Trong ngành bán lẻ, vị thế bán hàng lớn sẽ quyết định rất nhiều yếu tố, trong đó có chi phí đầu vào, điều kiện thanh toán...

Trong ngành bán lẻ, vị thế bán hàng lớn sẽ quyết định rất nhiều yếu tố, trong đó có chi phí đầu vào, điều kiện thanh toán...

Chặng đường vươn tới vị thế bán hàng lớn nhìn từ thương vụ Shop&Go “bán mình” giá 1 USD

(ĐTCK) Chuỗi Shop&Go gồm 70 cửa hàng tiện lợi tại TP.HCM và 17 cửa hàng tại các quận trung tâm Hà Nội được Công ty VinCommerce, đơn vị thành viên của Tập đoàn Vingroup mua với giá 1 USD là thông tin được nhiều nhà đầu tư quan tâm, do bức tranh tài chính của Shop&Go chưa được hiển thị rõ ràng.

Mục đích chính là nhận lại cửa hàng

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, một nguồn tin từ Vingroup cho biết, VinCommerce (có chuỗi bán lẻ VinMart) mua lại 87 cửa hàng Shop&Go từ Công ty cổ phần Cửa hiệu và Sức sống - chủ sở hữu chuỗi cửa hàng, với giá tượng trưng 1 USD. Theo đó, Công ty cổ phần Cửa hiệu và Sức sống sẽ bàn giao gồm cả tài sản, mặt bằng và một số nghĩa vụ hợp đồng đang có với các bên cho VinCommerce.

Như vậy, sau thương vụ này, VinCommerce ngay lập tức có thêm 87 cửa hàng bán lẻ.

Theo các thông tin trên thị trường, Shop&Go sau 10 năm đi vào hoạt động, đến hết năm 2016 có khoản lỗ lũy kế 205 tỷ đồng, trong đó năm 2016 lỗ 39 tỷ đồng, năm 2015 lỗ 18 tỷ đồng.

Với việc bán chuỗi Shop&Go, một nhà đầu tư ngoại đã phải chấp nhận rời bỏ cuộc chơi khỏi thị trường bán lẻ Việt Nam, vốn được đánh giá rất cao trong mắt các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bán lẻ: Cuộc chơi chỉ dành cho đại gia

Quy mô vốn điều lệ 207 tỷ đồng, nhưng lỗ lũy kế 205 tỷ đồng tính đến hết năm 2016, nhiều khả năng Công ty cổ phần Cửa hiệu và Sức sống bị âm vốn lớn và mất thanh khoản ở thời điểm chuyển giao chuỗi cửa hàng Shop&Go cho VinCommerce.

Vingroup, với chiến lược đẩy mạnh mảng kinh doanh dịch vụ bán lẻ, trong các năm vừa qua đã từng bước phủ rộng các cửa hàng VinMart, VinMart+, Vinpro… tới nhiều tỉnh, thành phố trên khắp cả nước. Cũng không khó để nhận ra, các đại siêu thị của Vingroup trong 2 năm gần đây có sự chuyển biến rất mạnh về số lượng người tiêu dùng đến và mua hàng.

 Kết quả kinh doanh dịch vụ bán lẻ của Vingroup 
giai đoạn 2015 - 2018.

Đơn cử, tại siêu thị VinMart nằm trong quần thể Times City (Hà Nội), số quầy tính tiền đã được mở rộng, nhưng vẫn thường xuyên có một lượng lớn người xếp hàng chờ thanh toán. Đây là một trong những biểu hiện về sự khởi sắc của Vingroup trong mảng bán lẻ.

Nhìn vào báo cáo tài chính của Vingroup, có thể hiểu rằng, bán lẻ là một cuộc chơi lớn, mà nếu không phải đại gia sẽ khó thực hiện, khi chỉ tính riêng số tiền chi cho mảng bán lẻ của Tập đoàn đã lớn hơn nhiều quy mô vốn của không ít doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh vực.

Để có được doanh số 19.325 tỷ đồng chỉ bán cho bên thứ 3 trong năm 2018, tăng gần 50% so với năm 2017, Vingroup đã chấp nhận ghi nhận lỗ tới 5.120 tỷ đồng trong năm đó. Trong 4 năm gần đây, doanh số bán lẻ của Vingroup đã tăng 4,5 lần. Nhà đầu tư vốn nhìn nhận mảng bán lẻ như một miếng bánh hấp dẫn, vì thế, nhìn dưới góc độ chiến lược kinh doanh bài bản, đó có thể là một thành công của Vingroup trong việc chiếm lĩnh thị trường.

Với một nhà đầu tư mới gia nhập thị trường, có 2 cách để nhanh chóng có được thị phần, đó là tự đầu tư hoặc mua lại một chuỗi lớn đã có sẵn. Cách mua lại chuỗi đã có sẵn tiết kiệm thời gian, nhưng khoản chi phí thường rất lớn.

Chẳng hạn, năm 2016, Big C Việt Nam (thuộc Tập đoàn Casino) có mạng lưới gồm 43 cửa hàng và 30 khu trung tâm mua sắm trải dài từ Nam ra Bắc, doanh thu chưa thuế năm 2015 là 586 triệu euro (xấp xỉ 14.700 tỷ đồng), được định giá xấp xỉ 1,1 tỷ USD trong thương vụ Casino bán lại Central Group.

Thực tế, Big C đã có lãi nên mới được mua với mức giá như vậy, nhưng thương vụ này cho thấy, chi phí để Central Group có được thị phần là không nhỏ.

Để chiếm lĩnh vị thế trong ngành bán lẻ, Vingroup đã đầu tư 16.135 tỷ đồng tài sản cho mảng này. Tính tổng cộng, mức đầu tư cho kinh doanh bán lẻ của Vingroup đến cuối năm 2018 khoảng 29.500 tỷ đồng, để có được doanh thu thuần hơn 19.300 tỷ đồng (chỉ tính riêng bán cho bên thứ ba).

Nếu so sánh tương đối với tỷ lệ giá mua chuỗi/doanh thu thuần mà Central Group đã bỏ ra để mua Big C, có thể thấy, Vingroup đang “tiết kiệm” được không ít chi phí.

Với chiến lược tiếp tục mở rộng số siêu thị, đại siêu thị và cửa hàng tiện lợi phủ khắp cả nước, mục tiêu 200 siêu thị VinMart và 4.000 cửa hàng VinMart+ vào năm 2020, Vingroup sẽ tiếp tục đầu tư nhiều hơn để đạt mục tiêu thị phần và độ phủ.

Một nguồn tin từ Vingroup cho biết, với kết quả khả quan từ các điểm bán hàng đang có, Tập đoàn kỳ vọng có thể rút ngắn được thời gian hòa vốn khoảng 1 năm so với kế hoạch ban đầu. 

Vươn tới vị thế bán hàng lớn

Trước Shop&Go, chuỗi Fivimart đã về tay VinMart từ năm 2018. Việc tiếp tục M&A chuỗi bán lẻ khác là điều có thể xảy ra, khi phần lớn các chuỗi cửa hàng tiện lợi hiện nay đều thua lỗ, trong khi Vingroup vẫn đang thực hiện chiến lược mở rộng điểm bán hàng trên khắp cả nước. Bản thân Vingroup đã gia nhập lĩnh vực bán lẻ bằng mua lại Ocean Mart và gần đây là Fivimart, Shop&Go.

Hiện tại, VinMart chỉ xếp sau Saigon Co.op về vị thế doanh thu. Với tốc độ tăng trưởng quy mô doanh thu như hiện nay, cơ hội VinMart tiệm cận hoặc vượt Saigon Co.op là có nếu chuỗi này không đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối. Năm 2018, trong khi SaiGon Co.op đặt mục tiêu tăng trưởng 10% doanh thu toàn hệ thống, thì mảng bán lẻ của Vingroup tăng trưởng gần 50% trong 2 năm liên tiếp.

Nhưng M&A chuỗi bán lẻ thua lỗ có tạo nên sức ép đến hiệu quả kinh doanh với bên mua? Thực tế, tài sản phát huy được giá trị tùy theo ông chủ và hệ sinh thái mà nó được đặt vào.

Trên thế giới, câu chuyện kinh điển trong M&A của HTC, Beats Electronics và Apple mấy năm trước là một ví dụ.

Năm 2011, HTC bỏ ra 309 triệu USD mua 50,1% vốn góp của Beats Electronics, hãng sản xuất tai nghe chiếm hơn 60% thị phần tại Mỹ.

Năm 2012, HTC bán lại một nửa khoản đầu tư này, với giá 150 triệu USD, ghi nhận khoản lỗ 4,8 triệu USD. Đến quý IV/2013, HTC thực hiện bán nốt phần vốn góp vào Beats Electronics, với giá 265 triệu USD, tương đương khoản lãi 85 triệu USD.

Nửa năm sau đó, vào ngày 8/5/2014, Apple thực hiện thương vụ M&A lớn nhất lịch sử của Công ty tính đến thời điểm đó, mua vào Beats Electronics với giá 3,2 tỷ USD.

Tất nhiên, Beats Electronics chỉ thực sự phát huy khi về với Apple, bởi nhận hiệu quả cộng hưởng từ sức mạnh thương hiệu, quy mô, sản lượng mà Apple đang có.

Trong ngành bán lẻ, vị thế bán hàng lớn sẽ quyết định rất nhiều yếu tố, trong đó có chi phí đầu vào, điều kiện thanh toán, triển khai các chiến dịch marketing riêng biệt, phát triển các dòng nhãn hàng riêng…, từ đó có thể cải thiện biên lợi nhuận so với các đối thủ. Với Vingroup, vị thế đang gia tăng trong bảng xếp hạng các nhà bán lẻ tại Việt Nam, cùng với thông tin có thể rút ngắn thời gian đạt điểm hòa vốn, tập đoàn này có thể sẽ sớm biến những “bại tướng” trở thành sức mạnh của mình trong một cuộc chơi lớn.

Tin bài liên quan