Trong tháng 4, vốn ròng đổ vào các thị trường mới nổi đã tăng tới 42% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 64 tỷ USD.

Trong tháng 4, vốn ròng đổ vào các thị trường mới nổi đã tăng tới 42% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 64 tỷ USD.

Châu Á đối phó với dòng tiền nóng

(ĐTCK) Các ngân hàng trung ương (NHTW) ở châu Á, Úc và New Zealand đang phải tiến hành các biện pháp đối phó với dòng vốn lớn đổ vào từ bên ngoài. Dòng vốn này đang khiến các đồng tiền của họ mạnh lên ngoài ý muốn và làm phức tạp hóa các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng.

Hôm thứ Tư, NHTW New Zealand cho biết, họ đã can thiệp vào thị trường ngoại hối để làm giảm tốc độ tăng giá của đồng tiền nước này và sẽ tiếp tục làm như vậy. Trước đó một ngày, NHTW Úc cũng đã cắt giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục, đồng thời lưu ý về sức mạnh “ngoan cố” của đồng đô la Úc. Ở những nơi khác, Trung Quốc đang hành động để hạn chế việc đặt cược vào đồng nhân dân tệ tăng giá, trong khi Thái Lan đang xem xét các nỗ lực để kiềm chế đồng baht, đang mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Trong một động thái bất ngờ vào sáng thứ Năm, Hàn Quốc đã cắt giảm lãi suất một phần tư điểm phần trăm khi quốc gia này đang phải đối phó với một nền kinh tế đang chậm lại. Việc cắt giảm chi phí đi vay được thực hiện một ngày sau khi một quan chức chính phủ lên tiếng về những chuyển động “một chiều” trên thị trường hối đoái, khiến đồng won liên tục tăng giá.

Dòng chảy vốn đổ vào khu vực đang dâng lên là một trong nhiều ví dụ về cách các nhà đầu tư đang sục sạo toàn cầu để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn cho đồng tiền của họ. Nhiều NHTW ở các nước phát triển đang bơm tiền trong một nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế, khiến lãi suất giảm xuống và dòng tiền chảy vào các lĩnh vực đầu tư khác. Một ví dụ khác, lãi suất trái phiếu hạng thấp, chẳng hạn như ở các thị trường mới nổi, đã giảm xuống dưới 5% trong tuần này khi các nhà đầu tư đổ xô vào chứng khoán.

“Châu Á, xét một cách tương đối, vẫn là nơi có tăng trưởng vượt trội. Đây là nơi mà tiền sẽ tìm đến”, Craig Chan, chuyên gia phân tích ngoại hối của Ngân hàng Nomura tại Singapore cho biết.

Thông tin từ nhà cung cấp dữ liệu EPFR Global cho thấy, các nhà đầu tư đã đổ thêm gần 7 tỷ USD vào các quỹ tương hỗ trái phiếu ở các thị trường mới nổi châu Á trong năm nay, tương tự như các dòng vốn đã xảy ra trong năm 2010. Một phân tích của Ngân hàng Thế giới về các dòng vốn đổ vào các thị trường mới nổi trên toàn cầu cho thấy, trong tháng 4, dòng vốn này đã tăng tới 42% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 64 tỷ USD.

Một số liệu khác cũng phản ánh điều này, đó là lượng dự trữ ngoại tệ tăng lên của các ngân hàng trung ương châu Á. Từ đầu năm đến nay, dự trữ ngoại hối ở châu Á đã tăng thêm 120 tỷ USD, đạt gần 4,3 nghìn tỷ USD, theo Ngân hàng Thế giới.

Mặc dù thu hút đầu tư từ nước ngoài thường là một điều tốt, nhưng nếu không được kiểm soát, dòng vốn này sẽ làm cho đồng nội tệ mạnh hơn, khiến hàng hóa của một quốc gia trở nên ít cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Các nhà hoạch định chính sách cũng lo ngại rằng, số tiền đó, khi chảy vào quá nhanh, có thể gây bất ổn định cho các thị trường ngân hàng, chứng khoán và tiền tệ địa phương.

“Một vấn đề nan giải đối với NHTW các nước này là, họ có thể hạn chế các dòng vốn đó bằng cách hạ lãi suất…, nhưng ở một vài nền kinh tế, điều đó có thể dẫn đến rủi ro tăng trưởng quá nóng hoặc bong bóng tài sản”, Stephen Schwartz, chuyên gia kinh tế của BBVA ở Hong Kong nhận xét.

Philippines, nước vừa được nâng mức xếp hạng tín nhiệm đầu tư bởi hai công ty đánh giá, đã và đang phải chiến đấu với cái gọi là dòng tiền nóng bằng nhiều biện pháp, bao gồm việc tạo điều kiện dễ dàng hơn cho người dân địa phương mang tiền ra nước ngoài và giảm lãi suất huy động cho các ngân hàng kinh doanh xuyên biên giới.

NHTW Thái Lan cũng đang chịu áp lực từ chính phủ phải can thiệp để giảm bớt sức mạnh của đồng baht. NHTW này, hôm 30/4, đã đưa ra cảnh báo rằng “việc tăng giá quá nhanh của đồng baht là không phù hợp với nền tảng kinh tế”. NHTW Thái Lan cam kết sẽ làm việc với chính phủ về các biện pháp đối phó. Không có thông báo chính thức, nhưng các nhà phân tích dự đoán sẽ có một đợt cắt giảm lãi suất hoặc các động thái khác để ngăn chặn dòng vốn chảy vào nước này.

Mặc dù làn sóng đổ tiền vào châu Á bắt đầu xuất hiện trở lại ở một số nước kể trên và gây nên sự bất tiện cho các nền kinh tế này, ở một số nước khác, như Ấn Độ và Indonesia, vấn đề có vẻ chưa đến mức đáng lo ngại do nền kinh tế còn thâm hụt thương mại. Hiện còn quá sớm để đánh giá đầy đủ về về quy mô của dòng chảy lần này, nhưng một số nhà phân tích cho rằng, nó sẽ không thể bằng làn sóng của năm 2010.