Khát vọng ấy đã hơn một lần được người đứng đầu Chính phủ nhắc tới, rằng gần 100 triệu dân Việt Nam luôn nuôi dưỡng khát vọng mãnh liệt trở thành một quốc gia độc lập, tự cường và thịnh vượng. Và rằng, dân tộc Việt Nam có khát vọng mãnh liệt để trở thành một quốc gia hùng cường không thua kém bất kỳ quốc gia nào trên thế giới trong những thập niên tới.
Không chỉ là khát vọng chung chung. Rất nhiều con số đã được chỉ ra, với các tầm nhìn đã được tính tới cho năm 2030, thậm chí là năm 2045 - năm nước Việt kỷ niệm 100 năm giành Độc lập. Đó là tới năm 2030, GDP bình quân đầu người tính theo giá tương đương phải đạt ít nhất 18.000 USD, trên 50% dân số Việt Nam sống ở đô thị, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP ở mức hơn 90% và đóng góp hơn 70% việc làm.
Còn tới năm 2045, Việt Nam phải trở thành một quốc gia phồn vinh, hạnh phúc, gia nhập nhóm các quốc gia thu nhập cao, nơi người dân có cuộc sống hạnh phúc nhất thế giới.
Tới năm 2045, Việt Nam phải trở thành một quốc gia có nền kinh tế tri thức cạnh tranh, nằm trong số 20 quốc gia đứng đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu cũng như chỉ số về môi trường kinh doanh thuận lợi.
Các mục tiêu này đã bắt đầu được tính tới trong quá trình Việt Nam xây dựng Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, cũng như Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2121-2025. Hiện Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội Đảng lần thứ XIII đang nỗ lực từng ngày để vạch con đường tương lai cho kinh tế - xã hội Việt Nam.
74 năm thành lập nước, 44 năm thống nhất đất nước, kinh tế - xã hội Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ. Chỉ trong giai đoạn 1989-2018, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt khoảng 6,8%, thuộc diện cao trong khu vực. Nhờ vậy, quy mô nền kinh tế tăng từ 3,9 lần, từ 6,3 tỷ USD (năm 1989), lên 245 tỷ USD vào năm 2018. GDP bình quân đầu người cũng đã tăng 27,4 lần trong giai đoạn này, hiện đạt mức 2.587 USD…
Thành tựu đó là đáng quý. Nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, 2.587 USD là con số khá thấp. So sánh với chuẩn quốc gia có thu nhập trung bình cao, hay quốc gia có thu nhập cao để hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, thì khoảng cách còn khá xa, thậm chí là rất xa.
Việt Nam còn cả một chặng đường rất dài để đi, để có thể chạm tới và vượt qua ngưỡng thu nhập bình quân đầu người 12.475 USD/năm, ngưỡng thu nhập đánh dấu quốc gia đó vẫn là nước có thu nhập trung bình hay đã vươn lên thành nước có thu nhập cao. Thậm chí, không còn là nguy cơ, nếu cứ quẩn quanh mãi trong mức thu nhập bình quân đầu người như hiện nay, Việt Nam khó có thể vượt qua được bẫy thu nhập trung bình. Dù cho đến nay, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, song nếu nhìn vào các bẫy năng suất thấp, bẫy tăng trưởng thấp, bẫy hiệu quả đầu tư chưa cao… mà Việt Nam đang vấp phải, thì chúng ta rất dễ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Chuyện tụt hậu cũng nhiều lần được nhắc tới.
Muốn đi được tới con đường thịnh vượng, trước tiên, Việt Nam phải thoát ra được bẫy trung bình này, mà con đường đó là không dễ dàng, nhất là khi những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ loanh quanh con số dưới 7%, chưa bứt lên được.
Chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhiều lần khẳng định, để chuyển đổi thành công từ một quốc gia có trình độ phát triển thấp trở thành một nền kinh tế có thu nhập trung bình với tốc độ phát triển cao và ổn định là điều không dễ dàng. Thoát bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước có thu nhập trung bình cao, là thử thách đầy khó khăn không kém. Hơn 30 năm qua, Việt Nam đã thành công nhờ công cuộc Đổi mới. Chính vì vậy, 30 năm tới cần tập trung mạnh hơn cho đổi mới, sáng tạo, cho cải cách thể chế, cho tháo gỡ các điểm nghẽn của nền kinh tế
Hành trình còn xa, đường đi còn gập ghềnh. Nhưng chỉ cần mỗi người dân Việt Nam luôn cháy bỏng khát vọng thịnh vượng, luôn nỗ lực hành động vì khát vọng đó, cộng với ý chí và quyết tâm, với tinh thần quật cường như 44 năm về trước của Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thì ngày nước Việt chung niềm vui thịnh vượng sẽ không xa.