Chỉ 36,7% tàu cá được bảo hiểm theo Nghị định 67

Chỉ 36,7% tàu cá được bảo hiểm theo Nghị định 67

(ĐTCK) Tổng Công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (VINARE) vừa phối hợp tổ chức Hội nghị sơ kết chương trình triển khai bảo hiểm tàu cá thực hiện theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) của Chính phủ giai đoạn 2014-2015.

Chỉ có 36,7% tàu được bảo hiểm

VINARE là đơn vị được giao phối hợp thu xếp chương trình tái bảo hiểm. 4 doanh nghiệp phi nhân thọ tham gia cung cấp sản phẩm cho chương trình này là Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo Minh, PJICO, Bảo hiểm PVI 

Sau hơn một năm chính thức thực hiện, VINARE báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện chương trình bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 cho biết, tính đến 31/12/2015, mới có 36,7% trong số hơn 31.000 tàu đánh bắt cá xa bờ và tàu dịch vụ hậu cần được bảo hiểm theo chương trình này.

4 doanh nghiệp cũng đã bảo hiểm cho hơn 103.000 lao động làm việc trên các tàu đánh bắt cá xa bờ. Tổng doanh thu phí phát sinh đạt hơn 256 tỷ đồng, trong đó hơn 88% là phí bảo hiểm thân tàu, máy móc, trang thiết bị và ngư lưới cụ. Tổng tổn thất đã được bồi thường và ước còn phải bồi thường lên đến xấp xỉ 120 tỷ đồng.

Tại Hội nghị, các bên đã bàn về sự phối hợp giữa doanh nghiệp bảo hiểm - các cơ quan - ngư dân trong quá trình triển khai cấp đơn bảo hiểm, thanh toán phí, giám định và giải quyết bồi thường…

Mặc dù có chung nhận định là quá trình triển khai đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ và các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của các Sở, Ban, ngành, chính quyền địa phương cùng bà con ngư dân, tuy nhiên các bên cũng cho rằng kết quả chưa đạt kỳ vọng đề ra.

Một số vướng mắc

Một số quan ngại nổi cộm là các vướng mắc trong vấn đề khai thác, sự bất cập giữa việc thực hiện quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và nghị định 67/2014/NĐ-CP, sự mất cân đối giữa giá phí bảo hiểm và rủi ro được bảo hiểm, xác định giá trị tài sản được bảo hiểm, sự gia tăng số vụ tổn thất toàn bộ không loại trừ nguyên nhân trục lợi bảo hiểm, xu hướng lỗ nghiệp vụ và giải pháp phòng ngừa….

Dẫu chưa nhiều thời gian để đánh giá đầy đủ kết quả triển khai chương trình, nhưng quá trình triển khai cũng bước đầu cho thấy sự đồng thuận cao giữa các nhà bảo hiểm/tái bảo hiểm, ngư dân, các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương cũng như các cơ quan hữu quan khác trong việc thực hiện chủ trương lớn của Chính phủ.

Ông Phan Kim Bằng, Chủ tịch Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam (AVI) cũng đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục tăng cường hợp tác với nhau để triển khai, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân tham gia bảo hiểm.

Chủ tịch AVI cũng đề nghị, VINARE tiếp tục làm đầu mối sớm và thường xuyên tổng hợp các đề xuất, đánh giá liên quan đến chương trình làm cơ sở tham mưu cho Bộ Tài chính và các cơ quan hữu quan ban hành các chính sách liên quan trong quá trình triển khai cũng như sau khi kết thúc chương trình thí điểm theo nghị định 67. Ông Bằng cũng cam kết sẽ chỉ đạo các bộ phận chức năng thuộc AVI phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp và cơ quan hữu quan để có giải pháp tốt nhất, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của nghị định này.

Thay mặt các doanh nghiệp, ông Phạm Công Tứ, Tổng giám đốc VINARE cam kết cùng các doanh nghiệp nỗ lực và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, sớm có tổng hợp báo cáo đề xuất lên Bộ Tài chính những vấn đề liên quan đến quá trình triển khai thực hiện.

Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ là một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ nhằm phát triển thủy sản nói chung, hỗ trợ ngư dân bám biển bảo vệ chủ quyền biển đảo nói riêng. Đưa chủ trương lớn này vào cuộc sống, liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm, Bộ Tài chính đã ban hành các Thông tư số 115, 116/2014/TT-BTC ngày 20/8/2014 hướng dẫn thực hiện chính sách bảo hiểm.

Tin bài liên quan