Theo Viện nghiên cứu kinh tế Áo, châu Âu đã thiệt hại khoảng 100 tỷ euro (113 tỷ USD) do các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga.
“Xuất khẩu sang Nga sụt giảm, mà tồi tệ nhất là vào mùa thu năm ngoái, đang trở thành tình trạng chung hiện tại. Trừ khi tình hình có biến chuyển rõ rệt, chúng ta đang phải đối mặt với viễn cảnh bi quan nhất từ trước tới nay”, chuyên gia kinh tế Oliver Fritz cho biết.
Các chuyên gia đánh giá sản lượng xuất khẩu của châu Âu sang Nga, do bị hạn chế bởi các lệnh cấm vận, sẽ sụt giảm khoảng 3% trong năm nay. Đồng thời, các lệnh cấm vận tương tự từ phía Nga đối với thực phẩm nhập khẩu từ châu Âu, sẽ có tác động mạnh lên các nước khu vực này, đặc biệt là Tây Ban Nha, Hà Lan và Ý.
Trục trặc với Nga cũng khiến các nước châu Âu mất khoảng 2 triệu việc làm, theo nghiên cứu trên. Đức là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất, với 465.000 việc làm, tiếp theo là Ba Lan với 335.000 việc làm bị cắt giảm.
Nghiên cứu của Viện nghiên cứu kinh tế Áo cho biết, nền kinh tế của các nước Liên minh châu Âu (EU) trở nên dễ bị tổn thương hơn trước tình hình suy thoái của kinh tế Nga, vốn đang bị chính các quốc gia này ra lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của Uỷ ban châu Âu (EC) lại cho rằng, sự ảnh hưởng của các lệnh cấm vận đối với kinh tế EU chỉ là “mối liên hệ nhỏ và dễ điều tiết”.
Trước đó, Mỹ và EU đã công bố việc áp đặt các lệnh cấm vận lên cá nhân và các công ty Nga kể từ nửa cuối năm 2014 do Nga có liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Để đáp trả, Nga cũng sử dụng các lệnh cấm vận đối với phần lớn thực phẩm nhập khẩu từ châu Âu vào tháng 8 năm ngoái.
Mới đây, các nước thuộc EU đã quyết định kéo dài thêm thời gian có hiệu lực của các lệnh cấm vận đối với Nga thêm 6 tháng nữa. Quyết định này đã được EU chấp thuận vào thứ Tư (17/6) vừa qua.