Ảnh Shutterstock

Chất thơ trong gốm cổ Chu Đậu

(ĐTCK) Khi nhắc đến gốm Việt, nhiều người chỉ biết đến gốm Bát Tràng, Hương Canh, Thổ Hà, Phù Lãng…, mà quên rằng, Việt Nam cũng có một loại gốm cổ rất quý là gốm Chu Đậu.

Năm 2009, chuẩn bị cho kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, tôi đề nghị làm 1.000 bình sứ Bát Tràng có in những bài thơ cổ hay nhất lên đó và được nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đồng ý.

Ngày thơ Việt Nam năm 2010, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, những bình gốm sứ Bát Tràng in những bài thơ hay đã được trưng bày. Dù không đủ 1.000 chiếc bình, nhưng những bài thơ trong gốm sứ đã chuyển đến tâm hồn những người yêu gốm sứ nhiều nét gốm rất thơ.

 Ảnh Shutterstock

Tôi xem các bình sứ có đề thơ, lòng như thăng hoa. Thơ và gốm sứ, nét văn hoá xưa đã được khôi phục lại. Vì thế, khi chuẩn bị về Hải Dương cho chuyến đi thực tế của Hội Nhà văn Việt Nam, tôi đã có ý định sẽ viết về gốm sứ.

Với tôi, tỉnh Đông như là tuổi thơ, như là một mối tình xưa trong xanh và thơ mộng. May mắn cho tôi, trong chuyến đi Hải Dương đã được gặp ông Tăng Bá Hoành, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hải Dương, người nghiên cứu sâu về lịch sử gốm sứ Chu Đậu.

Trước đây, vốn chỉ biết gốm Chu Đậu rất mờ nhạt qua những lần đi Quảng Ninh công tác. Dọc đường 18, người ta trưng bày những bình gốm có biển đề là gốm Chu Đậu, nhưng tôi quan tâm đến sứ Bát Tràng nhiều hơn. Nếu năm 2009, tôi biết về gốm sứ Chu Đậu, những bình gốm trưng bày trong ngày thơ Việt Nam sẽ phong phú hơn biết bao nhiêu!

Theo ông Tăng Bá Hoành, đã từ lâu, mọi người chỉ biết đến gốm truyền thống Bát Tràng (Hà Nội), Hương Canh (Vĩnh Phúc), Thổ Hà, Phù Lãng (Hà Bắc)…, còn gốm Chu Đậu với lịch sử hơn 400 năm thì mờ nhạt như một bóng mây, chỉ còn trong lịch sử thoáng qua.

 Ảnh Shutterstock

Cho đến năm 1980, ông Makoto Anabuki, nguyên Bí thư Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam trong chuyến công tác tại Istambul (Thổ Nhĩ Kỳ), khi đến thăm Bảo tàng Topkapi Saray đã nhìn thấy chiếc bình hoa lam quý giá có ghi dòng chữ Hán: “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút” (nghĩa là: Năm Thái Hoà thứ tám - đời vua Lê Thánh Tông, Dương lịch là năm 1450, thợ gốm họ Bùi Thị Hý, châu Nam Sách vẽ).

Ông Makoto Anabuki đã viết thư cho Bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng lúc đó là ông Ngô Duy Đông, nhờ các nhà khảo cổ chỉ cho chiếc bình gốm đó có xuất sứ từ làng gốm nào. Đến lúc đó, người ta mới biết đến gốm Chu Đậu như là một báu vật đã chu du thế giới từ lâu.

Ông Hoành cho biết thêm, hiện nay, có 46 bảo tàng trên thế giới đang trưng bày các hiện vật gốm Chu Đậu. Trong những cuộc bán đấu giá, chiếc bình gốm hoa lam cao 54 cm tại Bảo tàng Topaki Saray có giá bảo hiểm tới 1 triệu USD.

Hiện nay, với hàng trăm nghìn cổ vật gốm thu thập được qua các cuộc khai quật đã xác định được Chu Đậu là trung tâm chuyên sản xuất gốm cao cấp từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVI.

Theo các nhà khoa học, khi chiến tranh Trịnh - Mạc xảy ra, vùng Nam Sách, trong đó có làng gốm Chu Đậu đã bị đốt phá. Những người thợ tài hoa làng gốm này đã phiêu bạt đến các vùng khác, lập nên các làng nghề gốm mới. Gốm Chu Đậu thất truyền từ đầu năm 1593, khi nhà Mạc thất thủ ở Hải Dương, cho đến khi được khôi phục đã trên 400 năm.

Sự quý giá của gốm cổ Chu Đậu thì khỏi phải nói, nhưng tôi mê chất thơ, chất văn hoá trong gốm cổ Chu Đậu. Màu men và hoa văn trên gốm đầy chất thơ mang bản sắc Việt Nam, không thể lẫn với bất cứ dòng gốm nào.

Ảnh Shutterstock 

Tôi nhìn một bình gốm tỳ bà. Đúng rồi, thơ mộng và màu thơ. Chất thơ trong màu men lãng mạn mang phong cách rất thuần Việt. Gốm Chu Đậu là sự kế thừa của gốm Vạn Yên (Kiếp Bạc) thế kỷ XIII, gốm Lý - Trần về lớp men ngọc và tạo khắc hoa văn chìm nổi, kiểu dáng thanh thoát như vũ công đang múa.

Chất thơ trong hồn Việt thể hiện ở cảnh mục đồng chăn trâu, cô gái lái đò, người kéo vó ven sông đội nón, những mái nhà tranh ven sông, các loại hoa, cỏ cây, chim cá… Giữa các sản phẩm thường có chữ Phúc, Chính, Sĩ, Hoa, Trung, Kim, Ngọc, Tàm, Quỳ, Trù…, có thể là tên hiệu của các chủ lò thời xưa.

Tôi như lạc vào một vườn hoa men gốm trong bảo tàng đồ cổ: Men trắng chàm và men tam thái nổi danh, được nhiều người ưa chuộng, nhưng men trắng chàm (nền men trắng, hoa văn màu xanh dịu dàng, mờ ảo) chiếm số lượng cao nhất.

Theo ông Tăng Bá Hoành, các món đồ gốm vớt được ở ngoài khơi Ðà Nẵng - Hội An cũng đều là men trắng chàm. Do đó, khi nói về đồ gốm Chu Ðậu, người ta chỉ thường nói về loại men này.

Chất thơ của gốm Chu Đậu còn in trong trang trí mặt gốm: Màu men rất tinh tế mà phóng khoáng, trữ tình mà hài hòa, thơ mộng mà gần gũi với đời sống dân gian.

 Ảnh Shutterstock

Những hộp bình trà Chu Đậu in hình hoa cúc, hoa sen, chim chích chòe, bồ nông, người dân chài kéo vó... Những chiếc nậm rượu hình rồng trong con tàu đắm ở Cù Lao Chàm, nét vẽ không cầu kỳ trau chuốt, nhưng tao nhã và sang trọng, thanh thoát và thăng hoa.

Chất thơ còn trong kiểu dáng đồ gốm. Xem trong sưu tập gốm ở Công ty Gốm Chu Đậu, Nam Sách đủ thấy sự phong phú về kiểu dáng, dù chỉ là một phần nhỏ của gồm Chu Đậu xưa. Dáng thanh thoát và mềm mại từ những đường cong liên tiếp, hoa văn trang trí gần với đời sống nông dân và nông thôn, nhưng đầy chất thơ tươi mát và đậm chất dân tộc Việt.

Dáng ly uống rượu cũng rất quý phái và thơ mộng. Tước (hay bôi) là ly uống rượu chân cao. Ngoài những tước men ngọc, màu xanh trong, còn có những sáng kiến kỳ diệu như tước thần kim quy. Ẩn trong chân tước này là một quả nổi để lộ hình rùa thần kim quy ngồi dưới đáy, khi rượu được rót vào, thì hình ảnh cô tiên nhỏ nhắn từ từ nổi lên theo mực rượu trong lòng tước. Khi người uống rượu, ngắm ly đẹp, rượu ngon, tửu nhập ngôn xuất, thi tứ phát lộ.

Ðĩa Chu Ðậu cũng có nhiều dáng rất đẹp, quý phái và phong phú. Những đĩa tam thái (ba màu men) rất lớn, đường kính đến khoảng 50 cm, nhưng thường vào khoảng hơn 25 cm. Cùng với bình tỳ bà và bát Chu Ðậu, đĩa Chu Ðậu là những món đồ gốm đẹp và nổi tiếng, được rất nhiều viện bảo tàng và nhà sưu tập quốc tế ưa chuộng.

Bát Chu Ðậu cũng có nhiều dáng đẹp. Thường là men trắng chàm, đường kính ở miệng bát từ 14 - 16 cm, cao từ 8 - 10 cm, nhiều loại hoa văn khác nhau: khi thì chim sẻ đậu trên cành mai, khi thì đóa cúc, đóa mẫu đơn, khi thì lại là khóm phong lan… trong lòng bát.

 Ảnh Shutterstock

Vui bạn bình thơ, khi đối ẩm ta uống rượu. Bình đẹp cũng gợi nguồn thi tứ. Người làm bài thơ hay về Gốm Chu Đậu cũng chính là người có công lớn với nghề gốm cổ truyền Chu Đậu, nghệ nhân Đặng Mậu Nghiệp tự là Huyền Thông, quê ở Hùng Thắng, châu Nam Sách.

Cũng tại Bảo tàng Topkapi Saray còn lưu giữ chiếc lư hương gốm màu xanh xám của ông làm từ năm Hưng Trị thứ 2 (1589), một trong 2 cổ vật gốm quý giá nhất của Chu Đậu. Người làng Chu Đậu xưa đã tôn ông là ông tổ nghề gốm Chu Đậu.

Về Chu Đậu, tôi được xem nhiều bình gốm có đề thơ hay. Thơ Tố Hữu, thơ Bác Hồ, thơ ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp... đều được in trên gốm.

Ca ngợi gốm, Giám đốc Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu Nguyễn Hữu Thức đọc câu thơ để nói lên thú chơi của người xưa:

Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ cảnh

Chơi đồ sành, đồ sứ chính là thú chơi quý phái và văn hoá.

Còn ông Tăng Bá Hoành lại đọc cho tôi bài thơ Hoằng Thuỷ Đào Từ (đồ sứ có men linh linh sâu thẳm) của Phạm Cảnh Trực ca ngợi sự nghiệp của Bùi Thị Hý thế kỷ XVI. Bài thơ tạm dịch là:

Lung linh gốm sứ

Tiếp tiếp phường lò ở biên giang

Chủ nhân Thị Hý nữ tài danh.

Lò lò khởi tự phường Quang Ánh

Theo dòng tiếp tiếp đến Chu Trang

Muôn vạn đồ sứ theo thuyền biển

Bao nước bao châu khắp muôn phương

Đất thơm vạn phẩm dư hương sắc

Lung linh gốm sứ Quang Ánh trang.

Tin bài liên quan