả nghìn tỷ", ông Thành Nhấn mạnh.

Chuyên gia này cũng cho rằng, nếu định hướng tương lai, PVN rất cần một biểu tượng mới có nét riêng, khác biệt để có thể cạnh tranh. Song, dù thay đổi biểu tượng thì vẫn cần phải chú trọng vào yếu tố trung tâm, đó chính là khách hàng.

Tin bài liên quan