Châu Âu và cơn khát vàng mới

Châu Âu và cơn khát vàng mới

(ĐTCK) Châu Âu đang đối diện với một cơn khát vàng mới khi nhu cầu vàng tại khu vực này tăng đột biến đầu năm 2015 do sự bất an của người dân trước những mối đe dọa về kinh tế và địa chính trị.

Con số mới được Hội đồng Vàng thế giới công bố cho thấy, nhu cầu tiêu thụ vàng tại châu Âu trong 3 tháng đầu năm 2015 đang ở mức cao nhất trong vài năm gần đây, với lượng vàng miếng và đồng xu vàng bán ra tăng 20% so với năm ngoái tại Đức. Cùng với đó, lượng vàng bán ra cũng tăng gấp đôi tại Pháp, Áo và Thụy Sỹ trong quý I/2015.

Theo các chuyên gia, nếu như cơn khát vàng trước đây được tạo ra bởi vàng là biểu tượng của may mắn và giàu có, thì hiện nay, những nỗ lực mua vàng của người dân là do họ phải đối diện với nhiều mối lo ngại, đặc biệt là sự lo lắng tới các “thảm họa” kinh tế đang ở dạng tiềm năng hiện nay. Vàng chính là một hình thức bảo hiểm tài chính, giúp họ cảm thấy bớt bất an trước việc tiền tệ dần mất đi giá trị.

Nỗi lo lạm phát

Các chuyên gia phân tích cho rằng, sự tăng vọt đối của nhu cầu vàng gần đây tại rất nhiều nước châu Âu là do lo ngại về tình hình kinh tế của lục địa này. Trong đó, nỗi sợ lớn nhất là vấn đề lạm phát, khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang không ngừng thực hiện kế hoạch bơm hàng tỷ euro ra thị trường trong các gói nới lỏng định lượng của mình.

Mối lo ngại việc kế hoạch mua 1,3 nghìn tỷ USD cổ phiếu của ECB có thể dẫn tới dư thừa lượng tiền quá lớn, do đó làm tụt giảm mạnh giá trị của đồng euro.

Theo một số chuyên gia, sở dĩ Đức tiến hành mua nhiều vàng hơn nữa là bởi người Đức lo ngại họ sẽ bị thiệt hại nặng nhất trước việc đồng euro mất giá.

Grexit – nỗi bất an thường trực

Nguyên do thứ 2 khiến nhu cầu vàng tăng mạnh là bởi sự bất an xung quanh vấn đề vỡ nợ của Hy Lạp. Hiện tại, chính phủ nước này vẫn đang tiến hành các cuộc đàm phán nợ với bộ 3 chủ nợ: ECB, Qũy Tiền tệ quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu, tuy nhiên, vẫn chưa có một kết quả chắc chắn nào được đưa ra.

Mối lo ngại Hy Lạp rút khỏi EU sẽ kéo theo hiệu ứng domino, khiến liên minh này có thể tan rã. Các thống kê mới được công bố cho thấy rằng, ngày càng có nhiều nghi ngờ về tính vững bền và những lợi ích mà mỗi quốc gia nhận được khi ở trong khu vực sử dụng đồng tiền chung duy nhất này.

Khủng hoảng Ukraine và các lệnh cấm vận áp đặt lên Nga

Bên cạnh tình trạng bất ổn tại châu Âu, một nhân tố khác đã trợ lực cho nhu cầu tiêu thụ vàng là cuộc khủng hoảng đang xảy ra tại Ukraine và các lệnh cấm vận mà EU đang áp đặt lên Nga.

Các lệnh cấm vận này ngày càng cho thấy những tác động tiêu cực ngược chiều lên chính nền kinh tế của các thành viên EU. Cả Đức và Áo mới đây đều cho biết rằng, nếu lệnh cấm vận đối với Nga còn kéo dài, nền kinh tế của 2 nước này sẽ phải chịu những thiệt hại tương ứng.

Hiện tại, giá vàng vẫn duy trì ở mức giá vừa phải bất chấp nhu cầu tiêu thụ vàng vật chất có tăng lên, tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, chỉ là vấn đề thời gian cho đến khi mức độ quan tâm được phản ảnh đầy đủ lên giá cả của vàng.

Tin bài liên quan