“Truyền thống” chây ỳ cổ tức
CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (VCR) vừa đưa ra thông báo việc thay đổi thời gian trả cổ tức 2010 bằng tiền, trong khi ngày chốt quyền đã thực hiện từ 30/2/2012, nghĩa là tại thời điểm đó, cổ phiếu của nhà đầu tư đã bị điều chỉnh.
Thay vì thanh toán cổ tức vào thời điểm 31/3/2016, VCR sẽ lùi việc thanh toán tới ngày 31/3/2017, điều này đã làm cổ đông không khỏi ngán ngẩm vì đây là lần thứ 5 Công ty công bố hoãn cổ tức.
Như thường lệ, lý do được Công ty đưa ra là do chưa thu xếp được nguồn tiền. Tính tới thời điểm 31/12/2015, VCR vẫn còn lỗ lũy kế hơn 61 tỷ đồng.
Theo VCR, tình hình bất động sản nghỉ dưỡng đang trầm lắng dẫn đến Dự án Cát Bà Amatina gặp nhiều khó khăn, dòng tiền kinh doanh của Dự án (bao gồm cả bán mới và thu nợ) không đạt kỳ vọng, do vậy không có nguồn để trả cổ tức. Dự án Cát bà Amatina (Hải Phòng) bị chậm tiến độ thi công và dự kiến giai đoạn 2018 - 2022 mới hoàn thành với tổng vốn đầu tư lên gần 10.941 tỷ đồng.
Nợ cổ tức đã trở thành “dấu ấn” gắn liền với tên tuổi của nhiều DN. Trong đó phải kể đến CTCP Thiết bị phụ tùng Sài Gòn (SMA), khi DN này không dưới 10 lần thông báo trả rồi lại hoãn cổ tức. Công ty đã phải mất hơn 4 năm mới trả hết số cổ tức 14% của năm 2011.
Theo giải thích của SMA, trong giai đoạn 2009 - 2011, việc đầu tư nhà máy thủy điện vượt dự toán do lạm phát tăng cao, kết hợp với suy thoái kinh tế kéo dài, TTCK suy giảm nên Công ty thiếu vốn và dòng tiền mất cân đối, dù kiểm toán Công ty vẫn có lãi hàng năm.
Trao đổi với ĐTCK, một cổ đông SMA cho biết, đến thời điểm hiện tại, Công ty đã trả cổ tức năm 2011 sau 10 lần trì hoãn, nhưng khoản cổ tức giai đoạn 2012 - 2014 đến nay vẫn chưa trả hết khiến nhiều cổ đông bức xúc. Cổ đông này cho biết thêm, nhóm cổ đông của anh sẽ tiếp tục chất vấn lãnh đạo DN tại ĐHCĐ năm nay.
Bên cạnh đó, CTCP Sông Đà 7 (SD7) đã thực hiện chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức năm 2010 từ ngày 21/2/2012 với tỷ lệ 16% nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện chi trả khiến cho cổ đông chán nản. CTCP Sông Đà 9.06 (S96) cũng lùi thời hạn thanh toán cổ tức năm 2010 đến cuối năm 2016 vì chưa thu xếp được nguồn tiền.
Ứng phó với chây ỳ cổ tức, cách nào?
Những quy định mới về việc trả cổ tức đã được đưa vào Luật Doanh nghiệp 2014, có hiệu lực từ 1/7/2015. Theo quy định tại Điều 132 Luật Doanh nghiệp 2014, cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày kết thúc họp ĐHCĐ thường niên.
HĐQT lập danh sách cổ đông được nhận cổ tức, xác định mức cổ tức được trả đối với từng cổ phần, thời hạn và hình thức trả chậm nhất 30 ngày trước mỗi lần trả cổ tức. Vì vậy, tại ĐHCĐ năm nay, nhà đầu tư đã có thêm cơ sở để yêu cầu DN thực hiện trả cổ tức.
Còn nhớ, Nghị quyết ĐHCĐ năm 2015 của CTCP Lilama 45.5 (L44) đã thông qua việc chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức năm 2012 và 2014 sau 5 ngày Nghị quyết ĐHCĐ có hiệu lực; việc chi trả cổ tức sẽ được thực hiện trong vòng 30 ngày kể từ ngày chốt danh sách.
Nghị quyết cũng ghi rõ, trong trường hợp chi trả không đúng hạn, Công ty sẽ tính lãi suất cho khoản cổ tức trả chậm theo lãi suất tiền vay ngắn hạn của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đang áp dụng đối với L44 đến ngày thực trả.
Là DN niêm yết đầu tiên “hưởng ứng” Luật Doanh nghiệp mới khi nêu rõ kế hoạch chi trả cổ tức, Tuy nhiên, theo tìm hiểu của ĐTCK, đến thời điểm hiện tại, nghĩa là sau gần 1 năm, L44 vẫn chưa thực hiện hiện trả cổ tức như đã cam kết với cổ đông, Công ty sẽ thực hiện trả cổ tức năm 2012 và năm 2014 vào thời điểm cuối năm 2016 và cộng thêm mức lãi suất như đã cam kết.
Trước đây, cổ đông không có quyền khởi kiện DN do chưa có quy định cụ thể. Nhưng hiện nay, cổ đông hoàn toàn có cơ sở để khởi kiện doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014. Tuy nhiên, để bảo vệ cổ đông nhỏ lẻ, chỉ Luật Doanh nghiệp 2014 cải cách thôi chưa đủ, mà điều quan trọng là phải có những bước cải cách của hệ thống tư pháp về tố tụng dân sự, cơ quan tòa án để cổ đông có thêm cơ sở cũng như có tính khả thi hơn khi muốn khởi kiện DN trong việc chây ỳ cổ tức.