"Chê" sản phẩm trong nước, Honda Việt Nam nhập 1.000 lít xăng E5 từ Pháp

Công ty Honda Việt Nam (HVN) vừa được Bộ Công thương cho phép nhập khẩu xăng Ethanol 5% (E5).

Ở quy mô cả nước, xăng E5 sẽ được sử dụng rộng rãi từ ngày 1/12/2015. Ảnh: T.H

Ở quy mô cả nước, xăng E5 sẽ được sử dụng rộng rãi từ ngày 1/12/2015. Ảnh: T.H

Theo Văn bản 13188/BCT-XNK, Công ty HVN đã được Bộ Công thương cho phép nhập khẩu 1.000 lít xăng E5 để phục vụ việc kiểm tra chất lượng xe xuất khẩu theo tiêu chuẩn châu Âu tại nhà máy. 

Lượng xăng dầu nhập khẩu nói trên không đưa vào sử dụng, lưu thông tại thị trường nội địa. Thời hạn để nhập khẩu xăng E5 này là đến hết ngày 31/12/2015.

Được biết, lô hàng xăng E5 nhập khẩu của HVN đã về tới Việt Nam. Trả lời phóng viên Báo Đầu tư về việc “tại sao phải nhập khẩu xăng E5 để thử nghiệm lô hàng xuất khẩu xe máy đi châu Âu, trong khi ngay tại Việt Nam có thể mua xăng E5”, ông Minoru Kato, Tổng giám đốc HVN cho hay, loại xăng E5 mà HVN nhập khẩu để thử nghiệm chất lượng xe máy xuất khẩu sang châu Âu có chất lượng khác xăng E5 trong nước.

“Không phải vấn đề chất lượng tốt, xấu mà do nồng độ và hàm lượng khác nhau, nên phải nhập khẩu xăng E5 từ châu Âu về để thử nghiệm các xe máy mà HVN sẽ xuất khẩu sang châu Âu”, ông Minoru Kato nói.

Được biết, lô xăng E5 nhập khẩu của HVN là từ Pháp. Theo dự kiến ban đầu của HVN, lượng xăng E5 mong muốn nhập khẩu là 7.000 lít từ tháng 10/2014 và được sử dụng vào mục đích chế tạo thử động cơ tại nhà máy của HVN và không nhượng bán. Lý giải cho việc nhập khẩu này, HVN cũng thẳng thắn cho hay, để phục vụ thử nghiệm động cơ, Công ty cần có nhiên liệu xăng Ethanol 5%, mã số HS 2710.20.00. Đây là loại xăng được sản xuất theo tiêu chuẩn châu Âu bằng việc pha trộn xăng khoáng RON 95 và cồn biến tính E100 theo tỷ lệ 95% xăng RON 95 và 5% E100.

Tuy nhiên, do hiện tại ở Việt Nam chưa sản xuất được xăng E5 theo các tiêu chuẩn bắt buộc ở châu Âu (liên quan đến khí thải theo tiêu chuẩn Euro), nên HVN buộc phải nhập khẩu loại xăng E5 này.

Việc nhập khẩu xăng E5 của HVN tuy chỉ 1.000 lít, nhưng cũng đặt ra vấn đề khả năng đáp ứng của doanh nghiệp trong nước khi chương trình tiêu thụ nhiên liệu sinh học E5 đang được phổ cập.

Theo lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống, từ ngày 1/12/2014, xăng sinh học E5 được sản xuất để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tại 7 địa phương là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu. Ở quy mô cả nước, xăng E5 sẽ được sử dụng rộng rãi từ ngày 1/12/2015.

Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) mỗi năm sản xuất được khoảng 2 triệu m3 xăng RON 92, đáp ứng 30% nhu cầu thị trường trong nước. Trường hợp nhu cầu thị trường đối với xăng E5 tăng tỷ lệ thuận theo lộ trình nói trên, BSR sẽ sử dụng toàn bộ sản lượng xăng RON92 của nhà máy để sản xuất và phối trộn xăng E5.

Thống kê của Bộ Tài chính cuối năm 2014 cho hay, việc nhập xăng E5 chưa được doanh nghiệp nào thực hiện, bởi đặc tính dễ bay hơi và ngậm nước, nên vận chuyển theo đường biển sẽ không đảm bảo chất lượng xăng.

Ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch BSR cũng cho hay, hiện Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sản xuất được cả xăng RON 92 và RON 95 với tổng khối lượng khoảng 2 triệu m3. Tuy nhiên, để cung cấp ra thị trường xăng E5, chỉ sử dụng loại xăng khoáng RON 92 pha trộn. Nghĩa là có được RON 92 E5. Còn với xăng khoáng RON 95, có phẩm cấp cao RON 92, thì BSR chưa thực hiện pha ra xăng nhiên liệu sinh học RON 95 E5, vì liên quan đến các tính chất kỹ thuật, áp suất.

Ngay tại Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex), việc pha trộn xăng E5 được thực hiện bởi các đơn vị thành viên tại các khu vực cũng chỉ mới nhắc tới sản phẩm RON 92 E5 và không có bất kỳ giới thiệu nào về RON 95 E5.

Với thực tế trên, không chỉ những doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng xăng E5 chất lượng cao kiểu HVN sẽ đành phải chờ hàng nhập khẩu, mà nhiều loại ô tô, xe máy cao cấp, vốn chỉ dùng xăng khoáng RON 95 cũng đành ngậm ngùi không thể chuyển sang sử dụng xăng nhiên liệu sinh học E5, do các doanh nghiệp xăng dầu nội địa cung cấp bởi không có hàng, dù lộ trình được ban hành.

Tin bài liên quan