Với châu Á, khủng hoảng nợ ở châu Âu và Mỹ thực sự là một gánh nặng khó né tránh. (Nguồn: Internet)

Với châu Á, khủng hoảng nợ ở châu Âu và Mỹ thực sự là một gánh nặng khó né tránh. (Nguồn: Internet)

Châu Á trước bài toán nợ công của Mỹ và châu Âu

Đối với khu vực châu Á, vấn đề nợ công nghiêm trọng tại phương Tây giống như một hành tinh có quỹ đạo bay hướng thẳng về Trái Đất. Hành tinh đó quá to để có thể né tránh, cũng như quá khó để xác định chính xác mức độ thiệt hại sau cú va chạm.

Với khoảng 3.000 tỷ USD dự trữ ngoại tệ nắm giữ dưới hình thức trái phiếu của Bộ Tài chính Mỹ, trong đó riêng Trung Quốc và Nhật Bản đã sở hữu tổng cộng trên 2.000 tỷ USD, rõ ràng châu Á sẽ là khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp nếu Mỹ rơi vào tình trạng vỡ nợ.

 

Nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ (có trụ sở tại New York ), Chris Rupkey nói: "Liệu các nhà đầu tư có thể chuyển lượng tiền mặt khổng lồ này sang các kênh nào khác? Câu trả lời là không."

 

Nhìn chung, các quốc gia chủ nợ của Mỹ không còn lựa chọn nào khác là kiên nhẫn chờ đợi trong hy vọng rằng điều tốt đẹp nhất sẽ tới khi Washington đang tìm mọi cách để giải quyết vấn đề trần nợ công trước hạn chót vào ngày 2/8.

 

Trên thực tế, một số quan chức còn bày tỏ sự lo ngại lớn hơn về những rủi ro của cuộc khủng hoảng nợ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt tại châu Âu, nơi "cơn bão" nợ công đã lan rộng từ Hy Lạp, Ireland , Bồ Đào Nha, sang cả nền kinh tế lớn hơn nhiều là Italy . Một quan chức chính phủ Nhật Bản giấu tên cho biết: "Nhật Bản có thể thiệt hại đôi chút trong trường hợp trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ bị hạ cấp, song đây vẫn là kênh đầu tư ít rủi ro nhất. Bên cạnh đó, chúng tôi còn lựa chọn nào khác nếu bán ra USD. Euro chăng? Có gì đảm bảo đây sẽ là khoản đầu tư an toàn hơn USD."

 

Mối lo lớn nhất của Nhật Bản là đồng yen tăng giá so với USD hay euro trong trường hợp cuộc khủng hoảng nợ diễn biến theo chiều hướng xấu đi. Đồng yên tăng giá chắc chắn sẽ tác động xấu tới hoạt động xuất khẩu của Nhật Bản và ảnh hưởng tới tiến trình phục hồi kinh tế đất nước "Mặt Trời mọc" sau thảm họa kép động đất và sóng thần kinh hoàng hồi tháng Ba vừa qua.

 

Đối với Trung Quốc, quốc gia "chủ nợ" lớn nhất của Mỹ, tiếp tục mua thêm 7,3 tỷ USD trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ trong tháng 5 vừa qua, đánh dấu tháng tăng thứ hai liên tiếp sau 5 tháng sụt giảm. Giới chuyên gia cho rằng, chính Trung Quốc đã tự đẩy mình vào "thế khó" để bảo vệ quyền lợi kinh tế của riêng mình.