Trong năm 2020, cơ quan thanh tra chứng khoán đã ban hành gần 400 quyết định xử phạt. Ảnh: Dũng Minh.

Trong năm 2020, cơ quan thanh tra chứng khoán đã ban hành gần 400 quyết định xử phạt. Ảnh: Dũng Minh.

Chế tài chứng khoán: Cây gậy răn đe

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với quy định mới tại Luật Chứng khoán cũng như Nghị định 156/2020/NĐ-CP, mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán kể từ đầu năm 2021 lớn hơn trước rất nhiều.

Tăng cường thanh tra, giám sát

Thống kê sơ bộ cho thấy, trong năm 2020, cơ quan thanh tra chứng khoán đã ban hành 386 quyết định xử phạt, với số tiền phạt 22,6 tỷ đồng.

So với năm 2019, số lượng các đoàn thanh kiểm tra trực tiếp tại doanh nghiệp giảm mạnh, nhưng công tác giám sát qua 2 cấp, tại Sở giao dịch chứng khoán và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được tăng cường. Theo đó, số quyết định xử phạt không thấp hơn năm 2019.

Dù vậy, các nhà đầu tư trên thị trường cho rằng, với một năm bùng nổ giao dịch như 2020, số vụ vi phạm và các hành vi vi phạm có lẽ cũng nở rộ hơn, đòi hỏi công tác giám sát và xử phạt vi phạm trên thị trường chứng khoán cần được đẩy mạnh hơn nữa.

Những lỗi xử phạt phổ biến như cổ đông nội bộ mua bán cổ phiếu không công bố thông tin, doanh nghiệp vi phạm về công bố thông tin báo cáo tài chính không đăng trên website, vi phạm nghĩa vụ đăng ký công ty đại chúng... không khiến thị trường quá quan tâm.

Song với các vụ việc xử phạt về hành vi sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán chứng khoán và thao túng thị trường chứng khoán, cơ quan quản lý cần công bố thông tin chi tiết hơn. Việc này sẽ giúp tăng tính răn đe và cảnh báo nhà đầu tư về những tình huống giao dịch cần cẩn trọng, những bài học kinh nghiệm trong đầu tư để hạn chế rủi ro...

Trong năm 2020, có một số vụ việc thao túng giá chứng khoán bị xử phạt, nhận được sự quan tâm rất lớn của thị trường.

Chẳng hạn, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định xử phạt và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với ông Hoàng Đức Thuận (địa chỉ tại xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội) vì hành vi thao túng cổ phiếu. Căn cứ kết quả xác minh của cơ quan công an, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, ông Hoàng Đức Thuận đã thao túng cổ phiếu DST của Công ty cổ phần Đầu tư Sao Thăng Long (tiền thân là Công ty cổ phần Sách và Thiết bị giáo dục Nam Định). Cơ quan thanh tra giám sát yêu cầu ông Thuận phải nộp lại số tiền hơn 3,3 tỷ đồng thu lợi từ hành vi vi phạm.

Hay vụ việc ông Lê Văn Hoan (cư trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã sử dụng 29 tài khoản để liên tục mua bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu CTP của Công ty cổ phần Minh Khang Capital Trading Public nên bị phạt tiền 600 triệu đồng.

Tuy nhiên, từ khi các hành vi thao túng giá chứng khoán diễn ra cho đến khi vụ việc được kết luận và bị xử phạt có độ trễ rất lớn.

Bởi thế, khi những thông tin vắn tắt về quyết định xử phạt được công bố, nhà đầu tư cũng chỉ biết sơ qua như vậy.

Hơn nữa, cách thức các đối tượng thao túng giá cổ phiếu không được công bố chi tiết nên nhà đầu tư hầu như không rút ra được kinh nghiệm, bài học từ những trường hợp này.

Với thực tế giao dịch trên thị trường hiện nay, nhiều nhà đầu tư cho rằng, phổ biến kinh nghiệm quản trị rủi ro, tăng nhận thức về những hành vi, dấu hiệu các mã chứng khoán bị thao túng cho nhà đầu tư là cần thiết, góp phần giúp thị trường vận động lành mạnh, minh bạch và phát triển bền vững.

Nâng mức phạt

Thời điểm cuối năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, có hiệu lực từ đầu năm 2021. Với quy định mới tại Luật Chứng khoán cũng như Nghị định 156/2020/NĐ-CP, các mức phạt lớn hơn trước rất nhiều.

Đơn cử, về hành vi sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán chứng khoán và thao túng thị trường chứng khoán, mức phạt tiền có thể là 10 lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức và 5 lần khoản thu trái pháp luật đối với cá nhân.

Trường hợp không có khoản thu trái pháp luật hoặc mức phạt tính theo khoản thu trái pháp luật thấp hơn mức phạt tiền tối đa là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân thì áp dụng mức phạt tiền tối đa để xử phạt.

Như vậy, với trường hợp của ông Hoàng Đức Thuận thao túng giá cổ phiếu DST đã đề cập, nếu áp dụng khung phạt mới, ông Thuận sẽ phải nộp số tiền lên tới 16,5 tỷ đồng. Số tiền này có thể khiến các cá nhân e ngại khi dự kiến thực hiện các kế hoạch thao túng giá cổ phiếu để thu lợi bất chính.

Không ít nhà đầu tư nhìn nhận, quy định về mức phạt tiền cao hơn trước, nhưng vẫn chưa phải là con số lớn đến mức các nhóm đối tượng xấu phải lo sợ, từ bỏ toan tính vi phạm, bởi nếu trót lọt, lợi ích thu được có thể từ vài chục tỷ đồng đến cả trăm tỷ đồng.

Có những vụ việc thao túng giá cổ phiếu đã được cơ quan điều tra vào cuộc và đưa ra xét xử tại những công ty có vốn điều lệ gần nghìn tỷ đồng như KSA, hàng nghìn nhà đầu tư và nhiều công ty chứng khoán bị thiệt hại.

Dù vậy, đây cũng chỉ là những con số tương đối và nhà đầu tư thua lỗ thường “nín nhịn” bởi rất khó chứng minh thiệt hại cũng như “đòi được vạ thì má đã sưng”.

Tăng thẩm quyền, tăng trách nhiệm vì thị trường

Một số nhà đầu tư ví von các đối tượng vi phạm như nhà tư bản trong câu nói của Karl Marx “nếu lợi nhuận 100% thì nhà tư bản bất chấp pháp luật, còn lợi nhuận 300% thì có treo cổ nó lên, nó vẫn làm” để đánh giá về khả năng tiếp tục xảy ra các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán.

Vì thế, với thị trường ngày càng phát triển và có nhiều chủ thể tham gia như hiện nay, công tác thanh kiểm tra nhằm đảm bảo thượng tôn pháp luật đòi hỏi quyết liệt hơn, xử lý nghiêm khắc hơn.

Luật Chứng khoán mới và Nghị định 156/2020/NĐ-CP đã bổ sung cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước một số quyền thu thập thông tin nhằm tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh, phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi bị cấm.

Cho người khác mượn tài khoản để giao dịch chứng khoán, đứng tên sở hữu chứng khoán hộ người khác dẫn đến hành vi thao túng giá chứng khoán sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, Ủy ban Chứng khoán nhà nước có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu, dữ liệu liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu đó hoặc yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình, đến làm việc liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra; yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch trên tài khoản của khách hàng đối với các trường hợp có dấu hiệu thực hiện hành vi bị cấm; yêu cầu doanh nghiệp viễn thông cung cấp tên, địa chỉ, số máy gọi, số máy được gọi, thời gian gọi để xác minh, xử lý hành vi bị cấm.

Đồng thời, Luật quy định trách nhiệm phối hợp trong cung cấp thông tin phục vụ thanh kiểm tra, xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong thực thi các thẩm quyền này, Luật quy định rõ về việc bảo mật thông tin, mục đích sử dụng và trình tự, thủ tục yêu cầu và cung cấp thông tin thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân hàng, viễn thông.

Luật Chứng khoán cũng đã sửa đổi các hành vi bị cấm trong lĩnh vực chứng khoán cho phù hợp với Bộ luật Hình sự 2015, bổ sung hành vi “cho người khác mượn tài khoản để giao dịch chứng khoán, đứng tên sở hữu chứng khoán hộ người khác dẫn đến hành vi thao túng giá chứng khoán”.

Những quy định này được kỳ vọng là cây gậy giúp cho cơ quan thanh tra chứng khoán thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình để góp phần đưa thị trường chứng khoán vận hành công bằng, lành mạnh và bền vững.

Ông Nguyễn Kim Long, Giám đốc Luật và Kiểm soát nội bộ, Công ty Chứng khoán SSI

Nghị định 156/2020/NĐ-CP chủ yếu nâng các mức phạt và quy định lại thẩm quyền xử phạt. Về mức phạt, so với mặt bằng chung vi phạm trong các lĩnh vực, ngành khác (như giao thông) thì mức phạt tiền trong Nghị định 156 là cao. Ngay lúc soạn thảo đã có nhiều ý kiến, có người muốn tăng mức này lên cao hơn (hiện mức phạt cao nhất là ở trong ngành khai khoáng), nhưng nhiều ý kiến cho rằng, mức phạt cũng phải tương đương các ngành khác, chứ không thể quá cao. Mức phạt 1,5 tỷ đồng với cá nhân là phù hợp, tuy rằng trong ngành chứng khoán có nhiều trường hợp mức phạt này có thể không đáng kể so với khoản lợi mà nhà đầu tư có được từ vi phạm.

Nghị định 156 không chỉ quy định về phạt tiền mà còn có biện pháp thu hồi các khoản lợi nhuận bất hợp pháp. Việc thu hồi không giới hạn, cứ lợi nhuận bất hợp pháp mà được cơ quan nhà nước tính toán ra được bao nhiêu thì thu hồi lại bấy nhiêu.

Quan trọng hơn trong xử phạt là tính phát hiện và thủ tục xử phạt phải nhanh thì sẽ có tác dụng cảnh báo nhà đầu tư hơn. Hiện nay, có nhiều vụ xử phạt rất lâu, đặc biệt trong các vụ làm giá, thao túng thì quá trình phát hiện và xử lý có khi kéo dài cả năm.

Tin bài liên quan