Chất lượng nhân lực, nỗi lo của ngành bảo hiểm

Chất lượng nhân lực, nỗi lo của ngành bảo hiểm

(ĐTCK) Làm thế nào để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chính là mối quan tâm lớn nhất của các doanh nghiệp bảo hiểm hiện nay.

Khá nhiều đề xuất, góp ý tại  hội thảo thường niên về phát triển nguồn nhân lực của thị trường bảo hiểm Việt Nam vừa được Trung tâm Nghiên cứu đào tạo bảo hiểm (IRT, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm) tổ chức mới đây. Tuy nhiên, phải làm gì để nâng chất lượng nguồn nhân lực cho thị trường bảo hiểm năm 2012 vẫn là câu hỏi được mọi người đặc biệt quan tâm.

Theo thống kê của IRT, trong năm 2011, nguồn nhân lực ngành bảo hiểm chủ yếu là nhân lực trẻ, độ tuổi trung bình là 30. Trong đó, tại 1 số DN, ngoài ban giám đốc và các cán bộ cấp quản lý, số lượng nhân lực tốt nghiệp chuyên ngành bảo hiểm chính quy không nhiều. Mặc dù các DN đã nỗ lực tự đào tạo (trong và ngoài nước), nhưng các lớp học nghiệp vụ mang tính kỹ thuật cao chưa được tổ chức định kỳ.

Về đào tạo, trong năm 2011, IRT đã tổ chức khóa đào tạo bồi dưỡng phương pháp và kỹ năng giảng dạy cho 28 đối tượng giảng viên của DN; tổ chức 6 khóa đào tạo cơ bản về bảo hiểm phi nhân thọ cho 230 học viên, đáp ứng được 86,79% nhu cầu đào tạo năm 2011 của các DN bảo hiểm phi nhân thọ đăng ký đầu năm. Tỷ lệ học viên cấp chứng chỉ của 6 khóa là 76,5%.

Mặc dù vậy, không ít quan điểm cho rằng, vẫn còn đó những hạn chế ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Công thương (Bảo Ngân), hiện có 2 điểm hạn chế ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực. Thứ nhất, nguồn nhân lực được đào tạo mới thiếu thực tế, hay nhảy việc, khiến DN không muốn đầu tư quá nhiều vào việc nâng cao chất lượng của nhân sự mới. Thứ hai, nguồn nhân lực chất lượng, có kinh nghiệm khan hiếm, DN nhỏ như Bảo Ngân rất khó cạnh tranh thu hút.

Ngoài ra, tại đa số DN, vẫn phổ biến tình trạng đào tạo tập trung nhưng chỉ mang tính hình thức, mang lại hiệu quả thấp, chưa xây dựng được bản đồ đào tạo có lộ trình cụ thể cho từng vị trí nhân viên, chưa có quy chế đào tạo xác định rõ trách nhiệm đào tạo của các quản lý trực tiếp (lãnh đạo phòng ban/đơn vị). Đồng thời, rất ít các DN bảo hiểm có trung tâm đào tạo của riêng mình; mô hình trung tâm đào tạo mới chỉ được vận hành tại một số thương hiệu bảo hiểm lớn như PVI, Bảo Việt. Do đó, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các DN này phải trông chờ vào công tác đào tạo của IRT.

Theo đại diện CTCP Bảo hiểm Petrolimex (PIJICO), để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, Bộ Tài chính, Cục Giám sát và quản lý bảo hiểm, Trung tâm đào tạo bảo hiểm và Hiệp hội Bảo hiểm cần có tiêu chí rõ ràng trong việc tuyển dụng, đào tạo, hỗ trợ, điều phối thị trường nguồn nhân lực, đảm bảo tránh khủng hoảng nhân lực, kiểm soát số lượng DN bảo hiểm lập mới, phối hợp với các trường đại học, cơ sở đào tạo của DN trong đào tạo nghiệp vụ.

Ông Tuấn cũng đề xuất, do nhân sự từ đại lý chiếm tỷ trọng khá lớn tại DN, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm và Hiệp hội Bảo hiểm cần đứng ra quản lý tập trung hoạt động đào tạo cơ bản, cấp chứng chỉ hành nghề cho đại lý để đảm bảo chất lượng đầu vào của hệ thống đại lý.

Bà Nguyễn Thanh Nga, Giám đốc IRT cho rằng, Trung tâm đang xây dựng kế hoạch phát triển đào tạo trong dài hạn. Kế hoạch sẽ được triển khai theo hướng: xây dựng cơ chế phối hợp nhằm dự báo chính xác nhu cầu đào tạo giai đoạn 2012 - 2015; xây dựng cơ chế phối hợp giữa DN và IRT trong hoạt động, chương trình đào tạo và phản hồi về nội dung, chất lượng đào tạo với nhu cầu của DN và thị trường.

Chất lượng nhân lực, nỗi lo của ngành bảo hiểm ảnh 1

Ông Trần Thanh Tú

Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Việt Nam

Với phương châm “khách hàng là trên hết”, Công ty luôn chú trọng công tác huấn luyện, đào tạo đại lý bảo hiểm sao cho hình ảnh và uy tín cũng như chất lượng tư vấn cho khách hàng luôn đạt những chuẩn mực cao nhất.

Dai-ichi Life Việt Nam mong muốn Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo bảo hiểm, với tư cách là một tổ chức đào tạo chuyên nghiệp, sẽ phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường để xây dựng và tổ chức các chương trình đào tạo phù hợp về nội dung và thời gian. Việc Trung tâm tổ chức thường xuyên các khóa đào tạo cho toàn thị trường sẽ giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà vẫn không ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày của DN.

 

Bà Đặng Thị Thu Hà

Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo đại lý, Bảo Việt Nhân thọ

Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cần chủ trì phối hợp với các DN bảo hiểm xây dựng Bộ tiêu chuẩn năng lực, quy định năng lực cán bộ theo từng vị trí trong DN cũng như cho các nhóm vị trí của đội ngũ đại lý (đại lý/trưởng nhóm/trưởng ban) cho toàn ngành bảo hiểm.